Kỹ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Tổng quan nghiên cứu (Literature review)

Phần Tổng quan nghiên cứu (Literature review) được coi là phần khó viết nhất trong khi viết một bài báo khoa học. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hữu Cương về viết phần Tổng quan nghiên cứu (Literature review) của một bài báo khoa học, bao gồm: mục đích, cấu trúc và các bước để xây dựng phần Tổng quan nghiên cứu. 

Trong phần Tổng quan nghiên cứu, tác giả cần trình bày cơ sở lý luận cốt lõi của nghiên cứu (theoretical core of an article). Phần Tổng quan nghiên cứu là sự trình bày, phân loại và đánh giá những nghiên cứu khác đã viết gì về một chủ đề cụ thể (Belcher, 2019). Từ “Literature review” có nghĩa là xem xét lại những bài viết có trước để đưa ra quan điểm, “literature” = specialist texts/ information written by experts, “review” (re + view) = think again.

Mục đích của phần Tổng quan nghiên cứu là:

- Xem xét lại những nhà nghiên cứu khác đã có những nghiên cứu/phát hiện gì về một lĩnh vực cụ thể;

- So sánh và đối chiếu quan điểm các tác giả khác nhau về một vấn đề;

- Nhóm hoặc phân loại những vấn đề mà các nhà nghiên cứu rút ra kết luận giống nhau;

- Lưu ý các vấn đề mà các nhà nghiên cứu còn bất đồng;

- Chỉ ra những khoảng trống trong nghiên cứu;

- Xác định và giới hạn vấn đề bạn muốn nghiên cứu;

Đặt nghiên cứu của bạn trong bối cảnh với các nghiên cứu hiệu tại (rất quan trọng) (Davies & Beaumont, 2011; USC Libraries, n.d.).

Một phần Tổng quan nghiên cứu tốt không chỉ tóm tắt lại những công trình nghiên cứu trước đây. Trong Tổng quan nghiên cứu, bạn phải đánh giá có phê phán (critically evaluate), tổ chức lại (re-organise) và phân tích tổng hợp (synthesise) những công trình nghiên cứu của những người khác (Belcher, 2019).

Do đó, để viết tốt được và viết tốt phần Tổng quan nghiên cứu, bạn cần đọc sâu và rộng. Lưu ý, bạn cần tìm những bài viết cập nhật nhất (trong vòng 3-5 năm) liên quan đến vấn đề mà bạn nghiên cứu và trước tiên nên tìm ở tạp chí bạn dự định gửi bài.

Cấu trúc của một phần Tổng quan nghiên cứu có thể được trình bày như sau:

- Tổng quan về chủ đề, vấn đề hoặc lý thuyết đang được xem xét, cùng với các mục đích của phần Tổng quan nghiên cứu;

- Các định nghĩa/khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu;

- Phân loại các nghiên cứu thành các chủ đề hoặc danh mục (ví dụ: các nghiên cứu hỗ trợ một vị trí cụ thể, những nghiên cứu đối lập và những nghiên cứu đưa ra phương pháp thay thế hoàn toàn);

- Giải thích, đánh giá về mỗi nghiên cứu giống nhau hoặc khác nhau như thế nào;

- Kết luận về phần nào được xem xét tốt nhất trong tranh luận, có sức thuyết phục nhất và có đóng góp lớn nhất cho sự hiểu biết và phát triển về lĩnh vực nghiên cứu (USC Libraries, n.d.).

Như vậy, có thể xây dựng phần Tổng quan nghiên cứu theo 4 bước như sau:

Bước 1. Xây dựng vấn đề - chủ đề hoặc lĩnh vực nào đang được xem xét và vấn đề thành phần của nó là gì?

Bước 2. Tìm kiếm tài liệu - tìm tài liệu liên quan đến chủ đề đang được nghiên cứu.

Bước 3. Đánh giá dữ liệu - xác định tài liệu nào đóng góp đáng kể vào sự hiểu biết về chủ đề này.

Bước 4. Phân tích và giải thích - thảo luận về những kết quả và kết luận của những nghiên cứu thích hợp (USC Libraries, n.d.).

Phần Tổng quan nghiên cứu có thể được trình bày: theo trình tự các sự kiện, theo thời gian xuất bản các công trình nghiên cứu, theo chủ điểm, theo phương pháp nghiên cứu và theo cách thức riêng của bạn.

Khi bạn viết phần Tổng quan nghiên cứu, bạn lần lưu ý: sử dụng bằng chứng, chỉ chọn những điểm quan trọng nhất trong mỗi nguồn tài liệu để làm nổi bật phần tổng hợp, sử dụng trích dẫn trực tiếp “…” một cách hợp lý, tóm tắt và tổng hợp, giữ giọng văn của riêng bạn, và luôn nhớ trích dẫn khi diễn giải (paraphrasing) ý kiến của các nhà nhiên cứu khác (USC Libraries, n.d.).

Lưu lý là phần Tổng quan nghiên cứu thường chiếm ¼ (một phần tư) bài báo. Như vậy, với bài viết có độ dài 4000-8000 từ thì phần Tổng quan nghiên cứu có thể có độ dài tương ứng là 1000-2000 từ.

 

Tài liệu tham khảo

Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: A guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.

Davies, W. M., & Beaumont, T. J. (2011). Literature review. Parville: The University of Melbourne. https://library.unimelb.edu.au/__data/assets/pdf_file/0008/1924109/Literature_Review.pdf

USC Libraries. (n.d.). Organizing your social sciences research paper. https://libguides.usc.edu/writingguide/literaturereview

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36) 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Kỹ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Tổng quan nghiên cứu (Literature review) tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19