Những dấu hiệu nhận biết một bản thảo bài báo khoa học tốt

Khi hoàn thành bản thảo một bài báo khoa học, tác giả cần xem lại một cách cẩn thận trước khi gửi cho tạp chí để tránh bị từ chối trước khi được gửi đi bình duyệt (desk rejection). Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hữu Cương về những dấu hiệu nhận biết một bản thảo bài viết tốt.

Theo thống kê của Elsevier, nhà xuất bản quản lý cơ sở dữ liệu Scopus thì có tới 30-50% tổng số bản thảo bài báo bị tổng biên tập của tạp chí từ chối trước khi gửi cho phản biện (Elsevier, 2015). Các tạp chí thuộc các nhà xuất bản uy tín khác cũng cho số liệu thống kê khá tương đồng. Ví dụ Tạp chí Quản lý Giáo dục (Journal of Management Education; ISSN: 1052-5629) của nhà xuất bản Sage và thuộc top 30% tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực giáo dục của Scopus thì tỉ lệ từ chối ở bước này là khoảng 50% (Billsberry, 2014).

Vậy khi viết xong một bản thảo bài báo, bạn có tự hỏi liệu bài viết của mình đã sẵn sàng gửi cho tạp chí? Trong bài này tôi sẽ tổng hợp các dấu hiểu để nhận biết một bản thảo tốt từ các bài viết của Belcher (2019), Billsberry (2014) và Foreman (2015) cùng với kinh nghiệm cá nhân.

Một bản thảo bài báo khoa học tốt cần:

Theo đúng hướng dẫn dành cho tác giả (Guide/Instructions for Authors) của tạp chí bạn dự định gửi bài

Ở đây bạn cần kiểm tra xem bản thảo của bạn đã theo đúng cấu trúc của tạp chí chưa (bao gồm cả cấu trúc của phần Tóm tắt – Abstract)? Abstract và cả bài viết có vượt quá số lượng từ cho phép không (word limit)? Cách trình bày trích dẫn (citation) và danh mục Tài liệu tham khảo (References) có đúng yêu cầu của tạp chí không (ví dụ APA 7th, IEEE hay Chicago 17th/Turabian 9th…).

Bạn cần lưu ý tổng biên tập (chief editor) là người đầu tiên tiếp nhận bản thảo bài viết của bạn và sẽ quyết định gửi bản thảo của bạn đi bình duyệt hay “từ chối ngay tại bàn”. Tổng biên tập thường không muốn lãng phí thời gian vào những bản thảo không được chuẩn bị đúng theo cấu trúc mà tạp chí quy định.

Nằm trong phạm vi của tạp chí (in scope)

Ở đây bạn phải đọc kỹ mục tiêu và phạm vi (aims and scope) của tạp chí dự định gửi bài để xem nội dung bài viết của bạn có thuộc phạm vi mà tạp chí hướng đến để xuất bản không. Những bài viết nằm ngoài phạm vi và mục tiêu xuất bản của tạp chí sẽ bị loại ngay mà không cần gửi đi bình duyệt.

Sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn mực, khoa học

Với các tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh thì ngôn ngữ tiếng Anh phải được dùng trong toàn bộ bản thảo bài viết bao gồm cả hình ảnh, biểu bảng và danh mục tài liệu tham khảo. Bạn có thể sử dụng một số thuật ngữ hoặc tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt nhưng cần phải chú thích/dịch ra tiếng Anh ngay sau đó. Ví dụ, tại chức (in-service training).

Tiếng Anh trong bản thảo phải là ngôn ngữ viết, không sai chính tả và ngữ pháp, và không lẫn lộn giữa tiếng Anh Anh (British English) với tiếng Anh Mỹ (American English).

Các tạp chí luôn khuyên các tác giả, đặc biệt những tác giả sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 hoặc ngoại ngữ nhờ một người bản ngữ tiếng Anh hoặc thuê dịch vụ biên tập ngôn ngữ để biên tập bản thảo trước khi gửi cho tạp chí. Tiếng Anh kém làm cho tổng biên tập và phản biện gặp khó khăn khi đọc bài viết của bạn và điều này rất dễ dẫn tới việc bài viết của bạn bị từ chối.

Sử dụng minh họa hợp lí

Trong bài báo khoa học thì hình ảnh và biểu bảng là cách hiệu quả nhất để trình bày kết quả nghiên cứu. Câu nói “Một hình ảnh có giá trị bằng cả ngàn câu chữ” (Sue Hanauer, 1968 được trích dẫn trong Foreman, 2015) luôn đúng. Tuy nhiên, khi sử dụng minh họa bạn cần lưu ý: i) tiêu đề phải đủ chi tiết để độc giả hiểu được ý nghĩa của hình ảnh hoặc biểu bảng đó, và ii) không lặp lại những gì đã miêu tả vào trong hình ảnh hoặc biểu bảng minh họa.

Tuân thủ đạo đức nghiên cứu và xuất bản

Điều này có nghĩa là bài viết của bạn không được đạo văn công trình nghiên cứu của người khác. Tại một thời điểm không gửi bản thảo cho hơn một tạp chí. Trích dẫn công trình của người khác một cách hợp lý, và chỉ đưa vào danh sách các đồng tác giả là những người có đóng góp đáng kể cho bản thảo bài viết.

Vậy bạn đã sẵn sàng gửi bài viết của mình cho tạp chí? Tôi luôn khuyên bạn hãy xem lại bản thảo một lần nữa hoặc gửi bài cho một đồng nghiệp có kinh nghiệm xuất bản quốc tế xem và cho ý kiến.

Tài liệu tham khảo

Belcher, W. L. (2019). Writing Your Article in 12 Weeks: A Guide to Academic Publishing Success (2nd ed.). Chicago University Press.

Billsberry, J. (2014). Desk-rejects: 10 top tips to avoid the cull. Journal of Management Education. 38(1), 3–9. https://doi.org/10.1177/1052562913517209

Elsevier. (2015, April 10). 5 ways you can ensure your manuscript avoids the desk reject pile: Looking at your submission through the eyes of a journal editor. https://www.elsevier.com/connect/authors-update/5-ways-you-can-ensure-your-manuscript-avoids-the-desk-reject-pile

Foreman, H. (2015, August 12). Getting published: What distinguishes a good manuscript from a bad one? Elsevier. https://www.elsevier.com/connect/get-published-what-distinguishes-a-good-manuscript-from-a-bad-one

 

 

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)

 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Những dấu hiệu nhận biết một bản thảo bài báo khoa học tốt tại chuyên mục Thông tin khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19