Thông tư 18 ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021: cơ hội và thách thức

Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ban hành “Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ”. Tạp chí Giáo dục sơ lược giới thiệu một số điểm mới và đưa ra một số bình luận về những cơ hội và thách thức khi triển khai.

Như đã trình bày ở trên Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ban hành “Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ” mới, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, đúng dịp tuyển sinh nghiên cứu sinh khoá mới của nhiều cơ sở đào tạo, thay thế cho Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017. Tạp chí Giáo dục sơ lược giới thiệu một số điểm mới và đưa ra một số bình luận về những cơ hội và thách thức khi triển khai, đối với lĩnh vực xuất bản khoa học trong nước.

Có thể thấy được một số điểm mới liên quan đến điều kiện đầu vào, đầu ra, hướng dẫn, thời gian, … như sau:

1. Quy định về đầu vào: Tiêu chuẩn về Ngoại ngữ: chấp nhận chứng chỉ khung năng lực ngoại ngữ quốc gia: “Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Phụ lục II của Quy chế này còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục Giáo dục Đào tạo công bố”.

2. Quy định về thời gian đào tạo: Cho phép bảo vệ sớm hơn 01 năm so với thời gian đào tạo (3 năm hoặc 4 năm, dựa vào quyết định công nhận nghiên cứu sinh). Thời gian đào tạo tối đa là 72 tháng, tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến khi hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

3. Quy định về đầu ra: Không bắt buộc phải có công bố quốc tế chất lượng cao (chẳng hạn là WoS, Scopus): “Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

4. Quy định về cán bộ hướng dẫn:

Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm có quyết định công nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, người hướng dẫn chính, người hướng dẫn độc lập, người đồng hướng dẫn khi không phân biệt giữa hướng dẫn chính và hướng dẫn phụ phải có thêm kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới đề tài luận án hướng dẫn, cụ thể như sau:

“a) Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (sau đây gọi chung là danh mục WoS/Scopus) hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 4,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả);”

“b) Là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc của ít nhất 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà  nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.”

5. Quy định về giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ: “Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ của 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành (sau đây gọi chung là tác giả chính). Đối với giảng viên giảng dạy những chương trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật có thể thay thế yêu cầu tại điểm b khoản này bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do nhà nước trao tặng.”

6. Quy định về số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn: Tại cùng một thời điểm, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 07 nghiên cứu sinh; người có chức danh phó giáo sư, hoặc có bằng tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 05 nghiên cứu sinh; người có bằng tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 03 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh. Như vậy: một giáo sư có thể đồng hướng dẫn tối đa 14 nghiên cứu sinh; một phó giáo sư có thể đồng hướng dẫn tối đa 10 nghiên cứu sinh; một tiến sĩ được đồng hướng dẫn tối đa là 6 nghiên cứu sinh.

7. Quy định về công tác đánh giá:

Cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn bảo đảm đúng tính chất là sinh hoạt khoa học, hỗ trợ nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo. Như vậy, có thể suy ra, việc đánh giá luận án không nhất thiết có Hội đồng cấp cơ sở như hiện tại.

Thời gian phản biện kín (phản biện độc lập): Phản biện độc lập là quy trình bắt buộc trước khi luận án của nghiên cứu sinh được đưa ra bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo. Chậm nhất không quá 06 tháng tính từ thời điểm nghiên cứu sinh hoàn thành thủ tục trình luận án sau khi đã được đơn vị chuyên môn thông qua, cơ sở đào tạo phải hoàn thành quy trình phản biện độc lập cho nghiên cứu sinh; riêng trường hợp phải thực hiện lấy ý kiến phản biện độc lập lần thứ hai theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thời gian được kéo dài thêm tối đa 03 tháng.

Hội đồng đánh giá luận án (hiểu là cấp Trường, Viện):

+ Số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu có 05 người, trong đó, số thành viên chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư không quá 02 người; số thành viên ngoài cơ sở đào tạo tối thiểu là 02 người.

+ 01 người hướng dẫn nghiên cứu sinh có thể tham gia Hội đồng với tư cách là ủy viên.

+ Trường hợp cơ sở đào tạo tổ chức đánh giá luận án trực tuyến phải bảo đảm có ít nhất 03 thành viên Hội đồng có mặt trực tiếp cùng nghiên cứu sinh; trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

+ Luận án được thông qua nếu không có hoặc chỉ có 01 thành viên Hội đồng có mặt tại buổi đánh giá không đồng ý về chuyên môn.

8. Quy định về phạm vi điều chỉnh: Đây là một nội dung quan trọng. Quy chế này sẽ là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định chi tiết về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ áp dụng tại cơ sở đào tạo. Tức là, các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng Quy chế đào tạo tiến sĩ của riêng mình, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo các quy định của Quy chế.

Cơ hội và một số thách thức đối với lĩnh vực xuất bản khoa học của Việt Nam:

Như vậy, Thông tư mới đã tạo ra một cơ hội cho sự nỗ lực của các Tạp chí trong nước một số năm qua trong việc nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Việc phấn đấu nhằm đạt tới các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về xuất bản học thuật vẫn là một mục tiêu đáng chú ý, quan trọng đối với các tạp chí khoa học.

Đồng thời, trách nhiệm đánh giá các tạp chí khoa học trong nước sẽ trở nên nặng nề hơn đối với Hội đồng Giáo sư các ngành trong bối cảnh chưa có một khung tiêu chuẩn chất lượng chung, bắt buộc để chấm điểm các tạp chí khoa học. Một kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với Việt Nam, có thể nghiên cứu là việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học mở quốc gia như của Indonesia (tham khảo: https://sinta.ristekbrin.go.id/). Từ đó, các cơ sở đào tạo bổ sung, cập nhật, tính điểm hoặc ưu tiên trong việc đánh giá đầu ra cho các nghiên cứu sinh. Chẳng hạn như: có thể không cần lập hội đồng cơ sở nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính của một bài báo (là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài) đăng trên tạp chí được chỉ mục trong Scopus/WoS; ACI,…

Cơ hội và một số thách thức đối với các cơ sở đào tạo

Cơ hội mở ra cho các cơ sở đào tạo là số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn đầu vào cho  chương trình đào tạo tiến sĩ sẽ tăng lên. Với tiềm lực con người hiện tại, các cơ sở đào tạo sẽ nâng cao được số lượng nghiên cứu sinh, góp phần thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (Đề án 89) do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt ngày 18/01/2019. Tuy vậy, cơ hội này cũng kèm theo thách thức về thương hiệu, thách thức giữa nhu cầu và mục tiêu gia tăng số lượng nghiên cứu sinh với chất lượng đào tạo. Dù vậy, đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo thực hiện trách nhiệm và khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong học thuật.

Việc thực hiện Quy chế mới cũng sẽ không hạn chế năng lực và khả năng nghiên cứu theo hướng tiếp cận với trình độ quốc tế hiện nay hay hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo, dù nó không còn là yêu cầu bắt buộc. Các trung tâm nghiên cứu lớn, các trung tâm đào tạo có uy tín vẫn sẽ có những tiêu chuẩn mang tính thương hiệu, dựa trên chuẩn sàn quy định, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và thương hiệu của mình.

Biên tập viên: Lương Ngọc

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1407#content_1

Bạn đang đọc bài viết Thông tư 18 ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021: cơ hội và thách thức tại chuyên mục Tin giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn