Nâng cao chất lượng đào tạo từ việc xây dựng đơn vị học tập trong trường đại học

Ngày 22/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội thảo góp ý bộ tiêu chí đơn vị học tập dành cho các trường đại học. Cùng dự có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, đại diện Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, một số chuyên gia và lãnh đạo 5 trường đại học tham gia thí điểm đơn vị học tập.
 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội thảo

Vai trò tiên phong của trường đại học trong cung ứng cơ hội học tập suốt đời

Năm 2007, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp sau đó, nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cũng đã được ban hành, tạo đột phá để đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, những năm qua, Bộ GDĐT đã ban hành một số văn bản chỉ đạo quan trọng về xây dựng công dân học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập… Đây là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên một xã hội học tập. Trong việc chia sẻ tri thức, cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng một nền giáo dục chất lượng cho toàn dân, các trường đại học đóng vai trò tiên phong. Tuy nhiên, các Thông tư quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập hiện nay lại chưa bao quát đối tượng áp dụng là các đơn vị sự nghiệp như trường học, doanh nghiệp.

Do đó, Bộ GDĐT xác định cần thiết xây dựng thí điểm đơn vị học tập trong các trường đại học, nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò và sự tham gia của các trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn dân. Để hoạt động này triển khai hiệu quả, tiến tới áp dụng rộng rãi, Bộ GDĐT xây dựng bộ tiêu chí khung để đánh giá, xếp loại đơn vị học tập trong cơ sở giáo dục đại học và dự kiến triển khai thí điểm đơn vị học tập tại 5 trường đại học.

Đồng quan điểm trường đại học phải là tiên phong trong việc chia sẻ tri thức, cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, nhất thiết cần xây dựng đơn vị học tập trong môi trường này. Tuy nhiên, bởi đặc thù sẵn có là cơ sở đang thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nên đơn vị học tập trong trường đại học phải có tiêu chí và cách đánh giá khác, yêu cầu cao hơn. Song song với việc việc nâng cao chất lượng giáo dục cho toàn dân thì mục tiêu nội tại và quan trọng khi xây dựng đơn vị học tập trong trường đại học là phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của trường để đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của người học.

Giáo dục đại học sẻ chia - mấu chốt trong xây dựng đơn vị học tập ở trường đại học

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết: Những bước tiến về chất lượng và quy mô của trường có liên quan mật thiết đến việc xây dựng xã hội học tập mà trường đặc biệt quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Theo đó, nhà trường đã nỗ lực thay đổi thói quen, văn hoá học tập cho sinh viên, giảng viên, hướng tới việc học tập suốt đời. Từ việc cứ định kỳ tới mùa thi, sinh viên mới chú tâm học tập, thì trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM yêu cầu các em hàng tuần phải hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể.

Ngoài ra, trường thường xuyên tổ chức khoá học trực tuyến đại chúng mở (Mooc); đầu tư và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Không chỉ chú trọng phát triển đơn vị học tập trong cơ sở giáo dục của mình, trường còn mở rộng phát triển tới các trường phổ thông, thông qua việc tổ chức sân chơi nghiên cứu khoa học cho học trò.

Việc chia sẻ học liệu cũng được trường đại học này quan tâm thực hiện, tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên các đại học khác có thể thoải mái tiếp cận. “Giáo dục đại học sẻ chia là mấu chốt trong xây dựng đơn vị học tập ở các cơ sở giáo dục đại học”, ông Dũng cho hay.

Đồng quan điểm về vai trò quan trọng của việc xây dựng cộng đồng học tập và xu hướng giáo dục mở mà các cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, trường đại học VinUni từ khi thành lập đã chú trọng hình thành, thúc đẩy văn hoá học tập suốt đời và tạo cơ chế để giảng viên, sinh viên được học tập mọi lúc, mọi nơi. Mỗi giảng viên của trường được đầu tư một quỹ phát triển cá nhân để học các khoá nâng cao năng lực theo nhu cầu phát triển. Hình thức học tập cho sinh viên kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Trường thường xuyên tổ chức các bài giảng mở, bài giảng đại chúng cho bất cứ giảng viên, sinh viên của trường đại học nào khác, cũng có thể tham gia.

Việc chia sẻ nguồn học liệu còn được đơn vị này mở rộng đến cả bậc phổ thông, với việc miễn phí truy cập hệ thống học tập số về giáo STEM E – platform, để giáo viên, học sinh có thể nghiên cứu, học hỏi.

“Một trong những điều mà phần lớn trường đại học Việt Nam đang thiếu là phân chia sinh viên thành các nhóm nhỏ để học tập trên trong những môi trường khác nhau. Giảng đường chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động học tập ngày nay. Bên cạnh đó, các trường cần chú trọng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên và mở rộng cơ hội để người học được tương tác, học tập và hội nhập với bạn bè thế giới”, một sinh viên đang theo học song song 2 trường đại học là VinUni và Cornell (Mỹ) phát biểu tại Hội thảo. Theo em, đây là hai trong số những yêu cầu quan trọng trường đại học phải thực hiện để xây dựng đơn vị học tập. Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập trong trường đại học cần chú trọng nội dung này, cũng như bổ sung một số tiêu chí khác liên quan trực tiếp đến sinh viên.

Các ý kiến tham dự Hội thảo đã thống nhất khung tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập trong trường đại học theo 3 nhóm tiêu chí lớn. Trước hết là điều kiện để xây dựng đơn vị học tập, gồm cả điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng công nghệ; các chính sách cụ thể nhằm đồng viên thành viên học tập. Nhóm tiêu chí thứ hai là về kết quả học tập của các thành viên trong trường, bao gồm cả lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức... Nhóm tiêu chí thứ ba là hiệu quả, tác động của xây dựng đơn vị học tập tới các thành viên trong trường, sinh viên, và các đơn vị khác, cộng đồng.

Trong nhóm tiêu chí thứ ba, nội dung về xây dựng và chia sẻ tài nguyên học liệu mở góp phần cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; các hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng với các đơn vị khác… được đề xuất tăng trọng số điểm khi đánh giá, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các trường đại học với sự nghiệp xây dựng xã hội học tập toàn dân.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng đào tạo từ việc xây dựng đơn vị học tập trong trường đại học tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19