Tám xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã xuất hiện trên gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Hơn 3,5 tỷ người trên thế giới truy cập được vào mạng Internet. Ước tính có hơn 5 tỷ người sở hữu một loại thiết bị di động nào đó, trong đó, một nửa là điện thoại thông minh.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những xu hướng chuyển đổi số này cũng đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực giáo dục. Từ các giáo viên tiểu học cho đến những giảng viên đại học, chuyển đổi số đã ảnh hưởng đến các mô hình lớp học truyền thống và cách thức tiếp cận học sinh, sinh viên của các giáo viên, giảng viên. Sự chuyển đổi này đã được thúc đẩy nhanh chóng hơn nhờ đại dịch COVID-19, dịch bệnh đã buộc nhiều trường học ở rất nhiều quốc gia trên thế giới phải đóng cửa. Trong nỗ lực giúp học sinh tiếp tục học tập, nhiều trường và giáo viên đã chuyển sang sử dụng công nghệ để giúp thu hẹp khoảng cách địa lý giữa thầy và trò.

Tuy nhiên, việc giảng dạy và học tập trực tuyến chỉ là một trong số những khía cạnh mà công nghệ số và những tiến bộ của nó tác động đến học sinh, sinh viên và xu hướng của các lớp học trong tương lai. Dưới đây là 8 xu hướng chuyển đổi số đang càng trở nên phổ biến khi các trường học bắt đầu tận dụng sức mạnh của Internet trong môi trường học đường.

1. Cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh, sinh viên

Một trong những xu hướng chuyển đổi số đem lại cảm hứng nhất có thể nhận thấy trong lĩnh vực giáo dục là tăng cường khả năng tiếp cận của các học sinh, sinh viên ở mọi lứa tuổi đối với nền giáo dục, trường học, các bài giảng và thậm chí là các chương trình đào tạo chính thức (có cấp bằng). Những học sinh nếu như trước đây gặp một khiếm khuyết cơ thể hay khó khăn về kinh tế, những yếu tố có thể làm cản trở khả năng tiếp cận một số loại thông tin, sẽ nhận thấy rằng công nghệ đã đi một chặng đường dài trong việc góp phần xóa bỏ những rào cản này. Ví dụ, các phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói và các phần mềm phiên âm nội dung âm thanh có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận các bài giảng của trường học của tất cả các đối tượng học sinh. Những học sinh gặp khó khăn trong việc nghe, nhìn hoặc nói đều có thể nhờ vào các công nghệ này để học tập và nhận các văn bằng, chứng chỉ.

Khả năng tiếp cận trên góc độ địa lý cũng được cải thiện nhờ vào công nghệ. Các cơ hội học tập trực tuyến, cho phép học sinh, sinh viên ghi danh tại các trường học và các chương trình đào tạo không có sẵn tại khu vực mình sinh sống, góp phần đảm bảo rằng học sinh, sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất trong hoàn cảnh nhất định của họ. Học sinh, sinh viên không còn bị giới hạn bởi yếu tố địa lý trực tiếp. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hơn một phần ba số học sinh cho biết đã tham gia ít nhất một lớp học trực tuyến. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển khi mọi người thấy giá trị của việc cải thiện tính linh hoạt cho một số môn học, hoặc thậm chí các chương trình, trong bối cảnh giáo dục đại học.

2. Cách tiếp cận cá nhân hoá trải nghiệm học tập

Các phương pháp học tập được cá nhân hóa cũng là một thành phần quan trọng của cuộc cách mạng giáo dục kỹ thuật số. Nhiều trường học và chương trình đã bắt đầu nhận ra giá trị của việc đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp với từng học sinh dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của chính họ.

Các phương pháp học tập cá nhân hóa mang lại một số lợi ích cho học sinh, sinh viên và các cơ sở đào tạo. Khi học sinh được phép học theo cách phù hợp nhất với bản thân mình mình, các em sẽ có thể tiếp thu và lưu giữ nhiều thông tin hơn; hay nói cách khác, cá nhân hóa trao quyền cho các học sinh, sinh viên để các em tiến bộ trong bối cảnh giáo dục của chính mình. Người học có cơ hội đạt được các loại bằng cấp, chứng chỉ và đủ điều kiện nhận các cơ hội giáo dục và việc làm phù hợp với họ, những điều trước đây được cho là “ngoài tầm với” với một số người.

Khi các học sinh, sinh viên cảm thấy họ thực sự được trao quyền quyết định việc học tập của chính mình, họ cũng có thể chủ động theo dõi tiến độ học tập của bản thân. Các trường thực sự có thể đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên và hỗ trợ các em thực hiện tốt hơn các công việc liên quan đến học tập. Ở chiều ngược lại, thành tích của học sinh, sinh viên cũng giúp nâng cao danh tiếng của các trường và giúp các em có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho những giai đoạn học tập tiếp theo.

3. Thực tế ảo

Trong lĩnh vực giáo dục, thực tế ảo mang đến cho học sinh, sinh viên cơ hội ‘trải nghiệm’ trước các học liệu một cách vô cùng trực quan trước khi bước vào những bài giảng thực tế. Ví dụ, trong ngành quản trị khách sạn, sinh viên có thể tận mắt chứng kiến các môi trường làm việc tiềm năng khác nhau, được tái hiện dưới dạng không gian ba chiều, giúp các em cảm thấy như đang ở trong tình huống cần phục vụ khách hàng ngoài đời thực; nhờ đó sinh viên sẽ có được những kinh nghiệm thực tế mà không cần phải đến tận nơi thực tập.

Điều này có thể giúp học sinh cảm thấy thoải mái hơn trong các tiết học và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp của mình trong tương lai.

4. Cơ hội học tập trên nền tảng điện toán đám mây

Điện toán đám mây mang đến cho học sinh, sinh viên và giáo viên cơ hội kết nối và học tập, giảng dạy cùng nhau ở (gần như) mọi điều kiện địa lý. Sinh viên và giáo viên có thể ứng dụng công nghệ này khi đang ở trên giảng đường, ở nhà, hay thậm chí khi họ đang ở… ngoài đường. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tình thế cấp bách lại càng thúc đẩy tiềm năng của công nghệ này. Giáo viên sử dụng nhiều nền tảng khác nhau để lưu trữ các bài giảng và đăng tải các video dạy học để giúp học sinh, sinh viên theo kịp tiến độ học tập mà không cần phải gặp mặt trực tiếp.

Những nền tảng này cũng đem lại nhiều cơ hội khác cho người dạy và người học. Chúng cho phép giáo viên truyền trực tiếp các tiết học, nhờ đó các lớp học trực tuyến sẽ có sự tương tác thật giữa thầy và trò. Học sinh, sinh viên cũng có thể sử dụng các ứng dụng online này để nộp bài tập, theo dõi tiến trình học, kết nối và tương tác với các bạn khác trong lớp. Những nền tảng này cũng cho phép giáo viên chia các lớp học thành nhiều nhóm nhỏ để học sinh, sinh viên làm việc nhóm với nhau, hoàn thành các dự án và bài tập mà giảng viên giao.

Các ứng dụng dựa trên nền tảng đám mây được thiết kế riêng cho giảng dạy và học tập thậm chí còn cho phép học sinh, sinh viên làm bài thi trực tuyến.

Nhờ các loại phần mềm này, học sinh, sinh viên với các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau có thể tiếp cận các khoá học và những cơ hội học tập đa dạng hơn. Những học sinh, sinh viên theo học các chương trình đào tạo có tính linh hoạt cao, học sinh, sinh viên không sinh sống gần các trường đại học có ngành mà các em muốn học, hoặc những học sinh, sinh viên không thể trực tiếp đến lớp vì một lý do nào đó đều có thể nhờ cậy vào các công cụ học tập dựa trên nền tảng đám mây này.

5. Tích hợp công nghệ “Internet vạn vật” vào môi trường học đường

Trong thời đại của các thiết bị ‘thông minh’, công nghệ “Internet vạn vật” (Internet of Things,  IoT) ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống của con người. Không còn chỉ đơn giản là những chiếc điện thoại được coi là ‘thông minh’, mà mọi người có thể tận dụng những cải tiến công nghệ giúp biến hầu hết mọi vật dụng, từ phích cắm, ổ cắm điện cho đến hệ thống điều hoà nhiệt độ phòng, trở nên ‘thông minh’. Trong giáo dục, xu hướng này đã bắt đầu giúp kết nối các cơ sở giáo dục và học sinh, sinh viên theo cách hoàn toàn mới.

Trên một khía cạnh nào đó, Internet vạn vật có thể mang lại lợi ích cho các cơ sở giáo dục, với việc hỗ trợ các trường học cải thiện hệ thống an ninh và các tiện nghi học đường với chi phí thấp. Các thiết bị thông minh cho phép những người làm công tác quản lý nhà trường nắm được mô hình giao thông của mọi người trong khuôn viên nhà trường, giúp họ chọn được địa điểm lắp đặt hệ thống chiếu sáng và an ninh phát huy hiệu quả cao nhất.. Các thiết bị thông minh cũng có thể tự động chọn thời điểm kích hoạt hoặc tắt hệ thống điều hoà nhiệt độ phù hợp với điều kiện thời tiết, cùng nhiều tiện ích khác để mang lại cho học sinh trải nghiệm học tập thoải mái.

Internet vạn vật cũng giúp nhà trường duy trì sự kết nối với học sinh. Hệ thống theo dõi thời gian và lịch biểu học tập có thể giúp học sinh, sinh viên có thể theo dõi tốt hơn tiến độ học tập của bản thân và xác nhận việc nộp bài của các em. Việc kiểm soát tự động sự có mặt của học sinh, sinh viên cũng giúp các giảng viên nhanh chóng điểm danh và nắm được khi có học sinh, sinh viên vắng mặt. Trong trường hợp học sinh là trẻ nhỏ đang học tập online tại nhà, thông tin này sau đó có thể được sử dụng để thông báo cho cha mẹ biết trong trường con họ vắng mặt khỏi lớp học, cải thiện sự giao tiếp giữa gia đình và nhà trường và đảm bảo sự an toàn của học sinh.

6. Tăng cường bảo mật trên nhiều thiết bị kĩ thuật số

Trong bối cảnh công nghệ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của giảng viên và học sinh, bảo mật cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc cách mạng giáo dục số. Các trường học có khả năng thu thập một “mỏ vàng” các thông tin cá nhân của học sinh, từ những dữ liệu nhân khẩu học đến điểm số, và họ cần đảm bảo những thông tin này được bảo mật và an toàn.

Các giao thức an ninh cho phép trường học thu thập, lưu trữ và truyền tải các thông tin nhạy cảm của học sinh, sinh viên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số này. Các nhà trường cần đảm bảo họ trang bị các biện pháp bảo mật cho các thao tác nộp bài tập và xác thực danh tính học sinh, sinh viên qua mạng. Điều này càng trở nên quan trọng trong các trường hợp học sinh, sinh viên làm bài thi trực tuyến hoặc các hình thức đánh giá online khác. Các lỗ hổng bảo mật có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả cá nhân và tổ chức; đo đó an ninh đã trở thành một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu khi triển khai công nghệ trong dạy học.

7. Giảng dạy cho học sinh, sinh viên về “công dân số”

Với việc những xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số này đã tác động đến các học sinh, sinh viên theo nhiều cách khác nhau, trên mọi khíaa cạnh của cuộc sống, nên học sinh, sinh viên cần học cách tương tác trực tuyến với nhau một cách lịch sự và văn minh. Điều này cũng tương tự như việc học sinh, sinh viên phải học cách làm việc chuyên nghiệp trong môi trường văn phòng hoặc bệnh viện. Các trường học đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc này, và việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên các nguyên tắc của quyền công dân số tốt đã trở thành một xu hướng ngày càng quan trọng trong ngành giáo dục.

Trong quá trình đào tạo học sinh, sinh viên trở thành một công dân số có trách nhiệm, các trường học trao quyền cho học sinh, sinh viên để các em tận dụng hết khả năng của công nghệ. Để đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình đào tạo về quyền công dân số, các trường nên hướng tới việc biến vấn đề này trở thành một phần văn hóa học đường cho cả học sinh, sinh viên và giáo viên. Những nguyên tắc này hướng dẫn mọi người cư xử một cách hợp tác hơn khi làm việc trực tuyến, từ đó giúp học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành công trong cả việc học tập vẫn trong môi trường chuyên nghiệp sau này.

Học sinh, sinh viên được đào tạo về quyền công dân số sẽ có mức độ sẵn sàng cao hơn với các môi trường làm việc chuyên nghiệp ứng dụng các công cụ kết nối số. Kỹ năng sử dụng Internet và khả năng thu hút mọi người xung quanh thông qua các kênh truyền thông kỹ thuật số sẽ giúp các em hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực mà mình lựa chọn; hay nói cách khác, giáo dục học sinh, sinh viên về quyền công dân số là một trong những xu hướng giáo dục mới nổi quan trọng nhất.

8. Dữ liệu lớn

Các trường học từ lâu đã thu thập một lượng lớn thông tin về học sinh, sinh viên của mình, bao gồm các dữ liệu về nhân khẩu học, điểm số và lớp học, chương trình học. Công nghệ dữ liệu lớn mang đến cho các cơ sở giáo dục tiềm năng để đưa những thông tin này lên một tầm cao mới về giá trị, cho phép họ hiểu rõ hơn về các xu hướng và thành tích của các học sinh, sinh viên. Dữ liệu lớn là khái niệm dùng để chỉ khả năng công nghệ ngày càng gia tăng trong việc theo dõi, xử lý một lượng lớn dữ liệu, đưa ra các kiến giải có nghĩa nhờ vào các thuật toán để tìm ra quy luật và những thông tin hữu ích từ các dữ liệu đó.

Xử lý dữ liệu lớn là việc hội tụ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau vào cùng một mối. Các trường học trước đó có thể đã thu thập được rất nhiều thông tin phong phú và hữu ích về các học sinh, sinh viên, nhưng chúng nằm rải rác, phân tán và chỉ có thể truy cập được bởi một nhóm nhỏ nhân viên nhà trường, thường là người hoặc bộ phận đã trực tiếp thu thập những dữ liệu đó. Điều này khiến cho việc biểu diễn các thông tin theo đúng ngữ cảnh và hiểu rõ được các khía cạnh khác nhau của thông tin trở nên khó khăn hơn. Các trường nếu giải quyết được vấn đề này sẽ có thể xây dựng được bức tranh toàn cảnh về các học sinh, sinh viên của họ hơn.

Sử dụng các dữ liệu đã được tổng hợp và xử lý thông qua các công nghệ xử lý dữ liệu lớn có thể giúp các trường có được những thông tin hữu ích, chẳng hạn như:

- Học sinh, sinh viên gặp thuận lợi và khó khăn ở những khâu nào trong chương trình đào tạo.

- Các đặc điểm có tính chất xu hướng của các sinh viên, trong đó bao gồm thành tích học tập và cơ hội việc làm sau này.

- Khả năng phản ứng của sinh viên trước các hình thức học tập khác nhau.

Các thông tin thu thập được sẽ giúp các trường học thấu hiểu và phục vụ học sinh, sinh viên của mình tốt hơn. Chẳng hạn, các trường có thể thay đổi các hình thức giảng dạy, học tập cá nhân hoá, cấu trúc lớp học, các nguồn lực hỗ trợ dành cho học sinh, sinh viên.

mSchool - Giải pháp đào tạo trực tuyến dành cho các trường học của Mobiphone với ưu điểm tương tác đa chiều, quản trị dễ dàng.

Vân An dịch

Nguồn:

EHL Insights (2021). Top 8 digital transformation trends in education.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tám xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19