Tăng cường lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet” được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung cơ bản nhằm tăng cường lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử.

 

Theo đó, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đaọ, quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp được tăng cường, phát huy hiệu lực, hiệu quả rõ rệt; ý thức chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước của các cơ quan báo chí có chuyển biến tích cực, thực hiện nghiêm túc, đi vào thực chất; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí. Nhìn chung, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào thành công chung của Đài hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đóng góp quan trọng vào thành công trong công tác tuyên giáo của Đảng, vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông, công tác báo chí, truyền thông vẫn còn một số hạn chế, bất cập, trong đó có hạn chế, bất cập, những vấn đề mới phát sinh cần được giải quyết kịp thời. Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo còn phân tán, chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; thông tin chưa bám sát tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí, nhiệm vụ chính trị, nhất là chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội, lan tỏa các hành động tích cực, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến… Công tác quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên vẫn chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, vẫn để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp người làm báo, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động báo chí và những người làm báo chân chính. Những vấn đề đó đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập”.

Nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy những kết quả đạt được, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet” được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các kết luận, chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và các thông báo kết luận liên quan đến hoạt đông báo chí, truyền thông thời gian qua.

Thứ hai, tiếp tục triền khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ. Tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch báo chí sau hơn 2 năm triển khai (trong đó tập trung vào những vấn đề như: thực chất hoạt động của các cơ quan báo chuyển thành tạp chí; việc thực hiện các nội dung quy định trong giấy phép hoạt động; ý thức chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin;…)

Thứ ba, chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung rà soát, đánh giá và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí và của doanh nghiệp; tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chức năng, cơ quan có liên quan tăng cường rà soát kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp của doanh nghiệp, xử lý nghiêm, cần thiết phải thu hồi giấy phép hoạt động nếu có nhiều sai phạm; quan tâm công tác hậu kiểm, nhất là về hình thức, nội dung thông tin của các trang thông tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp; rà soát đánh giá tỷ lệ tin bài tích cực/tiêu cực trên một số trang thông tin điện tử tổng hợp có nhiều người theo dõi.

Thứ tư, tăng cường rà soát, đánh giá hoạt động các chuyên trang của báo điện tử, trang thông tin điện tử sau cấp phép; việc thực hiện hiện các quy định trong giấy phép hoạt động chuyên trang; làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm; thẩm định, đánh giá năng lực thực sự của các cơ quan báo chí khi đề nghị mở nhiều chuyên trang.

Thứ năm, chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiến hành đánh giá, tổng kết mô hình hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; những kết quả đạt được; những vấn đề cần quan tâm; từ đó nghiên cứu, đề xuất mô hình báo chí phù hợp.

Thứ sáu, về việc cấp giấy phép thành lập cơ quan báo chí mới có thêm loại hình báo chí cho các cơ quan, tổ chức đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và Nhà nước về báo chí và phù hợp với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thẩm định hồ sơ, đề án đúng quy trình, bảo đảm chặt chẽ, kỹ lưỡng, khoa học, bài bản, nhất là về nhu cầu thực sự cũng như năng lực triển khai đề án của cơ quan, tổ chức.

Nguồn: https://abei.gov.vn

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn