Năng lực số, tin giả và giáo dục

Vai trò của năng lực số trong việc tăng cường “sức đề kháng” của cộng đồng trước các tin tức sai lệch đã trở thành chủ đề của nhiều dự án nghiên cứu, các hội thảo, toạ đàm, trao đổi khoa học trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều tranh cãi xung quanh các cuộc bầu cử diễn ra tại Anh và Mỹ. Đây cũng chính là chủ đề của bài viết “Digital literacy, fake news and education” (Julian và cộng sự), đăng trên tạp chí Culture and Education, Q4 Scopus.

Trong một thời gian dài, tin giả đã bao hàm một số chủ đề con, như những “mồi nhử nhấp chuột” (clickbait) hay “tin xấu” - và đây rõ ràng không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, điểm mới nằm ở quy mô và tốc độ xuất hiện, lan truyền của tin giả trong bối cảnh sự mất ổn định của truyền thông chính thống. Đây cũng chính là thời điểm mà “năng lực số” cần được bồi dưỡng cho mỗi người dân trong xã hội, không nhất thiết là để giúp họ phân định rạch ròi giữa sự thật và tin tức sai lệch, mà để giúp họ có thể tiếp xúc với mọi nguồn thông tin trên truyền thông với tư duy phản biện mạnh mẽ, chủ động.

©iStockphoto

Bài viết này là lời giới thiệu của một số tạp chí đặc biệt, gồm các nghiên cứu thực nghiệm về truyền thông, năng lực số và giáo dục năng lực số. Các nghiên cứu này chủ yếu bàn luận về bối cảnh chính trị và kinh tế nơi các tin giả thường xuất hiện, vấn đề lòng tin phức tạp và những nguy cơ của của chủ thuyết sử dụng giáo dục để giải quyết các vấn đề xã hội, những câu hỏi đặt ra trong quá trình triển khai và thực thi chính sách, việc giảng dạy về các vấn đề con của tin giả (chẳng hạn như các nội dung dạng “mồi nhử nhấp chuột”, sự so sánh các phương pháp tiếp cận sư phạm trên quy mô quốc tế và các thách thức đối với giáo viên trong môi trường xã hội đang biến đổi không ngừng.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu được tổng hợp còn chỉ ra những hướng nghiên cứu khái niệm về bối cảnh của tin giả và năng lực số, chỉ ra các loại hình quan điểm nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu đa dạng và có thể được sử dụng làm tiền đề cho các nghiên cứu thực địa về sau. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục đi sâu tìm hiểu về các vấn đề như bối cảnh tuổi thơ và tuổi thiếu niên của các khách thể, sự tương tác liên thế hệ, các cộng đồng chịu những hạn chế/thiệt thòi, sự cam kết của báo chí và các tri thức dựa trên dữ liệu thực tế. 

Cuối cùng, các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung nâng cao, củng cố kiến thức về năng lực số trước bối cảnh tin giả tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thực trạng có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng về nhận thức và hành vi cho mỗi cá nhân.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Julian, M., Maria-José, B. ,Maria-João, C. & Catarina, L. (2019). Digital literacy, fake news and education. Culture and Education, 31(2), 203-212.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Năng lực số, tin giả và giáo dục tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn