Một nghiên cứu về vấn đề lựa chọn trường tư thục ở Hoa Kỳ

Nghiên cứu “A Review of the Empirical Research on Private School Choice” của nhóm tác giả Anna J. Egalite và Patrick J. Wolf được thực hiện với mục tiêu đánh giá các chương trình lựa chọn trường tư thục ở Hoa Kỳ dựa trên 13 nghiên cứu thực nghiệm về chủ đề này.

Các bậc phụ huynh ở Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm hơn một thế kỷ trong việc chọn trường học cho con với nhiều hình thức khác nhau. Hình thức lựa chọn trường học truyền thống cho con cái của phụ huynh nước này là chuyển nhà đến một khu dân cư nơi có các trường công lập tốt hoặc học một trường tư thục nào đó trên địa bàn. Tuy nhiên, các chính sách giáo dục hiện đại đã cho phép phụ huynh ở nhiều nơi lựa chọn giữa các trường công lập ở các quận lân cận, các trường chuyên công lập, trường bán công, hay trường tư thục thông qua việc các ưu đãi về chi phí, học bổng, các hình thức trường học trực tuyến, hoặc thậm chí là giáo dục tại gia. 

Hình thức giáo dục mới nhất tại đây là thông qua một chương trình có tên gọi Tài khoản Tiết kiệm cho Giáo dục (ESA). Đây là sáng kiến nhằm tạo lập một quỹ dành cho các trẻ em trong độ tuổi đi học do tiểu bang chi trả; phần quỹ này sẽ được chuyển vào tài khoản của cha mẹ các em để họ có thể định hướng và lựa chọn loại hình giáo dục cho con cái mình. Những người phản đối kế hoạch này cho rằng việc mở rộng các lựa chọn học tập trong khối các trường tư thục không những không mang lại thêm lợi ích nào mà còn gây ra những tác hại đáng kể cho những học sinh “bị bỏ lại phía sau” trong các trường công truyền thống. 

Đánh giá các nghiên cứu thực nghiệm về sự lựa chọn trường tư cho thấy có bằng chứng về việc trường tư mang lại một số lợi ích cho học sinh - đặc biệt trong việc đạt được một mức độ giáo dục nhất định - và nhìn chung là tương đối hữu ích trong một chừng mực nào đó.

Tính đến hết tháng 12/2015, các nhà nghiên cứu đã thực hiện 13 phân tích về hiệu quả của các chương trình cho phép học sinh lựa chọn học trường tư thục ở Hoa Kỳ, lấy từ các mẫu nghiên cứu ngẫu nhiên - một trong những “tiêu chuẩn vàng” của thiết kế nghiên cứu. 5 trong số các nghiên cứu này nhận thấy chương trình trên có tác động tích cực đến thành tích học tập của tất cả các nhóm học sinh nói chung, 5 nghiên cứu khác chứng minh chương trình trên có tác động tích cực đối với một số nhóm học sinh nhất định, 2 nghiên cứu không tìm thấy tác động rõ ràng nào và 1 nghiên cứu cho thấy có tác động tiêu cực. Bên cạnh việc xem xét kết quả của 13 nghiên cứu này, nhóm tác giả còn thảo luận về tác động của các chương trình giảm giá, hỗ trợ học phí đối với các thành tố khác như tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh và kết quả đạt được sau bậc trung học.

Bên cạnh đó, việc đánh giá các chương trình hỗ trợ chi phí học tập đã mang đến những phát hiện quan trọng về tác động của sáng kiến này đối với những học sinh tham gia và không tham gia. Theo Anna và Patrick, học sinh tham gia chương trình này có thể đạt hoặc không đạt mức điểm kiểm tra trung bình, tùy thuộc vào đặc điểm của riêng từng em và cách thức thiết kế của chương trình học mà các em đăng ký. Ngoài ra, các học sinh này có tỉ lệ tốt nghiệp trung học và nhập học được vào một trường đại học (chương trình 4 năm) cao hơn. Học sinh ở lại các trường công phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các chương trình học khác, mà các học sinh theo học có xu hướng đem lại điểm số cao hơn trong các bài thi chuẩn hoá. 

Vân An lược dịch

Nguồn:

Anna J. Egalite & Patrick J. Wolf (2016). A Review of the Empirical Research on Private School Choice. Peabody Journal of Education, 91(4), 441-454.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một nghiên cứu về vấn đề lựa chọn trường tư thục ở Hoa Kỳ tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19