Một số thành tựu quan trọng của giáo dục thường xuyên: Ghi nhận từ hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

Ngày 19/8/2021, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục thường xuyên. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

      Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận những kết quả đạt được trong quản lí nhà nước về công tác giáo dục thường xuyên, góp phần xây dựng xã hội học tập, văn hoá học tập và thực hiện các nhiệm vụ chính trị về lĩnh vực này trong năm học qua cũng như các giai đoạn trước.

      Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các địa phương, đặc biệt là các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các cơ sở đang triển khai nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đã làm nên chất lượng giáo dục thường xuyên của ngành trong năm học vừa qua. Đồng thời, Thứ trưởng cũng gợi ý và chỉ đạo một số định hướng chiến lược quan trọng cho công tác này, nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập, không phải học vì bằng cấp.   

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với Giáo dục thường xuyên

      Từ những báo cáo của Vụ Giáo dục thường xuyên, các báo cáo tham luận của địa phương, có thể ghi nhận những thành tựu cũng như một số thách thức về lĩnh vực giáo dục thường xuyên trong năm học qua, như sau:

     1. Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở Giáo dục thường xuyên nói riêng được củng cố và phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động.

    2. Nhận thức của cán bộ và người dân về lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong quá trình xây dựng xã hội học tập được tăng cường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

    3. Việc thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên các cấp đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

    4. Việc đa dạng hóa nội dung chương trình Giáo dục thường xuyên và tập trung phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn đã từng bước đáp ứng yêu cầu và nhu cầu không ngừng nâng cao kĩ năng và phát triển chuyên môn cho người lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương.

     5. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lí giáo dục thường xuyên, các tầng lớp nhân dân trong xã hội và thu hút được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ, mở ra những cơ hội và vận hội mới cho Giáo dục thường xuyên.

 Vụ Trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo đánh giá tổng kết nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng triển khai  nhiệm vụ năm học 2021-2022 đới với Giáo dục thường xuyên

      Bên cạnh những thành tựu, lĩnh vực Giáo dục thường xuyên cũng đang đứng trước nhiều thách thức, tồn tại. Những vấn đề này cũng đã được chỉ rõ tại Hội nghị:

      (1) Nhận thức về công tác xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức.

      (2) Công tác quản lí Nhà nước về giáo dục thường xuyên còn có vấn đề bất cập, công tác kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên, chưa có được những biện pháp phù hợp, tích cực để nâng cao chất lượng dạy học.

      (3) Hoạt động của nhiều Trung tâm Học tập cộng đồng có hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân và các yêu cầu phát triển bền vững của các cộng đồng, địa phương. Số lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, có nơi còn tổ chức mang tính hình thức.

      (4) Số người mù chữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều. Tỉ lệ huy động người theo học các lớp xoá mù chữ thấp so với số người còn mù chữ; số người tái mù chữ gia tăng đáng kể.

      (5) Việc bồi dưỡng kĩ năng sống cho người dân, nhất là công nhân, lao động nông thôn chưa được coi trọng đúng mức.

      (6) Chất lượng giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông vẫn còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn thiếu thốn, ít được đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị đảm bảo cho hoạt động dạy học.

      Năm học 2021-2022 đối với Giáo dục thường xuyên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất, triển khai thực hiện tốt. Đó là:

     1. Cần nâng cao nhận thức về ngành học giáo dục thường xuyên; từ đó có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn.

       2. Chú trọng hoàn thiện thể chế và chính sách cho hoạt động của giáo dục thường xuyên.

     3. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục với giáo dục thường xuyên. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này cũng cần được quan tâm.

       4. Quan tâm và đầu tư hơn nữa đến cơ sở vật chất của Giáo dục thường xuyên.

      5. Các vấn đề liên quan đến Chương trình Giáo dục thường xuyên, cụ thể: (1) Chuẩn bị tốt nhất cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đặc biệt, chuẩn bị thật tốt các điều kiện để dạy lớp 10 theo chương trình mới; (2) Chủ động xây dựng kịch bản để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông trong điều kiện dịch bệnh. Kết hợp hài hòa giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, tùy theo tình hình dịch bệnh; (3)  Điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ; vận động học sinh ra lớp và tổ chức lớp học, duy trì lớp, bảo đảm lớp học xóa mù chữ có chất lượng; (4) Tập trung hơn nữa vào các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, chương trình sử dụng tài nguyên giáo dục mở…

     6. Đối với các đề án, cần được tổ chức triển khai một cách chặt chẽ, bài bản, khoa học, có sản phẩm theo từng giai đoạn.

     7. Đối với việc tổ chức hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, cần đổi mới quản lí, chuyển từ quản lí bằng mệnh lệnh sang quản lí bằng cộng tác, cùng phối hợp để tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên.

Tạp chí Giáo dục