Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục Trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu chỉ đạo: “Với giáo dục cần phải học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”. Hoàn toàn đồng tình và nhất trí với phát biểu chỉ đạo này, tác giả bài báo đã có những chia sẻ đầy tâm huyết cùng các giáo viên dạy môn Ngữ văn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học bộ môn - vừa giúp học sinh có kiến thức, vừa giúp các em hình thành và tôi luyện nhân cách, lẽ sống ở đời.
Lời phát biểu chỉ đạo này của Bộ trưởng tại Hội nghị đã tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, trước hết là đối với giáo giới - nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong các nhà trường.
Sứ mệnh đã được trao chính thức, vậy mỗi giáo viên dạy môn Ngữ văn cần nỗ lực như thế nào?
Về thực chất, học văn cũng như học bất cứ một môn học nào khác, luôn cần sự sáng tạo. Vậy mà lâu nay, trong các nhà sách, trên các giá sách tại thư viện mỗi nhà trường cũng như tại giá sách cá nhân của giáo viên vẫn tồn tại các cuốn sách tập hợp văn mẫu theo khối lớp. Hiện tại có bao nhiêu giáo viên văn dạy theo văn mẫu và bao nhiêu học sinh học theo văn mẫu? Chưa có được con số thống kê chính xác về tỉ lệ % nhưng có thể khẳng định, hiện tại nhiều, rất nhiều giáo viên và học sinh - nhất là học sinh đã sử dụng không đúng cách đối với sách văn mẫu, bài văn mẫu.
Thực ra, văn mẫu vốn không có tội; sách văn mẫu, bài hay đoạn văn mẫu không có lỗi. Nó xuất hiện nhiều nơi và vốn dĩ không phải để người ta dựa dẫm, chép theo. Nếu hiểu và sử dụng đúng với nghĩa “văn mẫu” chỉ để tham khảo thì văn mẫu vẫn có giá trị nhất định của nó.
Vậy, tại sao Bộ trưởng chỉ đạo không dạy theo văn mẫu, không học theo văn mẫu? Lí do: đã có quá nhiều giáo viên dựa vào đó mà lười tư duy, lười soạn bài và tổ chức các hoạt động trên lớp sao cho phát huy tốt nhất năng lực học tập, năng lực tiếp nhận và sáng tạo của học sinh; và cũng có quá nhiều học sinh dựa vào văn mẫu như một “cứu cánh” mà thủ tiêu sự sáng tạo vốn có của bản thân.
Dạy và học theo văn mẫu sẽ khiến con người ta lười biếng, không hiểu hết giá trị môn học, đồng thời “sức ỳ” của bộ não có cơ hội hình thành, tồn tại và phát triển. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến ngày nay nhiều học sinh không thích học văn.
Thực tế đã chứng minh, việc học tốt môn Ngữ văn (bao gồm Làm văn, Tiếng Việt và Đọc-hiểu văn bản) thì mỗi chúng ta sẽ có được một vốn từ phong phú, có dữ liệu để hình thành các văn bản nói và văn bản viết, sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, trong chuyên môn...; sử dụng trong trường học và ngoài xã hội; sử dụng trong các mối quan hệ ngoại giao từ Việt Nam sang các nước trên thế giới... Học văn tốt sẽ sử dụng lưu loát ngôn ngữ, rất có lợi trong các lĩnh vực xã hội, tự nhiên, với dân sự và quân sự... Xưa kia, các tác phẩm Quân trung từ mệnh tập hay Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có từng có sức mạnh như 10 vạn quân trong trận chiến với giặc ngoại bang. Cũng nhờ học văn giỏi mà có nhiều nhà ngoại giao đã lập kì tích cho nước nhà, có khi xoay chuyển tình huống từ bại thành thắng...
Chưa kể “học văn còn là học lẽ sống làm người” vì “văn học là nhân học”. Do đó, môn Văn có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong mỗi nhà trường, vừa giúp học sinh có kiến thức, vừa giúp các em hình thành và tôi luyện nhân cách, lẽ sống ở đời.
Bởi thế, lời phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng tại hội nghị cũng chính là việc trao sứ mệnh cải tổ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong các nhà trường! Muốn thực hiện được sứ mệnh đó, mỗi giáo viên, trước hết phải quan niệm đúng và sử dụng đứng sách văn mẫu, bài văn mẫu. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cần phải thực sự coi trọng đổi mới phương pháp dạy văn và phải có trách nhiệm cao, có nhiệt huyết, say mê để “truyền lửa” cho học trò, giúp học trò nhận thức đúng và học tốt môn Ngữ văn. Nhận thức đúng để hành động đúng - đúng từ việc dạy đến việc ra đề kiểm tra, chấm bài, chữa bài và trả bài cho học sinh. Chỉ có dạy đúng, tiến tới dạy hay, kết hợp với việc đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh theo phương châm “Học thật - Thi thật” thì mới hiệu quả.
Việt Trì, 15/8/2021
Đỗ Nguyên Thương, nguyên Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT