Vai trò của văn hóa trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới

Với những khả năng và chức năng như nhận thức và dự báo, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, kế tục và phát triển lịch sử... văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành các phẩm chất, nhân cách ở con người; nuôi dưỡng và phát triển các khả năng của con người; góp phần ổn định và thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới về dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất năm 2018_Ảnh: TTXVN

SỨC MẠNH NỘI SINH, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy nền văn minh của nhân loại tiếp tục tiến lên với tốc độ “một ngày bằng 20 năm” như C.Mác đã dự báo cách đây hơn một thế kỷ. Chắc chắn, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những biến động của lịch sử thế giới đương đại sẽ không ngừng tạo ra những thời cơ và thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia, dân tộc.

Muốn nắm bắt được thời cơ và vượt qua những thách thức để phát triển, tránh tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển, thì Việt Nam phải có nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc mọi lĩnh vực. Nguồn nhân lực ấy cần có vốn tri thức ngày càng hiện đại; có trình độ tay nghề ngày càng cao và thành thạo trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; có khả năng sáng tạo và phát minh khoa học; biết tiếp thu và thích ứng nhanh với những biến đổi trong các lĩnh vực công nghệ cao; có khả năng đưa ra các quyết sách tầm vĩ mô kịp thời và phù hợp nhất nhằm mục tiêu đến năm 2030 “là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” như quyết sách đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Mặt rất quan trọng khác là nguồn nhân lực ấy cũng phải có tính nhân văn cao cả, sâu sắc, không lạm dụng những sáng tạo, phát minh mới nhất của khoa học và công nghệ để làm tổn hại chính đồng loại của mình cũng như không tàn phá môi trường tự nhiên đang nuôi dưỡng con người. Nguồn nhân lực như thế chỉ có thể có được nhờ một hệ thống giáo dục đổi mới, tiên tiến, biết giữ gìn, kế thừa, phát huy các giá trị nhân văn cao cả và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời biết chắt lọc một cách khôn ngoan những nét tinh túy nhất trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

Bởi vậy, thống nhất với những quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và XII, khi đề cập các đột phá chiến lược, Đại hội XIII đã “bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới”, đồng thời nhấn mạnh, cần “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”(1).

Đại hội XIII cũng đã thẳng thắn nhận định, mặc dù nhiệm vụ “phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”(2), song việc “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”(3). Đặc biệt, Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”(4).

Liên quan đến vấn đề vai trò của con người và sức mạnh của văn hóa trong sự phát triển đất nước, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII nêu rõ: “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(5).

Như vậy, Đại hội Đảng lần này rất kỳ vọng vào việc văn hóa sẽ đóng vai trò lớn lao trong “xây dựng con người”, góp phần “phát triển con người toàn diện” để “con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

 Những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần được trao truyền cho các thế hệ tiếp nối, đóng vai trò điều tiết ý thức, hành vi, chuẩn mực đạo đức, cung cách ứng xử của con người không chỉ trong quan hệ với nhau mà cả trong quan hệ của con người với môi trường thiên nhiên.

TÁC ĐỘNG CỦA VĂN HÓA ĐẾN CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

“Văn hóa chính là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của con người biểu hiện trong các kiểu, trong các cách thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong tổ hợp các giá trị vật chất, các giá trị tinh thần cùng các chuẩn mực hành vi do con người sáng tạo ra để điều chỉnh hành vi con người và được tích lũy lại, được làm phong phú thêm trong quá trình con người tương tác với thiên nhiên và trong quan hệ với nhau trong xã hội”(6). Điều đó có nghĩa là văn hoá chỉ có ở con người và xã hội loài người.

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện mới, trước hết phải hướng tới việc giáo dục, đào tạo con người hội tụ được những phẩm chất tốt đẹp, vừa mang đậm nét truyền thống, cốt cách con người Việt Nam vừa phải phù hợp với những yêu cầu của thời đại.

Với những khả năng và chức năng như nhận thức và dự báogiáo dụcthẩm mỹgiải tríkế tục và phát triển lịch sử... văn hoá đóng vai trò quyết định trong việc hình thành các phẩm chất, nhân cách ở con người; nuôi dưỡng và phát triển các khả năng của con người; góp phần ổn định và thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Ý thức quốc gia - dân tộc Việt Nam được hình thành, vun đắp và phát triển bởi các thế hệ người dân Việt Nam và là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử (Trong ảnh: Mùa xuân biên cương)_Ảnh: Tư liệu

Từ những chức năng của mình, văn hóa có thể tác động đến chất lượng nguồn nhân lực, thể hiện ở nhiều mặt:

Trước hết, văn hóa tác động đến việc xây dựng nguồn nhân lực trên các mặt lao động, khả năng dự báo, thúc đẩy việc phát huy năng lực cá nhân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục đến khoa học - công nghệ, v.v.. Tất cả những mặt ấy đều dựa trên một nền tảng học vấn vững vàng, trình độ ngày càng cao, phù hợp với xu thế của thời đại.

Thứ hai, văn hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng cho các cá nhân và xã hội, nhất là thế hệ trẻ, hướng đến những giá trị cốt lõi Chân - Thiện - Mỹ trong truyền thống nhân văn của dân tộc ta, đồng thời nâng các giá trị ấy lên ngang tầm thời đại, phù hợp với những yêu cầu của thời đại.

Thứ ba, văn hóa có khả năng khơi dậy tính năng động, khả năng sáng tạo của con người trong xu hướng phát triển văn hóa nói chung, chất lượng nguồn nhân lực nói riêng; xây dựng con người có phẩm chất về tư tưởng, lý tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là nhân cách văn hóa và khát vọng, đáp ứng những đòi hỏi của CMCN 4.0 cũng như công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay và trong tương lai.     

Thứ tư, văn hóa ngày càng thể hiện rõ hơn chức năng điều tiết các mối quan hệ của con người với chính bản thân mình, con người với môi trường tự nhiên và con người với cộng đồng xã hội. Nói cách khác, chức năng điều tiết của văn hóa thể hiện ở sự tác động đến điều chỉnh và tự điều chỉnh từ nhận thức, hành vi đến mọi hoạt động của mỗi người và của cả cộng đồng trong xã hội.

Củng cố, phát huy văn hóa chính trị nhằm xác lập tầm nhìn chính trị phù hợp, mềm dẻo, năng động, đúng thời cơ; khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, khuôn sáo, cứng nhắc.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi nguồn nhân lực, trước hết là những cán bộ cấp chiến lược, phải nắm được những tri thức mới nhất, có phong cách tư duy hiện đại, cách thức suy nghĩ thiết thực và nhất là cách thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả. Đồng thời đòi hỏi mỗi người trong guồng máy sản xuất và hoạt động xã hội một tư duy cực kỳ năng động, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhằm đạt kết quả cao nhất. Theo đó, cần quan tâm:

Một là, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và các lĩnh vực then chốt không chỉ cần có “phông kiến thức” đa dạng, sâu rộng mà còn phải có tầm nhìn chính trị trên nền tảng văn hóa chính trị. Tầm nhìn đó vừa phải xuất phát từ thực tiễn đất nước, vừa phải trên cơ sở đánh giá một cách sáng suốt, đúng đắn, khách quan, kịp thời những biến động mau lẹ, khó lường trên thế giới.

Tri thức văn hóa, trong đó có kiến thức về địa lý, lịch sử cùng những bài học đã được tích lũy trong văn hóa dân tộc là yếu tố căn bản để nguồn nhân lực cấp chiến lược chủ động, tích cực “nhất biến ứng vạn biến” trước các tình huống bất ngờ hoặc khó khăn không lường trước được. Những tri thức đã được đúc rút, tích lũy khi chuyển hóa thành tình cảm yêu nước chân chính sẽ tạo nên động lực to lớn giúp vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, thúc đẩy sự phát triển.

Hai là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta càng cần phải chú trọng đến văn hóa, trước hết là văn hóa kinh doanh. Tiêu chí trung thực, chữ “tín” phải được xác định là yếu tố đầu tiên, có vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực này.

Những giá trị văn hóa truyền thống như “buôn có bạn, bán có phường”; trung thực trong kinh doanh; ứng xử linh hoạt, mềm dẻo; biết thích nghi nhanh, dễ dàng hội nhập; có khả năng tiếp biến với cái mới, cái lạ... vẫn luôn là những điều căn bản trong giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách và lối sống; góp phần hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và kinh doanh theo Hiến pháp và pháp luật...

Trong tình hình mới, cùng với chú trọng nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, cần quan tâm hơn nữa tới việc trang bị “phông văn hóa”, đưa văn hóa thẩm thẩm vào mọi hoạt động kinh tế, giúp con người nhận thức được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; biết tôn vinh cái đúng, cái tốt, cái đẹp; biết trân trọng những giá cao thượng, nhân văn.

Những bài học về đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh và văn hóa ứng xử trong kinh doanh cần phải được lan tỏa song hành với kiến thức - kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh những tiêu chí, giá trị chung trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt cần trang bị, tạo dựng những nét văn hóa riêng, đặc sắc trên cơ sở kế thừa, chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa kinh doanh của của các bậc tiền nhân.

Ở một khía cạnh khác, các chủ thể doanh nghiệp thời hiện đại nếu thiếu văn hóa và triết lý kinh doanh, tư duy hạn hẹp thì không thể thu hút được nhân tài - những bộ óc thông minh, sáng tạo về với mình. Do vậy, văn hóa quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại là điều mà các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp muốn thành công và vươn xa cần phải có. Trong đó có việc sử dụng một cách hợp lý, khoa học nguồn nhân lực, phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của con người chứ không chỉ dừng ở cung cách tổ chức sản xuất, kinh doanh đơn thuần.

Ba là, cũng như đa số các quốc gia - dân tộc trên thế giới, những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đều bắt nguồn từ nền tảng xã hội và lịch sử dân tộc; kết tinh từ hàng ngàn năm cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường chiến đấu chống ngoại xâm và xây dựng đất nước trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Chính vì vậy, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đất nước trong tình hình mới phải luôn được củng cố - “bắt đầu lại” từ những giá trị văn hóa và truyền thống vô cùng quý giá của dân tộc.

Đó là chủ nghĩa yêu nước chân chính mà Hồ Chí Minh đã từng đúc kết: “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(7).

Đó là tinh thần cộng đồng dân tộc, ý chí tự lập tự cường, là đức tính kiên trì, cần cù, “chịu thương chịu khó”, sáng tạo trong lao động.

Đó là đức tính khoan dung, bao dung, vị tha; tôn sư trọng đạo, ham học hỏi, không chùn bước trước khó khăn; dễ dàng hoà nhập, biết “dung nạp” chọn lọc những giá trị mới của thời đại.

Đó là ý thức tiết kiệm, không bao giờ để “quá khẩu thành tàn”, ghét thói lãng phí, xa hoa...

Cần luôn ghi nhớ rằng, đức tính tiết kiệm không bao giờ đồng nhất với thói hà tiện, bủn xỉn. Trong văn hóa Việt Nam, tiết kiệm là sử dụng đúng mục đích, “đúng người đúng việc”, không phí phạm vào những việc vô bổ, không cần thiết. Trong tình hình mới, để khắc phục sự lãng phí (lãng phí nguyên vật liệu, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí thời gian) thì không những phải củng cố, phát huy ý thức tiết kiệm mà cần phải có sự can thiệp của khoa học - công nghệ. Nghĩa là đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để “bắt nhịp” được với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cho ra những phát minh, sáng chế, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.

Bốn là, hơn bao giờ hết, những giá trị văn hóa phải trở thành “chất xúc tác” để “điều hòa” những điều “thái quá bất cập” trong nền kinh tế thị trường hiện nay (như tình trạng tôn sùng quá mức giá trị tiền bạc, vật chất). Một cộng đồng, một xã hội có văn hóa phải bắt đầu từ những con người có văn hóa. Một thể chế, chính sách, chủ trương đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của con người, tiệm cận được tới những giá trị văn hóa... phải được xây dựng trên cơ sở nguồn nhân lực có nền tảng văn hóa và chất lượng thời đại.

Chính những giá trị cốt lõi và nổi trội được kết tinh qua các thế hệ đã làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong lịch sử hàng ngàn năm qua. 

Suy cho cùng thì nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chính là những “hiền tài của quốc gia”. Một “hiền tài” phải hội tụ được những tiêu chí cơ bản: có trí tuệ, có năng lực, có phẩm chất đạo đức và nền tảng văn hóa vững chắc. Trí tuệ, năng lực, phẩm chất sẽ làm cho văn hóa tỏa sáng. Văn hóa sẽ củng cố, bồi đắp và phát huy trí tuệ, năng lực, phẩm chất. Thời nào cũng vậy, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng Thánh đế Minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”(8).

Tóm lại, trong tình hình mới, văn hóa nói chung và các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn là một “sự đảm bảo” và có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo, xây dựng con người thuộc các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế - xã hội... Do đó, văn hóa cần phải thường xuyên được củng cố, bồi đắp, phát huy trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, góp phần làm cho “con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

 GS. TS. NGUYỄN TRỌNG CHUẨN 

Nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nhân văn Việt Nam,

Phó Chủ tịch Hội Triết học

Nguồn tin: tuyengiao.vn

______________________

(1) (2) (3) (4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.54, 65, 82-83, 84, 115-116.

(6) Nguyễn Trọng Chuẩn: Văn hóa ứng xử ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Triết học số 7/2020, tr.19-28.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.7, tr.38.

(8) Bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Thân Nhân Trung soạn.

 

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của văn hóa trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới tại chuyên mục Văn hóa & Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn