Phân tích nội dung sách giáo khoa Toán tiểu học của Hong Kong: Trường hợp nội dung hình học không gian

Sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giảng dạy và học tập các môn học lý thuyết nói chung, trong đó có môn Toán. Tuy nhiên, việc nghiên cứu nội dung các cuốn sách và đánh giá tính thực tiễn của chúng hiện vẫn là đề tài nhận được ít sự quan tâm nghiên cứu. Bài viết của Qiaoping Zhang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu nội dung của những cuốn sách giáo khoa toán tiểu học có tạo điều kiện đủ để học sinh xây dựng tư duy về không gian thông qua những bài học về hình học ba chiều.

Việc xây dựng năng lực tư duy không gian ba chiều là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục Toán bậc tiểu học. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra mối tương quan giữa năng lực tư duy không gian và kết quả học tập không chỉ môn Toán mà cả khối các môn học STEM. Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực đó ở học sinh không phải là điều dễ dàng. Một số nhà nghiên cứu trước đó đã chứng minh rằng học sinh thường gặp khó khăn trong việc hình dung các hình không gian, và sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong việc học tập nội dung Toán học này của các học sinh. Cụ thể, nội dung giảng dạy của các giáo viên thường song hành với các nội dung được đề cập đến trong sách. Do đó, nghiên cứu tập trung tìm hiểu xem sách giáo khoa có đóng góp như thế nào trong việc tạo điều kiện cho học sinh tiểu học lĩnh hội kiến thức về hình học ba chiều.

Do ở Hong Kong, học sinh có thể chọn sách giáo khoa theo bảng danh sách các bộ sách được khuyến khích sử dụng do cơ quan quản lý giáo dục ban hành. Nội dung sách thường được viết theo chương trình học/hướng dẫn chung của cơ quan này. Do đó, nhà nghiên cứu chỉ chọn ra ba bộ sách giáo khoa được sử dụng nhiều nhất tại Hong Kong để nghiên cứu. Tiếp đó, tác giả sử dụng phương pháp phân tích nội dung để tìm hiểu cấu trúc, nội dung giảng dạy của học phần về hình học không gian trong sách giáo khoa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, để cải thiện chất lượng học tập nội dung hình học không gian của học sinh, nội dung của cả ba cuốn sách giáo khoa đều được thiết kế đề cập tới 5 nội dung chính: các ví dụ thực tế về hình học không gian, nhận diện các khái niệm hình học, các phương pháp đo đạc, rút ra các quy luật, định lý và xây dựng năng lực tư duy không gian. Mặc dù 5 nội dung trên tương ứng với các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông môn Toán của Hồng Kông, nhưng mỗi sách giáo khoa lại có một phương pháp thể hiện riêng. Nội dung hình học không gian tiểu học chủ yếu dạy cho các em lớp 1, lớp 5 và lớp 6. Qua nghiên cứu, các tác giả nhận thấy nội dung hình học không gian tiểu học thường không chú trọng và yếu tố tính toán, và nếu có thì chủ yếu được dạy cho các học sinh lớp cao hơn. Bên cạnh đó, các loại hình hình học không gian dạy cho học sinh tiểu học cũng tương đối hạn chế, chủ yếu xoay quanh một số loại hình hình học phổ biến như hình hộp chữ nhật, khối lập phương, hình chóp, hình nón. Các tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị, chẳng hạn như giáo viên cần tận dụng môi trường không gian có sẵn trong lớp học để giúp học sinh dễ hình dung và nâng cao năng lực tư duy không gian. Sách giáo khoa cũng cần bổ sung và liệt kê chi tiết các hoạt động học tập cho học sinh, và giáo viên có thể linh hoạt trong việc lựa chọn hoạt động nào là phù hợp cho học sinh của mình.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Qiaoping Zhang (2021). Opportunities to Learn Three-Dimensional Shapes in Primary Mathematics: The Case of Content Analysis of Primary Mathematics Textbooks in Hong Kong. EURASIA Journal of Mathematics, 17(6).

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Phân tích nội dung sách giáo khoa Toán tiểu học của Hong Kong: Trường hợp nội dung hình học không gian tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn