Giáo dục Trung học năm học 2021-2022: Linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ

Trong 2 ngày (12, 13/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GDĐT, 63 điểm cầu Sở GDĐT, hơn 700 điểm cầu Phòng GDĐT và khoảng 2.000 điểm cầu trường THPT. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Giữ ổn định chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường. Các nhà trường đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện dạy học thực tế của cơ sở; điều chỉnh, tăng thời gian thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại Hội nghị

Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19; nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021.

Giáo dục mũi nhọn cũng đạt được kết quả tích cực, thể hiện qua kết quả học sinh tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 01 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba - giải chính thức của Hội thi và 02 dự án đoạt 03 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về Hướng dẫn thực hiện chương trình mới; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Từ các sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, 63 tỉnh thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25. Kết quả, tại mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 01 đến 05 bộ sách trong đó tỉ lệ chọn 01 bộ/môn học khoảng 50%; 02 bộ/môn học khoảng 30%. 

Sẵn sàng triển khai chương trình lớp 6 trong điều kiện dịch bệnh

Là một trong những địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19, ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh cho hay: Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Bắc Ninh đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ năm học đặt ra, thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bắc Ninh vẫn chưa có số liệu đánh giá kết quả học tập của năm học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi tại Hội nghị

Hiện tỉnh đang xây dựng để có kế hoạch linh hoạt cho năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường. Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình lớp 6.

Khẳng định Quảng Ninh đã sẵn sàng cho năm học mới trên cả diện rộng và diện đặc biệt là thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã rà soát, tập huấn, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng nếu dịch bệnh xảy ra vẫn có thể triển khai được chương trình.

Khó khăn đặt ra, theo ông Tuế là thời gian bồi dưỡng trực tiếp giáo viên dạy chương trình mới còn hạn chế, chủ yếu bồi dưỡng trực tuyến; đội ngũ giáo viên cốt cán có biến động về khách quan, chủ quan; giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng tới đây dạy liên môn nên khó khăn.

Tại TPHCM, để chuẩn bị cho triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 6, từ năm học trước Sở GDĐT TP đã  đã làm việc với Đại học Sài Gòn để bồi dưỡng các môn học tích hợp trong chương trình lớp 6. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT TPHCM, việc chủ động bồi dưỡng của thành phố tạo thuận lợi cho triển khai trong năm học mới.

Tiền Giang là địa phương hiện đang nằm trong vùng tâm dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao mỗi ngày, chuẩn bị cho năm học mới, đại diện Sở GDĐT tỉnh này cho biết, từ khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GDĐT, Sở GDĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch năm học của địa phương.

Trong đó, đưa ra nhiều phương án dự trù, nhưng có thể tập trung sớm nhất vào giữa tháng 9, so với kế hoạch năm ngoái trễ khoảng 2 tuần. Lo lắng của địa phương hiện nay là do ảnh hưởng của dịch nên một số công việc như sửa chữa trường lớp, cải tạo cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên… bị ảnh hưởng.

Trao đổi với các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6 nên các địa phương cần quán triệt sâu sắc đến các nhà trường về sự khác biệt của chương trình mới với chương trình năm 2006. Do chương trình xây dựng theo hướng mở nên các trường học phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Sở GDĐT, Phòng GDĐT khi kiểm tra phải lưu ý kiểm tra kế hoạch từng môn học, từng tổ chuyên môn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng cho rằng, cần phải coi thời gian học trực tiếp là thời gian vàng để tận dụng hướng dẫn học sinh về phương pháp tự học, chuyển từ tư duy học sang tự học và tự học có hướng dẫn.

Linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo chất lượng đối với các yêu cầu cốt lõi

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những cố gắng, kết quả mà giáo dục trung học đạt được trong năm học vừa qua. Dù là năm học nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ bản đã đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra, trong đó, có một số kết quả đáng khích lệ, như thành tích học sinh dự thi Olympic quốc tế, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng nhận định, ngành Giáo dục đang đứng trước 2 thách thức lớn, đó là thách thức trước yêu cầu phát triển, đổi mới và thách thức trong bối cảnh dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi hệ thống để thích ứng với tình hình dịch bệnh tăng sức chống chịu, hạn chế tổn thương trước dịch sẽ là tất yếu và không thể lảng tránh.

 “Chúng ta cần xác định rõ ràng khó khăn thử thách để có nhận thức, tư tưởng, tầm nhìn và kế hoạch phù hợp. Đồng thời, vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ trước Nhà nước và nhân dân”, Bộ trưởng nêu rõ và cho biết, Bộ GDĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó và thích nghi với tình hình dịch bệnh; trong đó có ban hành chính sách, hướng dẫn, quy định để chuẩn bị và triển khai năm học mới.

Từ khung kế hoạch của Bộ, các tỉnh/thành phố cần ban hành kế hoạch năm học mới phù hợp với tình hình đặc thù tại của địa phương. “Tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý, cho tới mỗi giáo viên. Cần linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, đảm bảo chất lượng đối với các yêu cầu cốt lõi. Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để thực hiện được yêu cầu về chất lượng giáo dục trong điều kiện dịch bênh, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ ban hành các yêu cầu nội dung cốt lõi. Chương trình lõi cần được tận dụng giảng dạy trong thời gian vàng - học tập trực tiếp. Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp vẫn chủ động đảm bảo đạt được các yêu cầu nội dung cốt lõi này.

Lưu ý với giáo dục Trung học trong năm học mới, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Theo đó, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất. Quá trình dạy học cũng cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm; chú ý đến việc tự học; chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách, củng cố dạy tiếng Việt và phát triển toàn diện cho học sinh.

Riêng với môn Ngữ văn, Bộ trưởng lưu ý, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Xác định đội ngũ quyết định chất lượng giáo dục chính là các nhà giáo, Bộ trưởng đề nghị các Sở GDĐT quan tâm chăm lo cho giáo viên, chú ý bảo đảm đủ số lượng giáo viên cho các môn học, bậc học. Đồng thời, triển khai giải pháp  hỗ trợ cho học sinh trong thời gian học tập trực tuyến các em khắc phục được khó khăn về vật chất, tâm lý.

Bộ trưởng cũng đề cập tới một số nhiệm vụ cụ thể của giáo dục trung học trong năm học mới như chú trọng tiếng nói chuyên môn của đội ngũ giáo viên trong lựa chọn sách giáo khoa mới; củng cố thư viện trường học để hỗ trợ học liệu, sách cho học sinh; tổ chức các khóa tập huấn để nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục Trung học năm học 2021-2022: Linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19