Thi Olympic Khoa học và vấn đề truyền cảm hứng cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ngoài

Giáo dục các môn khoa học tự nhiên là một trong những hợp phần quan trọng của bất kỳ nền giáo dục hiện đại nào. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển của ngành khoa học này, học sinh, sinh viên cần thể hiện niềm đam mê với sự nghiệp khoa học lâu dài trong khối ngành khoa học tự nhiên.

Trong trường hợp của Hoa Kỳ, mặc dù nhu cầu cần cải thiện cơ sở hạ tầng của các trường học và vấn đề tiền lương của giáo viên đang ở mức rất lớn, đặc biệt là ở các khu vực gặp khó khăn về kinh tế, song vẫn có một lĩnh vực cần sự quan tâm cấp bách là giáo dục trường học. Cần phải dành sự quan tâm xây dựng một chương trình giảng dạy các môn khoa học tự nhiên thực sự tốt. Theo dữ liệu từ nghiên cứu đánh giá PISA năm 2006 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sự hiểu biết về khoa học tự nhiên của học sinh 15 tuổi ở Mỹ chỉ xếp ở vị trí thứ 23 trong số 41 quốc gia được khảo sát.

Đây không chỉ là vấn đề riêng của Mỹ mà còn phổ biến ở nhiều nước phát triển khác. Ví dụ, mặc dù Vương quốc Anh xếp vị trí thứ 12 (nghe có vẻ tốt hơn so với Mỹ) trong nghiên cứu đề cập đến ở trên của OECD, một cuộc khảo sát gần đây do Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh thực hiện đã cho thấy sự giảm sút trong các tiêu chuẩn giảng dạy môn Hoá học. Đây một phần có thể là hậu quả của tình trạng đáng tiếc đang diễn ra, rằng ở nhiều trường công lập của Vương quốc Anh, khoa học tự nhiên chỉ được dạy dưới dạng một môn học duy nhất, khác xa với các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy toàn diện và chuyên sâu ở những quốc gia đứng đầu, chẳng hạn như Phần Lan, Nhật Bản, Hong Kong và Hàn Quốc.

Có nhiều yếu tố góp phần vào một nền giáo dục khoa học tự nhiên tốt: giáo viên có trình độ được đào tạo theo tiêu chuẩn kiến ​​thức khoa học mới nhất, chương trình giảng dạy toàn diện giúp cung cấp cái nhìn tổng quan về các ngành khoa học tự nhiên và hỗ trợ tư duy sáng tạo, phòng thí nghiệm trường học được trang bị tốt, nơi học sinh có thể học khoa học một cách thực tế, và sách giáo khoa tốt có khả năng minh họa các khái niệm khoa học một cách phù hợp và thú vị.

Tầm quan trọng của những tiêu chí này đối với việc giáo dục khoa học tốt tại các trường học chắc chắn đều đã được các tổ chức giáo dục nhận thức rõ. Thật không may, vấn đề đối với nhiều trường vẫn là phải làm sao có đủ kinh phí để hiện thực hoá những lý tưởng đó. Tình trạng “gần như thảm hoạ” ở Mỹ, trong đó ngày càng có nhiều giáo viên xin nghỉ việc, chỉ là một trong số những trường hợp có thể kể ra.

Có một yếu tố quan trọng khác dẫn đến một nền giáo dục khoa học tự nhiên thành công: thu hút học sinh quan tâm đến chủ đề này. Khoa học tự nhiên, đặc biệt là trong khoa học vật lý, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày, như các ngành luật hoặc kinh tế. Có lẽ rất ít học sinh thậm chí có được hiểu biết cơ bản về việc có bao nhiêu thành tựu khoa học đã trở thành yếu tố cốt lõi của các sản phẩm hiện đại như điện thoại thông minh hay các thiết bị lưu trữ dữ liệu mật độ cao.

Vì vậy, việc truyền đạt kinh nghiệm nghiên cứu các lĩnh vực khoa học tự nhiên và đam mê với nghiên cứu khoa học hiện đại là rất quan trọng. Chẳng hạn, một trong những cách để hiện thực hoá điều này là tổ chức các hội chợ khoa học tại các trường trung học, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, các cuộc thi Olympic khoa học quốc tế và các cuộc triển lãm như Strange Matter, do Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu tổ chức, hay PhysiScope, được sáng lập tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ). Trong khuôn khổ các sáng kiến này, thanh thiếu niên trải nghiệm các thí nghiệm thực tế tập trung vào các khái niệm khoa học tiên tiến như chất siêu dẫn. Các thí nghiệm được tiến hành bởi các nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Sau Tiến sĩ tại Khoa Vật lý, để sinh viên có cơ hội tiếp cận và thực hành tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Còn nơi nào tốt hơn để truyền cảm hứng cho sinh viên với công việc của các nhà khoa học ngoài những cơ sở như vậy?

Mặc dù để duy trì các sáng kiến ​​như PhysiScope, cần có nguồn lực và cam kết tài chính dài hạn đáng kể, nhưng không nên đánh giá thấp tác động của nó. Sự đổi mới và tiến bộ công nghệ đòi hỏi một lực lượng lao động được đào tạo và có hiểu biết vững chắc về các nguyên lý khoa học; và nếu chúng ta muốn thúc đẩy các học sinh có năng khiếu theo đuổi sự nghiệp học tập trong các ngành khoa học tự nhiên, chúng ta cần truyền cảm hứng và đánh thức trí tò mò của các em.

Do đó, một chiến lược tốt cho giáo dục khoa học không chỉ gói gọn trong vấn đề tài chính. Để kích thích sự quan tâm của các em tới sự nghiệp nghiên cứu khoa học sau này, học sinh cần được khuyến khích và hỗ trợ ngay từ khi còn nhỏ. Các chương trình cộng đồng như trên là rất cần thiết, và nhiệm vụ của các nhà khoa học là giáo viên phổ thông bắt đầu sớm hơn nhiều so với các trường đại học.

Vân An lược dịch

Nguồn

Lessons in science education (2009). Nature Materials.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Thi Olympic Khoa học và vấn đề truyền cảm hứng cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ngoài tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn