Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên: Trách nhiệm toàn xã hội

Ngày 12/8, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm trực tuyến góp ý dự thảo Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Dự thảo do Bộ GDĐT chủ trì phối hợp với Trung ương Đoàn và các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đại diện Ban soạn thảo, đây là dự thảo lần thứ 3 của Đề án sau khi tiếp thu ý kiến tại các cuộc họp lần trước.

Đề án được xây dựng đảm bảo tính kế thừa Đề án giai đoạn 2015-2020; tính thời sự, cập nhật những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của ngành giáo dục trong bối cảnh mới, những diễn biến mới của tình hình thanh thiếu niên, nhi đồng, từ đó đưa ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm theo hình thức trực tuyến

Đề án hướng tới xây dựng lớp thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng xã hội; ý thức học tập rèn luyện, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, góp phần phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT, lãnh đạo các Sở GDĐT, các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường học khẳng định tầm quan trọng của Đề án, đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện dự thảo.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhận định, dự thảo công phu và cơ bản đồng ý với các nội dung. GS nhấn mạnh thêm tính đồng bộ giữa nhà trường và xã hội trong hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng. Để khơi dậy khát vọng cống hiến, cần chú trọng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực, cũng như tạo môi trường, các điều kiện về việc làm, khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giải pháp, nhiệm vụ cần gắn chặt chẽ với mục tiêu, nên rà soát lại trên tinh thần mục tiêu cụ thể, khả thi, đo đếm được; đo được sự thay đổi của học sinh, chất lượng giáo dục chứ không chỉ là điểm số. Đặc biệt lưu ý, mục tiêu của giáo dục hiện đại là làm cho con người tự giác, tự chủ.

Chuyên gia Phùng Khắc Bình lại cho rằng, thay vì chi tiết hoá, đề án cần có định hướng hệ giá trị. Chuyên gia nhấn mạnh sự phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội và địa phương, trong đó, vai trò địa phương cần đậm nét hơn vì chỉ đạo cụ thể và triển khai chính là địa phương - vai trò này đặc biệt quan trọng và quyết định hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoá bày tỏ mong muốn sớm có biên chế giáo viên làm công tác tư vấn hỗ trợ tâm lý trong nhà trường. Hiện nay, công tác này được làm tốt ở trường tư thục nhưng ở trường công còn nhiều hạn chế về chuyên môn và tâm huyết bởi vì nhân sự kiêm nhiệm. “Khát vọng cống hiến cần được nhen dần, nhen dần”, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà nói và đề cập thêm tới nguyện vọng được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh.

Tọa đàm cũng ghi nhận đề xuất từ Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Bộ Khoa học Công nghệ về việc cần có nghiên cứu, khảo sát biến động tâm lý, đạo đức của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng hiện nay và thời gian tới. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách về hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cùng cơ chế, chính sách cho đội ngũ làm công tác giáo dục đạo đức, lối sống.

Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định đây là Đề án khó, là trách nhiệm không chỉ của Bộ GDĐT mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan bộ ngành trong và ngoài lĩnh vực giáo dục, trong nhà trường và ngoài nhà trường.

Ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập đề án tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, cụ thể hóa các hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp soạn thảo đề án, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, hiệu quả.

Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và của xã hội về công tác này.

Ở giai đoạn tiếp theo 2021-2030, dự thảo đề án nhấn mạnh, nền tảng đảm bảo giá trị bền vững của giáo dục đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên và nhi đồng là các giá trị sống: Yêu nước; Nhân ái, Trách nhiệm, Trung thực, Kỷ luật, Tôn trọng, Tự tin, Sáng tạo, Hợp tác, Hoà bình.

Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và khi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trong giai đoạn giáo dục và toàn xã hội đang thực hiện chuyển đổi  số, dự thảo đưa ra 10 giải pháp nhằm thực hiện 7 mục tiêu, trong mỗi mục tiêu có những chỉ số cụ thể. 7 mục tiêu bao gồm:

Mục tiêu 1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Mục tiêu 2. Tổ chức các hoạt động khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Mục tiêu 3. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động.

Mục tiêu 4: Ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng công nghệ số trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Mục tiêu 5: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Mục tiêu 6: Giáo dục ý thức pháp luật cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Mục tiêu 7: Cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên: Trách nhiệm toàn xã hội tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19