Khó khăn về tài chính của các trường đại học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Nghiên cứu “Covid-19’s impact on higher education: Strategies for tackling the financial challenges facing colleges and universities” do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học Deloitte thực hiện tìm hiểu những lựa chọn mà các trường đại học, cao đẳng phải đối mặt nhằm duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có cả các trường đại học và cao đẳng. Biểu hiện có thể thấy ngay là các giảng đường vắng bóng khi sinh viên chuyển sang học tập trực tuyến; bên cạnh đó, còn một vấn đề không hiện hữu nhưng không kém phần nghiêm trọng, là những khó khăn về tài chính của các trường. 

Đề cập về vấn đề dòng tiền của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà nghiên cứu đề xuất ban lãnh đạo của các trường thiết lập các kế hoạch để quản lý dòng tiền ra và vào trường, tập hợp một nhóm rộng gồm các cổ đông, ban điều hành, lãnh đạo các đơn vị thành viên để xây dựng phương án hành động trước những biến động của dịch. Các trường cần xây dựng kế hoạch hành động trong ít nhất 13 tuần tiếp theo và tính đến nhiều phương án, kịch bản khác nhau tuỳ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, cơ sở vật chất của các trường có thể được sử dụng linh hoạt để mang lại hiệu quả kinh tế, chẳng hạn như cho thuê một số hạng mục mà bên thứ ba có nhu cầu.

©Christopher Thomond

Về các khoản nợ, các chuyên gia của Trung tâm khuyến nghị các trường nên chủ động liên hệ với phía ngân hàng. Các trường nên chuẩn bị những phương án, kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng dòng tiền và tái đầu tư sau đại dịch để “thuyết phục” phía ngân hàng đồng ý gia hạn tín dụng. Các trường cũng cần tìm hiểu xem cơ sở của họ có đáp ứng tiêu chí để nhận các gói hỗ trợ từ chính phủ hay không.

Các trường đại học, cao đẳng cũng có thể tìm đến các nguồn tài trợ về vốn và tài sản hiện vật để giải quyết các khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Một số trường trước đó đã chủ động liên hệ với chính quyền bang (chính quyền địa phương) để đề nghị những khoản trợ cấp tạm thời, không lãi suất, với cam kết sẽ trả lại sau một khoảng thời gian cụ thể. Các trường cũng có thể liên hệ với các tổ chức, các nhà tài trợ trước đó đã từng tặng quà hay hỗ trợ tài chính, hiện vật cho trường để đàm phán, tìm kiếm sự trợ giúp.

Đặc biệt, nhà trường cần tính đến những phương án trung và dài hạn, và không thể bỏ qua sự thật rằng đại dịch có thể sẽ còn kéo dài. Một kịch bản rất có khả năng xảy ra là các vị phụ huynh sẽ không còn có thể đóng góp mức học phí và những khoản phí xây dựng trường như trước khi đại dịch xảy ra nữa. Tỉ lệ học sinh đăng ký nhập học và duy trì học tập (không bỏ học giữa chừng) có thể sẽ có sự suy giảm, tạo nên gánh nặng cho các trường trong việc đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường này cần nghiêm túc tính toán cắt giảm chi tiêu trong thời gian sắp tới. Thậm chí, ngay cả với các trường có sự tăng trưởng về số lượng sinh viên nhập học giữa đại dịch, hiện tượng đó vẫn không đồng nghĩa với một tương lai tài chính vững chắc. Điều này là bởi số lượng sinh viên tăng đồng nghĩa với việc trường phải cấp một số lượng học bổng và/hoặc hỗ trợ tài chính nhiều hơn, và tạo ra một khoản chi vượt kế hoạch.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Deloitte Center for Higher Education Excellence (2020). Covid-19’s impact on higher education: Strategies for tackling the financial challenges facing colleges and universities

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn  là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn về tài chính của các trường đại học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn