THƯ MỜI: Gửi bài báo tới Vietnam Journal of Education (Speacial issue)

Tạp chí Giáo dục, phối hợp với EduNet, trân trọng kính mời các tác giả gửi tới các kết quả nghiên cứu liên quan đến sự phát triển bền vững của lực lượng giáo viên vì một tương lai giáo dục bền vững, tổng hợp lại thành một số đặc biệt để đông đảo bạn đọc có thể tiếp cận, nghiên cứu, tham khảo, chia sẻ và lan toả các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước.

THƯ MỜI

GỬI BÀI BÁO TỚI VIETNAM JOURNAL OF EDUCATION VỚI CHỦ ĐỀ

"ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO VIÊN BỀN VỮNG, THÍCH ỨNG VỚI KHỦNG HOẢNG"

 

Kính gửi quý nhà khoa học!

Trong 50 năm qua, việc đào tạo giáo viên để chuẩn bị lực lượng lao động có năng lực đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường việc làm đã gặp phải ​​một số thách thức cũng như cơ hội lớn. Các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục trên toàn thế giới cũng đã thảo luận về các vấn đề dai dẳng và mới nổi mà giáo viên phải đối mặt. Những vấn đề này bao gồm lương giáo viên thấp nhưng nhu cầu nghề giáo lại cao, số lượng sinh viên đăng ký theo học các chương trình đào tạo giáo viên thấp, nhưng tỷ lệ bỏ nghề cao và sự tin tưởng từ xã hội giảm đi nhưng kỳ vọng lại tăng lên từ các bên liên quan trong giáo dục. Trong thời điểm đại dịch và bất ổn này, giáo viên ở tất cả các cấp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang đối mặt với những thách thức mới do phải chuyển đổi gấp gáp nhiều lần từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và ngược lại. Tuy nhiên, xã hội vẫn luôn kì vọng giáo viên là người ở tuyến đầu với tư cách là người giải quyết vấn đề, tác nhân thay đổi, nhà lãnh đạo và những người hỗ trợ người học về các mặt công nghệ, xã hội cũng như tình cảm.

Vậy các cấp quản lý giáo dục và các nhà trường sư phạm đã và đang làm như thế nào để hỗ trợ giáo sinh và giáo viên thực hiện thành công những vai trò quan trọng này? Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đã giúp giáo viên tăng cường sức bật cả về chuyên môn và tinh thần bằng cách nào? Các chương trình này cần chú ý tới những vấn đề gì mới để giúp giáo viên thích ứng được với những thay đổi lớn có thể xảy ra trong tương lai và đảm bảo việc học tập liên tục có chất lượng?

Do đó, Tạp chí Giáo dục (https://vje.vn/index.php/journal), phối hợp với EduNet, trân trọng kính mời các đóng góp nghiên cứu liên quan đến sự phát triển bền vững của lực lượng giáo viên vì một tương lai giáo dục bền vững, tổng hợp lại thành một số đặc biệt để đông đảo bạn đọc có thể tiếp cận, nghiên cứu, tham khảo, chia sẻ và lan toả các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước. Chúng tôi hoan nghênh các nghiên cứu liên quan nhưng không giới hạn ở các vấn đề sau:

- Chính sách về nghề giáo;

- Đào tạo giáo viên, phát triển chuyên môn và các chương trình dành cho giáo viên mới vào nghề;

- Thiết kế khóa học và đánh giá các chương trình này;

- Các lý thuyết và thực tiễn đổi mới trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên như giảng dạy phù hợp với văn hóa, bình đẳng và công bằng xã hội, giáo dục môi trường và phát triển bền vững;

- Chăm sóc sức khoẻ tinh thần của giáo viên;

- Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo của giáo viên;

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học trực tuyến, dạy học hỗn hợp;

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để xây dựng môi trường học tập có khả năng ứng phó với thiên tai và đại dịch.

Thể lệ bản thảo

- Bản thảo phải là nghiên cứu mới, chưa từng được công bố trên các sách, tạp chí, hội thảo trong và ngoài nước.

- Ngôn ngữ bản thảo: Tiếng Anh 

- Bản thảo toàn văn (full papers): 6,000 từ (bao gồm cả tài liệu tham khảo)với cấu trúc như hướng dẫn tại: http://vje.vn/index.php/journal/submission-guidelines

- Kiểu chữ: Times New Roman; cỡ 12; cách dòng 5

- Quy cách trình bày và trích dẫn tài liệu tham khảo theo chuẩn APA 7th

Các mốc thời gian quan trọng

- Hạn nộp bản thảo toàn văn: 01/8/2021

- Trả kết quả bình duyệt lần 1: 30/8/2021

- Hạn nộp bản thảo đã chỉnh sửa cho Tạp chí Giáo dục: 30/9/2021

- Trả kết quả bình duyệt lần 2 (nếu có): 30/10/2021

- Hạn nộp bản thảo hoàn chỉnh: 15/11/2021

Thông tin cần lưu ý

- Lời mời nộp bài viết cho Số Đặc biệt của Tạp chí Giáo dục nằm trong chủ đề “Đào tạo giáo viên và phát triển đội ngũ giáo viên” của Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (VES) 2021 “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng” (https://ves.sciencesconf.org/)

- Khi nộp bài toàn văn vào hệ thống VES, xin vui lòng (1) loại bỏ thông tin cá nhân của tác giả trong bản thảo để phục vụ cho việc bình duyệt ẩn danh và (2) lựa chọn Số Đặc Biệt của Tạp Chí Giáo dục.

- Các bài viết nếu có được chấp nhận trình bày tại VES chưa có nghĩa là sẽ được đăng trên Số Đặc biệt. Tất cả các bài vẫn sẽ trải qua vòng bình duyệt kín theo đúng quy trình của Tạp chí Giáo dục.

- EduNet (AVSE Global) là đối tác thực hiện Số đặc biệt này và TS. Khổng Thị Diễm Hằng, đại diện của EduNet, là bên đồng chịu trách nhiệm về chất lượng với Tạp chí.

Biên tập viên mời (GUEST EDITORS)

Khổng Thị Diễm Hằng, Đại học Monash

Tiến sĩ Khổng Thị Diễm Hằng hiện đang công tác tại Khoa Giáo dục, Đại học Monash, Úc. Cô là cộng tác viên của Edunet, thuộc Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE Global). Cô lấy bằng thạc sĩ giáo dục học tại Đại học Queensland vào năm 2013 và tiến sĩ giáo dục học cũng tại trường đại học này vào năm 2020. Các nghiên cứu của cô xoay quanh đối thoại lớp học, việc học tập và phát triển chuyên môn của giáo viên, đổi mới nhà trường, nghiên cứu bài học, và chính sách giáo dục. Cô đã tình nguyện hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện mô hình Sinh hoạt chuyên môn dựa trên Nghiên cứu bài học từ năm 2007 cho đến nay. Mô hình này hiện đã trở thành chính sách của Bộ GĐ-ĐT, đặc biệt ở cấp tiểu học. Cô đã có 13 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế có bình duyệt và nhà xuất bản học thuật có uy tín. Đặc biệt, một bài viết của cô đã nhận được giải thưởng Bài báo được đọc nhiều nhất của tạp chí Educational Review năm 2014. Cô cũng tham gia bình duyệt bài báo cho các tạp chí quốc tế có uy tín.

Nguyễn Phương Thảo, Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguyễn Phương Thảo hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô tốt nghiệp đại học và thạc sĩ chuyên ngành Địa lí tại Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục Địa lí tại đại học Muenster, CHLB Đức. Hướng nghiên cứu chính của cô bao gồm: giáo dục vì sự phát triển bền vững, giáo dục địa lí, phát triển năng lực giáo viên, phương pháp giảng dạy và biến đổi khí hậu (tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, giáo dục biến đổi khí hậu, thích ứng dựa vào cộng đồng). TS. Thảo đã xuất bản các bài báo về lĩnh vực khoa học giáo dục trên các tạp chí SCI, SSCI và Scopus (Q1, Q2) cũng như làm phản biện cho một số tạp chí quốc tế có uy tín.

 

ĐẠI DIỆN TẠP CHÍ GIÁO DỤC VÀ EDUNET

PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung                          PGS.TS. Bùi Thị Minh Hồng

Bạn đang đọc bài viết THƯ MỜI: Gửi bài báo tới Vietnam Journal of Education (Speacial issue) tại chuyên mục Hoạt động của Tạp chí Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19