Mã định danh nhà nghiên cứu: tầm quan trọng, ý nghĩa và một số hệ thống

Để tăng nhận diện kết quả nghiên cứu và tránh nhầm lẫn tên các nhà khoa học giống nhau, mỗi nhà nghiên cứu cần có những mã định danh duy nhất. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hữu Cương về tầm quan trọng và ý nghĩa của một số mã định danh nhà nghiên cứu.

 Trong các chiến lược để tăng nhận diện bài báo (xem bài tại https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/87067/221/tang-kha-nang-nhan-dien-bai-bao-visibility-mot-so-chien-luoc-can-luu-y/) thì việc gắn kết nghiên cứu với danh tính nhà nghiên cứu (researcher identity) đóng vai trò quan trọng. Mã định danh nhà nghiên cứu (researcher identifier/ID) là một phần không thể thiếu trong con đường sự nghiệp của mỗi nhà nghiên cứu.

      Khi xuất bản học thuật tăng lên, số lượng nhà nghiên cứu có cùng họ và tên cũng tăng lên. Điều này cản trở việc khám phá nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu học thuật và có thể dẫn đến việc các ấn phẩm bị gán không chính xác cho những người đóng góp trùng tên. Để giải quyết vấn đề không rõ tên này, một số tổ chức và nhà xuất bản đã phát triển một hệ thống nhận diện nhà nghiên cứu (La Trobe University, 2021). Như vậy, mã định danh nhà nghiên cứu (hay còn gọi là mã nhận diện tác giả) là một số hiệu nhận diện duy nhất kết nối các nhà nghiên cứu với các công trình của họ để giúp phân biệt giữa các tác giả có tên giống nhau. Các nhà nghiên cứu được khuyến khích tạo mã định danh để kết nối tất cả các kết quả nghiên cứu của họ trong các cơ sở dữ liệu (Curtin University, n.d.).

      Khi bạn có một mã định danh thì các thông tin đi kèm có thể bao gồm:

- Tên của bạn xuất hiện trên các ấn phẩm

- Hồ sơ của bạn liệt kê các ấn phẩm của bạn và các hoạt động nghiên cứu khác

- Cơ quan công tác của bạn và các tổ chức liên kết

- Các hoạt động cộng tác của bạn

- Trích dẫn nghiên cứu và công trình của bạn

- Hoạt động biên tập và phản biện của bạn

- Sự công nhận của của các phương tiện truyền thông về nghiên cứu và ấn phẩm của bạn, bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội (University of Tasmania, 2021).

      Mã định danh của nhà nghiên cứu mang lại lợi ích cho bản thân nhà nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu và trường đại học, và các cơ quan tài trợ. Cụ thể:

- Loại bỏ ghi sai ấn phẩm hoặc ghi sai tác giả

- Ghi nhận công lao của các nhà nghiên cứu vì những đóng góp học thuật của họ

- Tăng khả năng nhận diện các ấn phẩm

- Cung cấp các số liệu trích dẫn chính xác hơn, vì tất cả các ấn phẩm của bạn đều được liên kết với mã định danh của bạn

- Cung cấp cho các nhà nghiên cứu các công cụ để phân tích tác động nghiên cứu của họ

- Nâng cao hiệu quả quản lý nghiên cứu khoa học, giúp: (1) cơ quan tài trợ biết được các công trình trước đây của nhà nghiên cứu và theo dõi sản phẩm công bố của nhà nghiên cứu sau khi tài trợ được cấp; (2) các tổ chức nghiên cứu và trường đại học để theo dõi sự đóng góp của các nhà nghiên cứu; (3) các nhà xuất bản duy trì hồ sơ tác giả và sắp xếp các bản thảo đã nộp (University of Toronto Libraries, n.d.; USC Library, 2020).

      Hiện tại, có nhiều hệ thống quản lý mã định danh nhà nghiên cứu. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một số công cụ phổ biến, bao gồm: ORCID, Scopus Author ID, ResearchcherID, Google Scholar ID và ResearchGate.

ORCID (https://orcid.org/)

      ORCID (Open Research and Contributor ID) là một tổ chức quốc tế, liên ngành, mở và phi lợi nhuận cung cấp một danh sách đăng ký các số nhận dạng duy nhất liên tục cho các nhà nghiên cứu và học giả. Khi bạn đăng ký ORCID, bạn sẽ được chỉ định một số nhận dạng kỹ thuật số liên tục (gồm 16 chữ số) giúp phân biệt bạn với các nhà nghiên cứu khác và thông qua tích hợp trong các công trình nghiên cứu như bản thảo và dự án nghiên cứu, hỗ trợ các liên kết tự động giữa bạn và các hoạt động chuyên môn của bạn để đảm bảo rằng các công trình của bạn được công nhận. Nhiều tạp chí yêu cầu tác giả cung cấp số ORCID của bạn khi gửi bản thảo.

Scopus Author ID (https://www.scopus.com/)

      Mã số tác giả trong cơ sở dữ liệu Sopcus (Scopus Author ID) là mã định danh nhà nghiên cứu độc quyền được tự động gán cho bất kỳ tác giả nào xuất bản trên tạp chí được lập chỉ mục bởi cơ sở dữ liệu Scopus. Scopus là cơ sở dữ liệu trích dẫn và lưu trữ các tóm tắt của các bài viết được bình duyệt lớn nhất thế giới, đồng thời có các công cụ thông minh cho phép bạn theo dõi, phân tích và đồ họa hóa các kết quả nghiên cứu học thuật. Hồ sơ tác giả Scopus có thể được sử dụng bởi các học giả hoặc cơ quan tài trợ để xem các lĩnh vực chủ đề, cơ quan công tác và đồng tác giả của bạn, phân tích kết quả nghiên cứu và xem chỉ số h (h-index), đồ thị h (h-graph) và tổng quan về trích dẫn của bạn. Scopus Author ID được liên kết với ORCID của bạn.

ResearcherID (http://www.researcherid.com/)

      ResearchcherID do Thomas Reuters xây dựng, là một mã định danh nhà nghiên cứu độc quyền cho phép bạn quản lý các công trình đã xuất bản trong cơ sở dữ liệu Web of Science, theo dõi số lần được trích dẫn và chỉ số h, xác định những người cộng tác tiềm năng và tránh xác định sai tác giả. Các ấn phẩm có thể được thêm vào hồ sơ ResearchcherID của bạn thông qua Web of Science hoặc nền tảng Publons. Thông tin trong ResearchcherID được liên kết với ORCID để các ấn phẩm có thể được nhập vào tài khoản ORCID của bạn.

Google Scholar Citations (https://scholar.google.com/citations)

      Google Scholar Citations là một dịch vụ do Google cung cấp cho phép các nhà nghiên cứu tạo hồ sơ nhà nghiên cứu trên nền tảng Google Scholar. Hồ sơ trích dẫn của Google Scholar cho phép các tác giả theo dõi và quản lý các công trình nghiên cứu và trích dẫn. Hồ sơ trích dẫn của Google Scholar có thể được sử dụng để tính toán các chỉ số nghiên cứu bao gồm chỉ số h, chỉ số i10 và tổng số trích dẫn cho các ấn phẩm của bạn. Nếu bạn chọn đặt hồ sơ của mình ở chế độ công khai, các nhà nghiên cứu, tổ chức và cơ quan tài trợ khác sẽ có thể xem các ấn phẩm, số liệu của bạn và đăng ký nhận các bản cập nhật khi các bài báo mới được Google Scholar lập chỉ mục. Google Scholar Citations cũng được liên kết với ORCID của bạn.

ResearchGate (https://www.researchgate.net/)

      ResearchGate là một mạng lưới chuyên môn dành cho các nhà khoa học và nhà nghiên cứu. Hiện tại có hơn 20 triệu thành viên từ khắp nơi trên thế giới sử dụng mạng lưới này để chia sẻ, khám phá và thảo luận về nghiên cứu. Sứ mệnh của ResearchGate là kết nối thế giới khoa học và mở rộng nghiên cứu cho tất cả mọi người. Bạn có thể tạo tài khoản miễn phí với ResearchGate để tải tải liệu của các nhà nghiên cứu khác, cũng như chia sẻ bài báo, dữ liệu nghiên cứu, dự án… của bạn. Ngoài ra, bạn có thể kết nối và hợp tác với các đồng nghiệp, chuyên gia trên toàn thế giới. Bạn cũng có thể biết được ai đã đọc và trích dẫn các công trình của bạn.

      Mã định danh nhà khoa học giúp nhận diện chính xác một nhà khoa học và các ấn phẩm cũng như những chỉ số trích dẫn liên quan. Nhận biết những mã số này để quản lý và khai thác chúng hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà khoa học cũng như đơn vị công tác của nhà nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo

Curtin University. (n.d.). ORCID and researcher identifiers. https://libguides.library.curtin.edu.au/c.php?g=891093&p=6433368

La Trobe University. (2021). Researcher profiles and networks. https://latrobe.libguides.com/researcherprofiles/researcher-ids

University of Tasmania. (2021). Research identity.

University of Toronto Libraries. (n.d.). Researcher identity management. https://onesearch.library.utoronto.ca/copyright/researcher-identity-management

USC Library. (2020). Researcher identifiers and your online research profile. https://libguides.usc.edu.au/researcheridentifiers

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)

 Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Mã định danh nhà nghiên cứu: tầm quan trọng, ý nghĩa và một số hệ thống tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19