Đề tài nghiên cứu, với tiêu đề “Identifying the training needs of Heads of Department in a newly established university in Vietnam” (Xác định nhu cầu đào tạo các trưởng bộ môn tại những trường đại học mới thành lập ở Việt Nam), dựa trên một công trình trước đó sử dụng khung khái niệm Scott Coates và Anderson’s (2008) về năng lực lãnh đạo ở giáo dục đại học để làm cơ sở cho việc phân tích dữ liệu. Nghiên cứu này có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo giúp cho đông đảo bạn đọc, nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, các Trưởng bộ môn tại các trường đại học nâng cao chất lượng được hoạt động của họ, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, nơi yếu tố này chưa được chú trọng đúng mức, như Việt Nam. Theo đó, các tác giả của nghiên cứu tìm hiểu về nhu cầu đào tạo Trưởng bộ môn ở trường đại học mới được thành lập với tư cách là bước khởi đầu của chương trình phát triển chuyên môn cho các Trưởng bộ môn.
Nghiên cứu cho thấy nhu cầu đào tạo của các Trưởng bộ môn đến từ tất cả năm lĩnh vực năng lực của Scott et al (2008), đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra nhu cầu đào tạo của Trưởng bộ môn vừa dựa trên bối cảnh vừa dựa trên năng lực. Việt Nam là một trong số các quốc gia đang phát triển được coi là một ví dụ điển hình về hệ thống giáo dục đại học đang phát triển nhanh chóng về số lượng. Theo đó, tại Việt Nam, số lượng các cơ sở giáo đại học mới được thành lập và các cơ sở được nâng cấp đều tăng mạnh kể từ sau năm 1986, khi Chính phủ Việt Nam tiến hành xây dựng hệ thống giáo dục đại học. Bên cạnh những tác động tích cực mà sự phát triển nhanh chóng của các sở giáo dục đại học mới được thành lập này đem lại, thì sự phát triển này cũng làm nảy sinh nhiều bất cập và thách thức cho hệ thống, không những về nguồn lực mà cả về vật lực. Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của cả hệ thống và cơ chế của Việt Nam là phải phát triển năng lực nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ năng lãnh đạo và quản lý đối với những người ra quyết định về chính sách.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá nhu cầu đào tạo nhằm xác định khoảng cách giữa năng lực lãnh đạo hiện tại và mong muốn của họ. Đồng thời, các tác giả sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu bằng cách phỏng vấn những người có liên quan. Nghiên cứu sử dụng khung phân tích dữ liệu của Scott và cộng sự (2008), từ đó đưa ra bảng tổng hợp nhu cầu đào tạo của các Trưởng bộ môn và một số quan điểm thảo luận.
Nhu cầu đào tạo quan trọng nhất đối với các Trưởng bộ môn là vấn đề năng lực chung, tức là những nhân sự giữ vị trí này cần tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng quản lý tổng quát, nắm được các nguyên tắc giao tiếp hiệu quả, và đặc biệt là cách thể hiện rõ tầm nhìn và lập kế hoạch một cách chiến lược và bài bản. Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo các Trưởng bộ môn cũng dựa trên bối cảnh - nhóm nhu cầu đào tạo này có sự khác biệt tương đối so với những nhu cầu đào tạo được xác định bởi năm lĩnh vực năng lực.
Nghiên cứu là một tư liệu hữu ích đối với các độc giả, những người quan tâm, đặc biệt các Trưởng bộ môn trong bối cảnh sự đổi thay nhanh chóng của giáo dục đại học trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Vũ Thị Tuyết Minh lược dịch
Tài liệu tham khảo
Nguyen, T. L. H. (2012). Identifying the training needs of Heads of Department in a newly established university in Vietnam. Journal of Higher Education Policy and Management, 34(3), 309-321. DOI: 10.1080/1360080X.2012.678730.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.