Khi mới bắt đầu chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, hầu như cả giáo viên và học sinh đều có những bỡ ngỡ và băn khoăn ban đầu. Trong đó, một trong những trăn trở lớn nhất của người giáo viên là làm thế nào để có thể xây dựng một cộng đồng với sự gắn kết tương đối giữa các học sinh với nhau trong một lớp. Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, khi thậm chí các học sinh còn chẳng thể quen nhau?
Tuy nhiên, sau một năm thực hiện giảng dạy từ xa qua các nền tảng trực tuyến, tác giả bài viết này, cũng là một giáo viên, đã tin rằng điều này là khả thi. Giáo viên hoàn toàn có thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt và tạo nên một cộng đồng học sinh trong lớp học online. Dưới đây là một số kinh nghiệm được tác giả chia sẻ.
Để học sinh tham gia ra quyết định
Nhiều giáo viên dành những tiết học đầu năm để thiết lập những kỳ vọng cho năm học mới cùng với các học sinh của mình. Ban đầu, khi mới sử dụng các công cụ học online, tôi đã rất lo lắng về việc mình có thể mất kiểm soát lớp học. Tôi không cho phép học sinh của mình viết lên màn hình trình chiếu mà tôi chia sẻ cho các em, và cũng không cho phép chúng sử dụng công cụ chat. Sau này, khi xem xét những khó khăn của học sinh trong việc giao tiếp với nhau trên môi trường trực tuyến, tôi nhận ra những tính năng này hỗ trợ rất tốt trong việc kêu gọi học sinh tham gia vào bài giảng.
Sau khi thống nhất các nguyên tắc sử dụng, chúng tôi bắt đầu sử dụng những tính năng này, và môi trường học tập online bắt đầu trở thành không gian của chính các học sinh. Nhiều điều tuyệt vời đã diễn ra, đặc biệt là với tính năng chat. Học sinh sử dụng hộp chat để bình luận về các bài đọc hoặc phản hồi những ý kiến của nhau. Những học sinh đang học tiếng hoặc ngại nói trước cả lớp có thể nhắn tin riêng cho tôi để tương tác với bài giảng.
Nói tóm lại, bất cứ khi nào có thể, bạn hãy cùng học sinh đưa ra quyết định. Điều này giúp mọi người đều cảm thấy rằng mình là một phần của lớp học.
Nắm bắt cơ hội để tạo nên truyền thống
Theo yêu cầu của học sinh, tôi đã tổ chức những buổi nói chuyện đùa vào các ngày thứ ba và các bữa tiệc khiêu vũ vào thứ sáu. Khi mọi người nảy ra ý định về việc tổ chức sinh nhật cho nhau, tôi và các học sinh đã sử dụng công cụ cộng tác Padlet để hỏi học sinh xem các em muốn tổ chức sinh nhật của mình trên nền tảng trực tuyến như thế nào. Từ ý tưởng của các em, mỗi khi đến sinh nhật của một học sinh, tôi soạn các lời nhắn và những đoạn video quay em đó thành một video trình chiếu và gửi cho em đó. Vào buổi sáng sinh nhật của học sinh đó, chính các em sẽ nói lời chúc cho bạn của mình; và đến buổi chiều, em học sinh được tổ chức sinh nhật sẽ chọn bài hát để cả lớp cùng khiêu vũ và chúc mừng.
Tận dụng tối đa môi trường ở nhà
Một trong những điều mà môi trường học tập tại trường học không bao giờ có thể bằng được tại nhà là khả năng tiếp cận với tất cả những tài nguyên tại gia, những điều có thể khiến mỗi học sinh trở nên khác biệt và nổi bật. Chẳng hạn, vào cuối năm, lớp học của chúng tôi quyết định tổ chức một buổi trình diễn tài năng. Và tôi nhanh chóng nhận ra rằng buổi tiệc này đã biến thành một màn trình diễn nơi mỗi học sinh đều trở thành “giáo viên” trong phạm vi hiểu biết và lĩnh vực mà các em giỏi nhất. Với việc được tiếp cận với tất cả những đồ dùng, vật dụng và tài nguyên có sẵn tại nhà, các học sinh đã có một ngày dài để giải trí và dạy nhau những thứ mà các em biết: các học sinh quay video dạy nhau cách bơi, lướt ván, dạy vẽ, gấp giấy nghệ thuật origami, và cả nấu ăn.
Những chú chó nuôi trong nhà, thằn lằn, hay cả những em bé là em của các học sinh có thể xuất hiện bất ngờ trên màn hình lớp học. Và tại sao lại không để các thành viên trong gia đình trở thành diễn giả hay nhân chứng khách mời tại những buổi học nhỉ? Đối với những người đang phải làm việc tại nhà, đây là một cơ hội tốt để các thành viên gia đình gắn kết với nhau.
Chia nhóm lớp học
Một trong những thiếu sót lớn nhất của tôi trong năm học trước là không sử dụng tính năng chia nhóm lớp học từ sớm. Tôi đã bị choáng ngợp với tất cả các công nghệ và không muốn học những thứ mới nữa. Khi nhận thấy rằng có thể còn rất lâu nữa mới có thể quay trở lại những lớp học trực tiếp, tôi quyết định thử nghiệm tính năng chia nhóm lớp học. Tôi lo lắng không biết liệu các em học sinh có thể sử dụng được công nghệ hay không. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, trong việc kiến tạo các mối liên kết và quan hệ mới trong lớp học, việc chia lớp thành các nhóm nhỏ thực sự là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Đây là một số trường hợp mà tôi sử dụng tính năng chia nhóm lớp học hàng ngày:
- Ghép cặp: Các học sinh được ghép cặp với nhau sẽ chia sẻ quan điểm của mình với người bạn cùng cặp. Có thể đó là một câu hỏi đơn giản: “Cuốn sách cậu yêu thích là gì và tại sao cậu lại thích cuốn đó?” cho đến những câu hỏi đòi hỏi sự hợp tác giữa các học sinh: “Hãy tìm tên một món ăn mà cả hai bạn đều yêu thích.” Các học sinh được đề nghị chia sẻ câu trả lời của người bạn cùng làm việc với mình tại phòng học chính.
- Nghệ thuật cộng tác: Các nhóm nhóm sử dụng một bảng vẽ chung để cùng nhau tạo nên một bức tranh, nhằm trả lời một câu hỏi, hoặc minh hoạ một khái niệm (như tình yêu chẳng hạn).
- Các nhóm viết: Các học sinh trong cùng một nhóm có thể cùng viết về một chủ đề nào đó, chia sẻ câu chuyện của mình và đề nghị các bạn cho ý kiến nhận xét.
- Các nhóm đọc: Một học sinh chia sẻ màn hình trình chiếu của mình (đây cũng là một kĩ năng các em cần phải học: Kĩ năng thoả hiệp) và các học sinh khác cùng nhau đọc hoặc đọc cho nhau nội dung văn bản.
Những buổi “xả hơi” trên nền tảng số
Vài lần một tuần, tôi sẽ rời khỏi phòng học Zoom trong thời gian nghỉ 20 phút giữa tiết học đầu buổi sáng và tiết tiếp theo. Việc làm này của tôi sẽ giúp các em học sinh có thể chơi với nhau theo cách thức ngẫu nhiên, không mô phạm, tương tự (nhưng cũng có một số điểm khác biệt) với giờ ra chơi ở trường. Các em học sinh có thể mang đồ chơi của mình ra khoe, hoặc cùng nhau kể những câu chuyện, nói về một ngày ở nhà hoặc những ngày nghỉ cuối tuần của chúng, đùa vui và ăn đồ ăn vặt. Thời gian này sẽ giúp học sinh có thể xây dựng những mối quan hệ mới theo cách riêng của mình.
Vân An dịch
Nguồn:
Kailyn Fullerton (2021). Reaching Through the Screen to Develop a Community of Learners. Edutopia.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.