Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu điều tra khảo sát thực tế, với số lượng mẫu là 175 giáo viên (trong đó 29,10% là nam giới) công tác tại cả các trường công lập (chiếm 50,30%) và bán công tại 9 khu tự trị ở Tây Ban Nha. 74,90% giáo viên tham gia khảo sát công tác tại các trường học ở đô thị, ở cả ba cấp học là mầm non, tiểu học và trung học. Các giáo viên có độ tuổi từ 22 đến 64 (M = 40,13; SD = 9,88) và có kinh nghiệm giảng dạy không đồng đều (M = 13,96; SD = 9,91). Điều kiện tiên quyết để lựa chọn giáo viên tham gia phỏng vấn là họ đều phải có sự tiếp xúc, làm việc thường xuyên với học sinh khuyết tật. Bảng hỏi bao gồm 25 câu hỏi được thiết kế dựa trên mô hình thang đo Likert 5 mức, trong đó mức 1 là “Hoàn toàn không đồng ý” và 5 là “Hoàn toàn đồng ý”. Bảng hỏi gốc được cấu trúc theo 7 chiều cạnh của vấn đề nghiên cứu: Tính trách nhiệm, Năng lực, Đào tạo và nguồn lực, Môi trường lớp học, Quan hệ xã hội, Phát triển cảm xúc và Niềm tin.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy đa số người trả lời khảo sát cho rằng một số giáo viên đã chủ động tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn và có khả năng tiếp cận các nguồn lực tri thức về chuyên môn đặc thù liên quan đến trẻ em khuyết tật, và tỉ lệ này cao hơn ở các trường bán công.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ giáo viên giảng dạy ở khu vực nông thôn thường có xu hướng sẵn sàng nhận hướng dẫn, kèm cặp các học sinh khuyết tật cao hơn so với đô thị.
Thứ ba, liên quan đến số năm kinh nghiệm giảng dạy, nhóm nghiên cứu phát hiện càng có thâm niên kinh nghiệm giảng dạy, các thầy cô càng có niềm tin mạnh mẽ hơn về việc học sinh khuyết tật thường có kết quả học tập thấp hơn, và rằng việc xây dựng một môi trường lớp học thân thiện là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, các thầy cô này cũng có nhận thức kém hơn về một số mục tiêu giáo dục mới như dạy học tích hợp và phát triển cảm xúc.
Cuối cùng, có một xu hướng trong đó sự tham gia lớp học và nhận thức về vai trò của thành tích học tập cá nhân của học sinh sẽ giảm khi các em trải qua nhiều giai đoạn học tập khác nhau. Từ đó, các tác giả đưa ra một số đề xuất cả về phương pháp nghiên cứu chủ đề này cũng như các giáo viên tham gia giảng dạy học sinh khuyết tật.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Patricia, S., Ignacio, P. & Luz-María, M. (2019) Assessment and interpretation of teachers’ attitudes towards students with disabilities. Culture and Education, 31(3), 576-608.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.