Kể từ năm 2020, ngày càng có nhiều nghiên cứu đề cập đến ảnh hưởng của việc giảng dạy, học tập trực tuyến tới giáo viên và các nhà giáo dục. Tuy nhiên, tiếng nói của sinh viên, yếu tố then chốt quyết định thiết kế bài giảng có đủ tốt hay không, và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động học tập trực tuyến, lại nhận được rất ít sự quan tâm.
Dự án nghiên cứu về Trải nghiệm Học tập Trực tuyến của Sinh viên (SOLE) do nhóm tác giả bài viết trình bày hướng đến làm rõ khía cạnh này và nói lên tiếng nói của sinh viên - những người đang nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng giáo dục do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 1000 bảng khảo sát được các sinh viên tại 8 trường đại học ở New Zealand trả lời. Thông qua sự kết hợp giữa các bảng hỏi trực tuyến, phỏng vấn sâu cá nhân và thảo luận nhóm tập trung, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về trải nghiệm học tập trực tuyến trong đại dịch Covid-19 năm 2020 của các sinh viên.
Thách thức và lợi ích
Sinh viên không phải là một nhóm xã hội đồng nhất và trải nghiệm học trực tuyến không giống nhau đối với tất cả mọi người.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, ngay cả trong thời kỳ được coi là bình thường, sinh viên phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như việc tiếp cận với công nghệ và các nguồn tài nguyên trực tuyến, khó khăn tài chính, trách nhiệm gia đình và môi trường học tập đầy thử thách. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những thách thức này.
“Nhiều thành viên trong gia đình tôi bị thất nghiệp, và họ mất nhà cửa. Có tổng cộng 11 người sống trong nhà của tôi. Tôi không thể học được. Cùng lúc đó tôi vẫn phải đi làm. Tôi phải tăng ca để giúp đỡ gia đình. Việc phải làm thêm nhiều giờ hơn mà vẫn phải cố gắng học với tôi là quá khó khăn. [...] Nhà tôi luôn rất ồn ào [...] mọi thứ thực sự quá khó khăn với tôi.”
Tuy nhiên, trong số những thách thức, vẫn le lói một số lợi ích mà sinh viên có thể cảm nhận được. Cụ thể, có hơn một nửa số sinh viên thừa nhận rằng việc không phải đi lại và được học tập một cách linh hoạt theo tốc độ lĩnh hội kiên thức và địa điểm của họ là một điều tích cực.
“Việc cắt giảm được thời gian đi lại đã cho tôi có thêm khoảng 3 tiếng nữa để học mỗi ngày. Sự linh hoạt đã cho phép tôi sắp xếp [việc học] hợp với cuộc sống hàng ngày của mình. Nó giúp giảm căng thẳng và lo âu. Tôi cảm giác mình có thể kiểm soát tốt hơn những gì mình làm. Tôi chắc chắn sẽ có thể làm việc tốt hơn và có cảm giác mình được tự quản lý việc học của chính mình.”
Các sinh viên cũng bày tỏ sự hài lòng với việc “có thể truy cập các tài liệu học ở bất kỳ thời điểm nào, và có thể tạm dừng và tiếp tục việc học” theo tốc độ mà các em mong muốn. Sinh viên cũng cho biết các em có thể “cân bằng chuyện con cái, nhà cửa và học tập một cách hiệu quả hơn.”
Sự hỗ trợ và liên lạc, giao tiếp
Mặc dù nhiều sinh viên cảm thấy thiếu động lực và kém tập trung hơn, nhưng các em đã quen với việc học trực tuyến. Các sinh viên phát hiện ra rằng các em có thể tận dụng các mặt tích cực của việc học tập từ xa, nếu có sự hỗ trợ phù hợp hoặc biết phải tìm sự trợ giúp ở đâu, chẳng hạn như những sự hỗ trợ tài chính, hỗ trợ mở rộng và hỗ trợ sinh viên khuyết tật.
Một số sinh viên nhận thấy việc học trực tuyến khiến họ mất nhiều thời gian hơn để làm quen và hoà nhập.
“Khi đăng tải một thứ gì đó lên mạng, tôi muốn làm cho nó thật hoàn hảo. Tôi sẽ kiểm tra kĩ ngữ pháp, cách đánh dấu câu, và xem mọi thứ đã ổn chưa. Đây giống như [một] bài tập mini [...]. Và sau đó một bài viết siêu ngắn cũng có thể tốn của tôi rất nhiều thời gian để viết; trong khi nếu ở trên lớp, chỉ cần đứng dậy nói miệng mà thôi.”
Tuy nhiên, đa số sinh viên cũng cho rằng việc cập nhật tình hình thường xuyên và duy trì sự liên hệ, giao tiếp rõ ràng giúp các em học trực tuyến tốt hơn, giảm bớt cảm giác cô đơn, xa cách.
Thật tốt khi được nghe các sinh viên, giảng viên trò chuyện về cuộc sống hàng ngày của họ trước khi tiết học bắt đầu. Điều này mang lại cảm giác được “tương tác” thay vì khi đi nghe giảng trực tiếp, tôi thường cảm thấy có một chút xa cách với các giảng viên của mình.”
Thi “mở sách” hay thi “không được dùng tài liệu”?
Nghiên cứu của nhóm cũng chỉ ra sự cần thiết của việc tái định nghĩa việc kiểm tra, đánh giá ở trường đại học. Trong bối cảnh có nhiều việc gia đình, việc cơ quan và những vấn đề phát sinh liên quan đến việc giãn cách, nhiều sinh viên cảm thấy rất khó để có thể ngồi một chỗ làm bài kiểm tra ở một thời điểm cố định.
Các sinh viên thích các bài kiểm tra “trong một khoảng thời gian” (tức là sinh viên phải hoàn thành một bài thi “mở sách” hoặc một dạng bài thi khác trong một khoảng thời gian định trước nào đó), thay vì tất cả sinh viên cùng đồng thời phải truy cập và làm bài ở một thời điểm cố định duy nhất.
Một đáp viên phỏng vấn đặt câu hỏi về việc liệu các trường đại học có đang “thực sự đánh giá sinh viên một cách hiệu quả và đem lại lợi ích cho việc học tập của các em hay không”/
Khi được hỏi về việc liệu các em có muốn tiếp tục xu thế này trong các môn học khác trong tương lai hay không, đại đa số học sinh đều thích các bài kiểm tra “mở sách” “có thể đánh giá việc áp dụng kiến thức hơn là những bài kiểm tra thuộc lòng “không sử dụng tài liệu” đầy căng thẳng”.
Cách tiếp cận như vậy cũng có thể giúp giảm thiểu các vấn đề về gian lận và tính liêm chính trong học tập trong môi trường trực tuyến.
Sinh viên muốn giáo viên và các nhà trường làm gì?
Về cơ bản, giáo viên và các nhà trường cần phải tìm hiểu và tham khảo ý kiến các sinh viên của mình, thấu hiểu nhu cầu và hoàn cảnh của các em. Cần cung cấp các sự lựa chọn và thoả hiệp các phương án học tập, bao gồm các việc như:
- Thiết kế các trải nghiệm học tập linh hoạt và hòa nhập hơn (ví dụ: cho phép sinh viên chọn một thời điểm (trong một số các phương án) thích hợp để hoàn thành bài thi)
- Phát triển kỹ năng và năng lực của sinh viên trực tuyến, cung cấp video hướng dẫn, dành thời gian để thử nghiệm và vui chơi, đưa ra phản hồi và khuyến khích trong suốt quá trình
- Tạo ra các cơ hội để sinh viên đưa ra và nhận phản hồi của bản thân, đồng nghiệp và giáo viên
- Thúc đẩy học tập xã hội và sự hiện diện xã hội trực tuyến bằng cách phát triển các mối quan hệ và tạo cơ hội tương tác nhóm
- Cung cấp cơ hội tham gia lớp học hoặc hội thảo trực tuyến (hậu đại dịch), tối đa hóa lợi ích của phương pháp học tập kết hợp
- Thông báo cho sinh viên về đầy đủ các hỗ trợ sẵn có và thông báo rõ ràng các ưu tiên cho việc học.
Vân An dịch
Nguồn:
Gedera, D., Datt, A., Brown, C., Forbes, D., & Hartnett, M. (2021). Beyond Zoom, Teams and video lectures - what do university students really want from online learning? The Conversation.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.