Xuất bản trước, bình duyệt sau: Một kiểu xuất bản khoa học “lạ”?

Xuất bản học thuật thế giới có nhiều đổi mới từ khi internet xuất hiện. Gần đây, tạp chí F1000Research đã gây chú ý với một cách thức xuất bản có thể “lạ” với nhiều người: xuất bản mở theo hướng “xuất bản trước, bình duyệt sau”. Tạp chí Giáo dục trân trọng giới thiệu tới quý độc giả về hình thức xuất bản này.

F1000Research là một nền tảng xuất bản mở dành cho các nhà khoa học, học giả và bác sĩ lâm sàng cung cấp việc xuất bản nhanh các bài báo và các kết quả nghiên cứu khác mà không có sự thiên vị biên tập. Tất cả các bài báo đều được hưởng lợi từ việc bình duyệt minh bạch và hướng dẫn biên tập về việc cung cấp công khai tất cả các dữ liệu nguồn.

F1000Research là một nền tảng Khoa học mở: tất cả các bài báo được xuất bản đều có quyền truy cập mở; các quy trình xuất bản và bình duyệt hoàn toàn minh bạch; và các tác giả được yêu cầu đưa vào mô tả chi tiết về các phương pháp và cung cấp khả năng truy cập đầy đủ và dễ dàng vào dữ liệu nguồn làm cơ sở cho các kết quả để cải thiện khả năng tái lập.

Quy trình xuất bản của tạp chí như sau:

Cụ thể, các bước xuất bản được mô tả như sau:

Gửi bản thảo tới tạp chí (Article Submission): Việc này được thực hiện thông qua một hệ thống đệ trình một trang (single-page submission system). Nhóm biên tập nội bộ thực hiện một loạt các kiểm tra trước khi công bố toàn diện để đảm bảo rằng tất cả các chính sách và nguyên tắc đạo đức đều được tuân thủ.

Xuất bản & Lưu trữ Dữ liệu (Publication & Data Deposition): Khi các tác giả đã hoàn thiện bản thảo, bài báo sẽ được xuất bản trong vòng một tuần, cho phép xem và trích dẫn ngay lập tức (có DOI). Đây là một khoảng thời gian quá ngắn để bản thảo đã được xuất bản!

Bình duyệt và Bàn luận mở (Open Peer Review & User Commenting): Chuyên gia đánh giá được lựa chọn và mời, báo cáo và tên của họ được xuất bản cùng với bài báo, cùng với phản hồi của tác giả và nhận xét từ những người dùng đã đăng ký. Như vậy là người bình duyệt và cả bạn đọc đều có thể đọc và bình luận công khai trên mỗi bản thảo bài báo, sau khi được xuất bản.

Bản sửa đổi bài viết (Article Revision): Các tác giả được khuyến khích xuất bản các phiên bản sửa đổi của bài báo của họ. Tất cả các phiên bản của một bài báo đều được liên kết và có thể trích dẫn độc lập (tức là sẽ được cấp các chỉ số DOI khác nhau để trích dẫn và phân biệt). Các bài báo vượt qua bình duyệt được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu bên ngoài như PubMed, Scopus và Google Scholar. Như vậy, những bài báo không vượt ra vòng bình duyệt thì sẽ không được chỉ mục, nhưng vẫn được lưu, có chỉ DOI.

Dưới đây là hình ảnh một bài báo đã xuất bản với chi tiết các thông tin về tác giả, người bình duyệt, ngày cập nhật các phiên bản khác nhau (https://f1000research.com/articles/10-381):

Và dưới đây là hình ảnh về kết quả bình duyệt của một vị bình duyệt, có ngay trong tệp PDF của bài báo (https://f1000research.com/articles/10-381):

Như vậy, với cách thức xuất bản này, một số ưu điểm có thể chỉ ra là:

- Bài báo, ý tưởng, kết quả nghiên cứu được nhanh chóng công bố, giữ bản quyền cho tác giả.

- Tác giả cũng như các nhà bình duyệt phải rất có trách nhiệm với nội dung bài báo cũng như những bình luận, đánh giá về bài báo. Bản thảo gần như được xuất bản ngay lập tức. Hơn nữa, những nhận xét, bình luận của người bình duyệt gần như ngay lập tức được công bố cùng và luôn là một phần của bài báo. Tất cả bạn đọc trên toàn thế giới đều có quyền đọc nội dung bài báo và cả những bình duyệt, hay trả lời (phản hồi) chỉnh sửa của tác giả, thông qua các phiên bản khác nhau của bài báo.

- Điều này có thể tránh những thiên vị nhất định hay không thực sự minh bạch trong khâu bình duyệt.

- Bạn đọc quan tâm cũng có thể bình luận với tác giả bài báo về bất cứ điều gì. Điều này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao hơn đối với tác giả của các nghiên cứu được công bố.

- Việc lan toả các kết quả nghiên cứu nhanh cũng có thể góp phần tránh những trùng lặp kết quả nghiên cứu, giúp các nhà nghiên cứu cập nhật nhanh những kết quả nghiên cứu thay vì phải đợi cả năm trời cho những công bố mới như ở một số tạp chí uy tín và truyền thống hiện nay.

Lương Ngọc

Nguồn: https://f1000research.com/about

Bạn đang đọc bài viết Xuất bản trước, bình duyệt sau: Một kiểu xuất bản khoa học “lạ”? tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19