Nhận thức về quá trình chuyển đổi sang hình thức đào tạo từ xa trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Từ dữ liệu của các khảo sát về Đào tạo từ xa năm 2020 do Ban lãnh đạo trường học Hoa Kỳ RAND thực hiện, nhóm nghiên cứu của David DeMatthews và cộng sự phân tích những nhận thức chủ yếu về sự sẵn sàng của các nhà trường cho việc triển khai đào tạo từ xa, trong đó đặc biệt chú ý đến những khía cạnh mà các loại hình trường học và các nhóm học sinh bị ảnh hưởng do việc đóng cửa trường học trong thời gian dài.

Hầu hết các gia đình, học khu, trường học và giáo viên không sẵn sàng cho việc chuyển đổi nhanh chóng từ hình thức đào tạo trực tiếp sang đào tạo từ xa. Sự bất bình đẳng rõ rệt trong việc tiếp cận công nghệ trên khắp nước Mỹ cũng như những gián đoạn xã hội khác liên quan đến đại dịch (ví dụ: thất nghiệp, tiếp cận chăm sóc sức khỏe không đầy đủ hoặc hạn chế) đã tạo ra những thách thức lớn đối với các trường đang tìm cách thức phù hợp để triển khai đào tạo từ xa.

Để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến học sinh và xác định các phương thức phù hợp để hỗ trợ các học khu, trường học và học sinh, nhóm nghiên cứu cho rằng điều quan trọng là phải tìm hiểu cách các trường học đã xử lý như thế nào với tình huống buộc phải đóng cửa và chuyển sang đào tạo từ xa. Dựa trên dữ liệu mẫu đại diện của các cuộc phỏng vấn với hơn 8000 hiệu trưởng trên toàn nước Mỹ (lấy từ các Khảo sát về Đào tạo từ xa năm 2020 do Ban lãnh đạo trường học Hoa Kỳ RAND thực hiện), nhóm nghiên cứu phân tích những nhận thức chủ yếu về sự sẵn sàng của các nhà trường cho việc triển khai đào tạo từ xa ở thời điểm đầu đại dịch, các phương pháp thực hiện và những thách thức đặt ra có liên quan đến việc đóng cửa trường học.

Nghiên cứu hướng tới trả lời hai câu hỏi chính: (1) Các hiệu trưởng tin rằng trường của họ đã chuẩn bị để chuyển sang đào tạo từ xa như thế nào sau khi các trường học đóng cửa? (2) Các hiệu trưởng tin rằng trường của họ đã thành công trong việc hỗ trợ nhu cầu của tất cả học sinh thông qua phương pháp đào tạo từ xa, đặc biệt là các nhóm học sinh gặp khó khăn như thế nào? Bằng cách trả lời những câu hỏi này, nhóm nghiên cứu kỳ vọng các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách tiếp tục có những hành động thích hợp để ứng phó với đại dịch để đảm bảo các học khu, trường học, học sinh và gia đình có thể tiếp cận với các nguồn lực cần thiết để thành công trong giảng dạy - học tập.

ASLP là một hội đồng đại diện quy mô toàn nước Mỹ, bao gồm khoảng 8.000 hiệu trưởng phổ thông công lập. Những người tham gia trả lời phỏng vấn được chọn thông qua các kỹ thuật xác suất thống kê. Họ đã đồng ý tham gia vào các cuộc khảo sát trực tuyến nhiều lần mỗi năm và nhận được một số ưu đãi sau khi hoàn thành khảo sát. Để đảm bảo tính đại diện chính xác, các dữ liệu khảo sát được xem xét trên cơ sở có cân nhắc các đặc điểm cơ bản của điều kiện thực tế nước Mỹ, có tính đến những yếu tố này trong quá trình lấy mẫu và giải thích sự khác biệt trong câu trả lời của các đáp viên. Mẫu khảo sát bao gồm các hiệu trưởng từ các khu vực địa lý khác nhau trong năm học 2017-2018, trong đó 24% đến từ các trường thuộc khu vực thành phố, 34% đến từ các trường thuộc khu vực ​​ngoại ô, 11% đến từ các trường nằm tại các thị trấn và 31% đến từ các trường thuộc khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, quy mô của các trường cũng có sự khác biệt, 48% đáp viên đến từ các trường quy mô lớn, 52% đáp viên đến từ các trường quy mô trung bình và 48% đáp viên đến từ các trường quy mô nhỏ. Hơn một nửa số hiệu trưởng tham gia khảo sát (52%) đến từ các trường dân tộc thiểu số.

Nhóm nghiên cứu chia các kết quả thu được thành bốn phần: (1) sự chuẩn bị của trường học trước đại dịch Covid-19; (2) quá trình triển khai thực hiện đào tạo từ xa; (3) kết quả học tập của học sinh; và (4) các ưu tiên chính để mở cửa lại trường học. Về sự chuẩn bị của các nhà trường, kết quả khảo sát cho thấy, rất ít trường học đã chuẩn bị cho tình huống đại dịch COVID-19 và việc đóng cửa trường học. Đa số các hiệu trưởng cho biết họ thiếu kế hoạch, sự chuẩn bị và nguồn lực để đối phó với một cuộc khủng hoảng dẫn đến việc đóng cửa trường học và chuyển sang đào tạo từ xa. Cụ thể, các hiệu trưởng được hỏi liệu trường của họ có thực hiện bất kỳ điều nào sau đây trước khi đại dịch bùng phát hay không: (1) cung cấp các khóa học hoàn toàn trực tuyến hoặc kết hợp; (2) đã sử dụng hệ thống quản lý học tập (LMS); (3) tập huấn cho các giáo viên về phương thức đào tạo từ xa; (4) cung cấp thiết bị học tập cho các học sinh (ít nhất là những người có nhu cầu); và (5) đã có kế hoạch đưa ra các hướng dẫn cần thiết trong tình huống phải đóng cửa trường học.

Hầu hết các hiệu trưởng cho biết rằng họ không có sự chuẩn bị trong những lĩnh vực trên. Chỉ 44% số trường học được khảo sát có triển khai các lớp học trực tuyến hoặc kết hợp (blended learning) cho học sinh trước đại dịch. 79% các hiệu trưởng trả lời phỏng vấn cho biết không có kế hoạch chuyển sang hình thức đào tạo từ xa trước đại dịch và hầu hết các trường học đã không có bất kỳ khóa đào tạo, tập huấn nào về phương thức đào tạo từ xa trước đại dịch. Gần một nửa số hiệu trưởng cho biết đã cung cấp thiết bị học tập trực tuyến cho tối thiểu là những học sinh có nhu cầu. Chưa đến một nửa số hiệu trưởng cho biết rằng họ đã có sự chuẩn bị về chuyên môn cho giáo viên về đào tạo trực tuyến. Những phát hiện này cho thấy rằng nhiều trường học đã gặp khó khăn đáng kể trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sau khi bắt đầu đóng cửa các lớp học trực tuyến, và rằng các hiệu trưởng và các giáo viên đã có một cuộc chiến khó khăn để đảm bảo có thể cung cấp hiệu quả dịch vụ giảng dạy từ xa.

Vân An lược dịch

Nguồn:

DeMatthews, D., Reyes, P., Solis Rodriguez, J., & Knight, D. (2021). Principal Perceptions of the Distance Learning Transition During the Pandemic. Educational Policy. https://doi.org/10.1177/08959048211049421.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Nhận thức về quá trình chuyển đổi sang hình thức đào tạo từ xa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19