Tập huấn công tác “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học”

Ngày 14/10, chương trình ETEP tổ chức Tập huấn và chuyển giao trực tuyến tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà modul 5 - “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học”. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ dự khai mạc.

Cùng tham gia có lãnh đạo các Vụ Công tác chính trị và Học sinh sinh viên; Giáo dục Trung học; Giáo dục Tiểu học; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Cục Công nghệ thông tin. Chuyên gia Ngân hàng thế giới, lãnh đạo 7 trường Sư phạm tham gia chương trình ETEP và hơn 300 giảng viên sư phạm chủ chốt, dự tập huấn qua các điểm cầu trực tuyến.

Quang cảnh khai mạc tập huấn

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tư vấn, hỗ trợ học đường. Hoạt động này không chỉ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, mà còn giúp tất cả học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội. Tư vấn tâm lý học đường góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách học sinh; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường.

Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học không phải việc mới, ngành GDĐT đã triển khai nhiều năm. Đặc biệt năm 2017 Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 31 “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” và được các nhà trường triển khai hiệu quả.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh; đặc biệt là những biến động trong đời sống kinh tế - xã hội và sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới cuộc sống, học tập của học sinh hiện nay, thì hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý học trò là vô cùng cần thiết.

Trong quy trình tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc quan trọng đầu tiên là phải nhận diện được vấn đề học sinh đang gặp phải và nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của các em. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch hỗ trợ và tổ chức thực hiện. Đây không chỉ là công việc của cán bộ tư vấn tâm lý học đường mà từng nhà giáo - những người đang làm nhiệm vụ giáo dục chứ không đơn thuần là dạy học truyền thụ kiến thức, phải cùng tham gia. Do đó, từng cán bộ, giáo viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này và tích cực triển khai hiệu quả. Để làm được điều đó, mỗi giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia tập huấn lần này cũng phải nhận thức rõ vấn đề và lan toả tới các giáo viên phổ thông cốt cán/đại trà sẽ được giảng viên bồi dưỡng trong thời gian tới đây.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc tập huấn

Nói rõ về “tính mới” của modul “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - chủ biên tài liệu tập huấn cho biết, hoạt động này không chỉ hỗ trợ học sinh học tập tốt mà còn giúp phát triển nhân cách, phẩm chất cho học trò. Đây là mục tiêu quan trọng nhất mà CT GDPT 2018 hướng tới, thay vì chú trọng truyền thụ kiến thức như CT GDPT trước.

Ở CT GDPT mới, có nhiều môn học/hoạt động giáo dục để giáo viên  lồng ghép việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh. Do đó, trong 3 ngày tập huấn cho giảng viên sư phạm chủ chốt, báo cáo viên sẽ hướng dẫn kỹ lưỡng nội dung trọng tâm của hoạt động “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” khi thực hiện CT GDPT 2018; tham gia hoạt động học tập trên lớp học ảo. Đặc biệt, học viên sẽ được thảo luận cách xử lý các tình huống thực tế, nghe giải đáp thắc mắc từ chuyên gia giàu kinh nghiệm về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học trò.

Yêu cầu cần đạt cuối cùng của chương trình tập huấn là thông qua giảng viên sư phạm sẽ giúp mỗi giáo viên phổ thông nhận diện được đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, đặc điểm của học sinh theo từng đối tượng, những khó khăn của các em trong cuộc sống học đường. Thầy cô biết cách phân tích trường hợp thực tiễn, xây dựng, lựa chọn và thực hiện được hoạt động tư vấn tâm lý cho học trò; thiết lập được kênh thông tin, trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.

Dự kiến, việc tập huấn công tác “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” cho giáo viên phổ thông cốt cán, đại trà sẽ được các trường sư phạm phối hợp với Sở GDĐT các tỉnh tổ chức vào tháng 11/2021.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

 
Bạn đang đọc bài viết Tập huấn công tác “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19