Chính sách xếp hạng, đánh giá tạp chí khoa học tại Indonesia

Bài báo giới thiệu về lịch sử, cách thức và kết quả một cách tóm lược về chính sách đánh giá, phân loại tạp chí khoa học của Indonesia. Một điều đáng chú ý là, Indonesia yêu cầu các tạp chí phải công bố thông tin trên các nền tảng điện tử và phải sử dụng chỉ số DOI.

Theo thống kê năm 2013, tại Indonesia có khoảng 5.900 tạp chí khoa học, được chia làm 3 nhóm: nhóm các tạp chí chưa được công nhận uy tín (5.579 tạp chí), nhóm các tạp chí đã được công nhận uy tín (342 tạp chí) và nhóm các tạp chí quốc tế (16 tạp chí). Đến tháng 6/2019, số tạp chí khoa học tại quốc gia này tăng lên trên 14.000.

Trong số đó, chỉ có một vài tạp chí được lập chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu quốc tế. Năm 2019, có 49 tạp chí Indonesia được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus, 63 tạp chí được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Web of Science (Master List). Tháng 7/2021, số tạp chí được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus tăng lên 69, trong cơ sở dữ liệu Web of Science (Master List) tăng lên 88. Số liệu trên cho thấy đã có sự gia tăng về chất lượng của các tạp chí khoa học tại Indonesia, và điều đó có được không chỉ nhờ công sức của các biên tập viên, nghiên cứu viên, mà còn nhờ các chính sách cấp quốc gia về công nhận tạp chí khoa học uy tín của nước này. Mặc dù chính phủ Indonesia có những hỗ trợ nhất định dành cho lĩnh vực xuất bản khoa học, song việc xem xét lại các chính sách liên quan đến việc công nhận tạp chí khoa học uy tín sẽ góp phần nâng cao chất lượng của toàn bộ hệ thống xuất bản học thuật ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện tại, Indonesia có chính sách cấp quốc gia về việc công nhận tạp chí khoa học uy tín, với nhiệm vụ đánh giá các tạp chí khoa học đang hoạt động trong nước dựa trên các tiêu chí: quy trình xử lý bản thảo, khả năng điều hành quản lý và xuất bản đúng thời hạn. Đề xuất công nhận một tạp chí uy tín sẽ được thông qua nếu đánh giá xác định rằng tạp chí khoa học đó đã vượt qua được đủ các điều kiện sau: 

1) Bài viết trên tạp chí có đóng góp đáng kể cho các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn dựa trên kết quả của quá trình nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật, hoặc các nghiên cứu có chứa những phát hiện, tư tưởng mới, không sao chép từ các công trình đã công bố trước đó; 

2) Tạp chí có Ban Biên tập đủ tiêu chuẩn và trình độ, đại diện cho các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; 

3) Tạp chí có sự tham gia phản biện của những học giả phản biện có trình độ, phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành của Tạp chí, công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu và phát triển và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có khả năng và sẵn sàng phản biện bản thảo một cách khách quan; 

4) Tạp chí sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Indonesia và/hoặc một ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc; 

5) Tạp chí có văn phong và thể thức định dạng phù hợp, nhất quán; 

6) Tạp chí được quản lý và công bố thông tin trên các nền tảng điện tử, sử dụng hệ thống mạng công nghệ thông tin và truyền thông; 

7) Tạp chí được xuất bản định kỳ; và 8) Tạp chí có mã số ISSN điện tử (e-ISSN) và DOI.

Trong khi đó, nhằm mục đích đánh giá mức độ uy tín, có tám yếu tố đánh giá được sử dụng, bao gồm: Tên của Tạp chí khoa học, mục tiêu và phạm vi chuyên môn của Tạp chí; đơn vị xuất bản/nhà xuất bản; công tác biên tập, trị sự, quản lý Tạp chí; chất lượng bài viết; văn phong; hình thức/định dạng của các bài viết dưới dạng tập tin PDF và tạp chí điện tử; tính định kỳ; và quá trình truyền thông, phổ biến Tạp chí.

Ngoài ra, lãnh đạo tạp chí cũng có thể đề xuất việc công nhận uy tín cho tạp chí mình tới Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Đại học Indonesia. Các đề xuất có thể được gửi lên thông qua hệ thống điện tử tại trang web: https://arjuna.ristekbrin.go.id/.

Kết quả đánh giá uy tín của các tạp chí khoa học được chia làm 6 nhóm, như sau: Hạng 1 (điểm đánh giá 85-100), hạng 2 (điểm đánh giá 70-85), hạng 3 (điểm đánh giá 60-70), hạng 4 (điểm đánh giá 50-60), hạng 5 (điểm đánh giá 40-50) và hạng 6 (điểm đánh giá 30-40). Thứ hạng đánh giá uy tín của các tạp chí khoa học được định kỳ kiểm tra và đánh giá lại (ít nhất 5 năm một lần).

Nhóm đánh giá uy tín tạp chí khoa học được thành lập và điều hành bởi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Đại học Indonesia. Các thành viên của nhóm đến từ các các cơ sở giáo dục, nghiên cứu có chức năng hỗ trợ, phát triển các giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư, và một số ngành nghề, lĩnh vực khác, tổng cộng là 7 người.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Prakoso Bhairawa Putera et al. (2021). Policies of scholarly journal accreditation in Indonesia. Sci Ed, 8(2), 166-171. https://doi.org/10.6087/kcse.250

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Chính sách xếp hạng, đánh giá tạp chí khoa học tại Indonesia tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn