Xuất bản sách không còn chỗ đứng trong cuộc chạy đua xếp hạng đại học

Các bảng xếp hạng trường đại học, sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục để nhận quỹ hỗ trợ tài chính, và sự xuất hiện của sinh viên quốc tế đang làm thay đổi bức tranh nghiên cứu của các trường. Các nhà khoa học đang chịu áp lực ngày càng lớn để giành các quỹ tài trợ và việc xuất bản các bài báo khoa học trên các tạp chí dường như là một phương án chiến lược đem lại hiệu quả cao hơn so với xuất bản sách.

Điều này lại càng trở thành áp lực nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19, khiến các trường đại học đang mất đi hàng tỷ USD doanh thu.

Sự dịch chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”

Các trường đại học tại Australia bắt đầu thống kê chi tiết các sản phẩm nghiên cứu khoa học cho chính phủ từ những năm 1990, nhằm giúp cơ quan quản lý có căn cứ để phân bổ các nguồn tài trợ nghiên cứu. Năm 2001, một bài báo khoa học đã qua phản biện “đáng giá” hơn 3.000 đô-la Úc (AUD) tiền tài trợ cho trường đại học. Trong khi đó, một cuốn sách được “định giá” 15.000 AUD.

Tuy nhiên, hệ thống này đã bộc lộ nhiều kẽ hở. “Càng xuất bản nhiều càng tốt” trở thành xu thế ở Australia lúc bấy giờ. Các nhà nghiên cứu như có một “cái cớ” để tăng cường xuất bản những bài viết chất lượng thấp ở các tạp chí uy tín thấp, chỉ nhằm đạt đủ “sản lượng”. Đến năm 2016, chính phủ Australia dừng cấp kinh phí tài trợ dựa trên “số lượng” hay “chất lượng” bài báo. Từ đó, các trường đại học chuyển sang “khuyến khích” các nhà khoa học của mình xuất bản các tác phẩm “chất lượng” hơn, trên các tạp chí uy tín hơn, để nâng hạng.

(Ảnh: cherryhillwaste)

Nhà khoa học cũng thành “nhà gây quỹ”

Mặc dù các trường đại học vẫn quan tâm đến các nghiên cứu chất lượng cao, nhưng sự thay đổi trong cơ chế tài trợ đã gây áp lực lên các nhà khoa học phải đi tìm tài trợ và duy trì nguồn tiền đó. Việc xuất bản khoa học sau đó đã chuyển từ “xuất bản vì khoa học”, vì chính nội dung của tác phẩm, sang “xuất bản vì tiền tài trợ”.

Các nhà tài trợ, ở chiều ngược lại, kỳ vọng các nhà nghiên cứu phải chứng minh được rằng các công trình của họ có tác động thực tế đến xã hội một cách có thể đo lường được. Và lý tưởng nhất, các nhà khoa học sẽ xuất bản công trình của họ trên các tạp chí truy cập mở, để tăng cường số lượt truy cập sản phẩm nghiên cứu của họ.

Chất lượng khoa học và tác động xã hội - Yếu tố nào quan trọng hơn?

Các nhà khoa học bị “mắc kẹt” giữa một bên là áp lực phải xuất bản công trình của họ trên các tạp chí uy tín, một bên là việc phải chứng minh tác động của họ đối với xã hội trên quy mô rộng hơn. Khoa học xã hội và nhân văn là một trong những ngành chịu áp lực này một cách nặng nề nhất.

Nhiều nhà khoa học tham gia trả lời khảo sát trong nghiên cứu của chúng tôi đã mô tả quy trình đánh giá sản phẩm nghiên cứu của trường đại học của họ dường như “thiên” về cách thức thống kê trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và y dược. Các chỉ số trích dẫn thường được sử dụng làm thước đo chất lượng các nghiên cứu trong những lĩnh vực này. Trong khi đó, các cuốn sách thường không được (hoặc rất ít khi) thống kê trong các cơ sở dữ liệu về trích dẫn.

(Ảnh: theconversation)

Nhiều nhà khoa học cho rằng cơ quan của họ đã hạ thấp giá trị của việc xuất bản sách để đề cao các bài báo khoa học trên các tạp chí. Bên cạnh đó, việc tập trung vào công bố quốc tế cũng đồng nghĩa với việc một số ngành sẽ thường đạt thứ hạng cao hơn các ngành khác. Một số nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực “Australia học” cho biết họ cảm thấy các trường đang hạ thấp giá trị các công trình của họ.

Các tác giả của nghiên cứu này cũng nhận thấy số lượng các danh sách “xếp hạng tạp chí” hoặc “các nhà xuất bản nên lựa chọn” được các trường đại học tạo ra và phân phối trong nội bộ ngày càng nhiều. Những danh sách này có tác dụng “làm rõ” ý nghĩa của cụm từ “chất lượng” bằng cách xác định trước những nơi mà các nhà nghiên cứu nên gửi công trình của họ tới.

Có thể thấy, ngày càng có nhiều yếu tố khiến các nhà khoa học và các nhà quản lý các trường đại học phải tăng cường “chất lượng” xuất bản học thuật, và một trong những biểu hiện rõ ràng là sự “ưu tiên” được dành cho các bài báo trên các tạp chí khoa học, thay vì xuất bản một chương sách (chứ chưa nói đến cả một… cuốn sách!)

Vân An lược dịch

Nguồn

Misha Ketchell (2021). Book publishing sidelined in the game of university measurement and rankings. The Conversation.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Xuất bản sách không còn chỗ đứng trong cuộc chạy đua xếp hạng đại học tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn