Học phí, sự hài lòng và dịch vụ giáo dục đại học: nghiên cứu từ Vương quốc Anh

Nghiên cứu của nhóm tác giả Rebecca Maxwell-Stuart và cộng sự tìm hiểu mối quan hệ giữa sự hỗ trợ, sự đồng kiến tạo các giá trị và sự hài lòng của sinh viên, cùng các yếu tố tác động bao gồm phương thức học tập và học phí, thông qua khảo sát 979 sinh viên đại học.

Một khảo sát được thực hiện bởi Havergal vào năm 2016 trên 15.221 sinh viên đại học tại các cơ sở giáo dục của Vương quốc Anh cho thấy mức độ không hài lòng của sinh viên về chương trình giáo dục đại học đang ngày càng gia tăng. Theo đó, kể từ năm 2012, 35% số sinh viên Anh cho biết thời gian học tập tại trường đại học của họ đem lại giá trị thấp và rất thấp nếu so với số tiền các em bỏ ra. Do đó, nhu cầu cải thiện sự hiểu biết của các trường đại học về những khía cạnh khác nhau trong trải nghiệm học tập của sinh viên, có ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của các em, là rất bức thiết.

Một trong những phương thức để các trường đại học đạt được điều đó là tham vấn chính các sinh viên về trải nghiệm đại học của các em. Trong bài báo này, các tác giả tìm hiểu về trải nghiệm của các sinh viên đại học đang theo học tại một trường đại học quốc tế, thông qua việc xây dựng khung lý thuyết trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của những hỗ trợ từ nhà trường và sự hài lòng với tư cách là các yếu tố chính trong trải nghiệm của sinh viên. Trong đó, phương thức học tập và học phí là các yếu tố ảnh hưởng. Câu hỏi nghiên cứu chính của nhóm là: Sự hỗ trợ từ nhà trường, sự đồng kiến tạo giá trị và sự hài lòng của sinh viên có sự khác biệt trong các điều kiện khác nhau về phương thức học tập và học phí hay không?

Để phục vụ việc phân tích và đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu sử dụng kết quả Khảo sát Thường niên của trường đại học. Bảng khảo sát được gửi đến tất cả các sinh viên đại học thông qua email gửi đến một trường đại học ở Scotland; thời gian khảo sát bắt đầu từ ngày 26/2 và kết thúc vào ngày 20/3/2016. Trong số 10.157 sinh viên đủ điều kiện tham gia khảo sát, đã có 979 em hoàn thành bảng khảo sát và gửi lại cho nhà trường. Trước đó, chính các thành viên nhóm nghiên cứu cũng có tham gia vào quá trình xây dựng bảng hỏi của trường theo hướng thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu và hướng đến một số mục tiêu nghiên cứu cụ thể.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự hài lòng của sinh viên chịu ảnh hưởng tích cực thông qua việc các em đánh giá hoạt động hỗ trợ của nhân viên nhà trường và sự tham gia tích cực của chính các em vào quá trình kiến tạo các hoạt động giá trị - chẳng hạn như việc sinh viên chủ động tham gia vào các quyết sách của nhà trường và giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính các em. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện rằng các sinh viên có chi trả học phí thường có mức độ hài lòng cao hơn khi các em tham gia vào các hoạt động kiến tạo giá trị nhà trường kể trên, cũng như đối với sự hỗ trợ từ các cán bộ, nhân viên nhà trường. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào được phát hiện về sự hài lòng giữa hai nhóm sinh viên quốc tế và trong nước.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Rebecca Maxwell-Stuart, Babak Taheri, Audrey S. Paterson, Kevin O’Gorman & William Jackson (2016). Working together to increase student satisfaction: exploring the effects of mode of study and fee status. Studies in Higher Education, DOI: 10.1080/03075079.2016.1257601

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí GIáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Học phí, sự hài lòng và dịch vụ giáo dục đại học: nghiên cứu từ Vương quốc Anh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn