Sử dụng mô hình lớp học đảo ngược chưa đem lại hiệu quả rõ ràng trong dạy học môn Toán?

Bài viết Systematic Literature Review of Flipped Classroom in Mathematics của nhóm tác giả Chak-Him Fung, Michael Besser và Kin-Keung Poon (Đại học Sư phạm Hồng Kông và Đại học Leuphana Lüneburg, Đức) tập trung nghiên cứu hệ thống các bài báo hiện nay về lớp học đảo ngược trong môn Toán với mục đích đánh giá những tác động của lớp học đảo ngược (và các hoạt động được áp dụng trong mô hình lớp học này) đối với việc dạy và học môn Toán.

Lớp học đảo ngược là một chiến lược giảng dạy tiêu biểu cho loại hình học tập kết hợp. Cụ thể, mô hình này đảo ngược cách tiếp cận dạy và học truyền thống bằng cách cung cấp nội dung giảng dạy, thường bằng video, bên ngoài lớp học và “lấp đầy” lớp học bằng các hoạt động khác nhau, chủ yếu là cho học sinh thảo luận. Kể từ khi xuất hiện vào cuối những năm 90, ảnh hưởng của lớp học đảo ngược đối với kết quả học tập của học sinh đã mang đến nhiều ý kiến trái chiều trên diễn đàn giáo dục. Việc sử dụng các hoạt động học tập trong lớp không thống nhất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc so sánh. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm điều tra các tác động của lớp học đảo ngược đối với kết quả học Toán của học sinh. 

Để đảm bảo chất lượng của nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện quá trình tổng quan tài liệu theo bảy bước do Cooper (2007) đề xuất, bao gồm: (1) hình thành vấn đề; (2) tìm kiếm tài liệu; (3) thu thập thông tin từ các nghiên cứu; (4) đánh giá chất lượng của các nghiên cứu; (5) phân tích và tích hợp các kết quả của các nghiên cứu; (6) giải thích và (7) trình bày kết quả. Ngoài ra, họ sử dụng ProQuest để tìm kiếm tài liệu, sau đó tiến hành sàng lọc nội dung và cuối cùng chỉ 12 bài báo đáp ứng các tiêu chí mà nhóm tác giả đặt ra.

Dựa trên 12 bài báo được chọn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác dụng của lớp học đảo ngược  trong môn Toán vẫn còn chưa rõ ràng trên các phương diện kết quả học tập cũng như nhận thức của học sinh. Tuy nhiên, điều tra sâu hơn cho thấy rằng lớp học đảo ngược hiệu quả, mang lại kết quả học tập tốt hơn so với cách tiếp cận truyền thống bởi trong quá trình học tập, học sinh sẽ luôn được tạo điều kiện để thảo luận, làm việc nhóm và nhận phản hồi của giáo viên nhanh chóng và kịp thời khi tiến hành thực hiện mô hình lớp học này. Từ các đánh giá, bài báo này cho thấy rằng một lớp học đảo ngược hiệu quả luôn bao gồm các hoạt động như thảo luận, giáo viên tương tác với học sinh và làm việc nhóm. Cuối cùng, các tác giả đề xuất một mô hình lớp học đảo ngược hiệu quả trong dạy học môn Toán.

Vân An lược dịch

Nguồn 

Chak-Him Fung, Michael Besser, Kin-Keung Poon (2021). Systematic Literature Review of Flipped Classroom in Mathematics. EURASIA Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 17(6). https://doi.org/10.29333/ejmste/10900

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng mô hình lớp học đảo ngược chưa đem lại hiệu quả rõ ràng trong dạy học môn Toán? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19