Chỉ số Altmetrics và những lợi ích trong nghiên cứu khoa học

Thuật ngữ ‘altmetrics’ (alternative metrics - các chỉ số thay thế) được đặt ra đầu tiên trong một tweet vào năm 2010. Từ đó, sự phổ biến và phát triển của nó sau đó ngày càng bùng nổ.

Altmetrics - Các chỉ số thay thế

Thuật ngữ ‘altmetrics’ (alternative metrics - các chỉ số thay thế) được đặt ra đầu tiên trong một tweet vào năm 2010. Từ đó, sự phổ biến và phát triển của nó sau đó ngày càng bùng nổ. Không có định nghĩa tuyệt đối nào về thuật ngữ này, chúng ta có thể hiểu altmetrics là:

Mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu được đo lường xét trên khía cạnh hoạt động trực tuyến, được khai thác hoặc thu thập từ các công cụ trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội (số lượng tweet, được nhắc đến, chia sẻ, liên kết, tải xuống, nhấp chuột, lượt xem, nhận xét, xếp hạng, người theo dõi, v.v.);

Chỉ số cho các đầu ra nghiên cứu thay thế, như số trích dẫn cho bộ dữ liệu;

Một cách thức mới để đo lường tác động của nghiên cứu.

Lợi ích altmetrics mang đến cho nghiên cứu bao gồm:

Đưa ra một phương pháp tích lũy nhanh hơn so với các chỉ số trích dẫn truyền thống;

Hoàn thiện bộ chỉ số trích dẫn truyền thống thông qua việc cung cấp một dạng chỉ số đa dạng hơn cho mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu;

Tạo cơ hội để có thể theo dõi trực tuyến sự hiện diện ngày càng tăng của dữ liệu, bản trình bày, phần mềm, tài liệu chính sách và các đầu ra nghiên cứu khác.

Dưới đây là một số công cụ trợ giúp việc sử dụng altmetrics cho nhân viên và sinh viên của Đại học Melbourne

1. Altmetric Explorer

Altmetric Explorer theo dõi các nguồn tài liệu trực tuyến từ năm 2012 đến nay, đối chiếu dữ liệu từ Web of Science, Scopus, Mendeley, Facebook, Twitter, Google+, LinkedIn, Wikipedia(tiếng Anh), YouTube, tài liệu chính sách công, blog và hơn thế nữa. Altmetric Explorer sử dụng đồ họa hình bánh donut, trực quan hoá việc xác định loại và lượng quan tâm mà kết quả nghiên cứu nhận được:

2. Chỉ số PlumX

PlumX tập hợp các chỉ số nghiên cứu cho tất cả các loại đầu ra nghiên cứu học thuật, được phân loại như sau:  

Usage: lượt nhấp chuột, tải xuống, xem, lưu giữ thư viện, phát video… 

Captures: lượng bookmark, code fork, đưa vào mục yêu thích, reader, watchers… 

Mention: bài đăng trên blog, nhận xét, đánh giá, liên kết Wikipedia, phương tiện truyền thông tin tức… 

Social Media: tweet, lượt thích trên Facebook, lượt chia sẻ… 

Citations: số trích dẫn(CrossRef/Scopus/Pubmed Central, v.v.), trích dẫn bằng sáng chế, trích dẫn lâm sàng, trích dẫn chính sách…

Trên Scopus cũng hiển thị chỉ số PlumX cho các bài báo(nếu có), tạo cơ hội cho người dùng đồng thời xem được các chỉ số thay thế cùng với các chỉ số trích dẫn truyền thống và chỉ số tác động theo trọng số trường Scopus(FWCT).

3. Impactstory

Impactstory là một nguồn mở về hồ sơ tác giả trên giao diện web. Chỉ số AltMetrics trên Impactstory giúp học giả đo lường và chia sẻ tác động của đầu ra nghiên cứu cho các kết quả nghiên cứu truyền thống (ví dụ: bài báo trên tạp chí), hoặc cho các kết quả nghiên cứu thay thế (như bài đăng trên blog, bộ dữ liệu và phần mềm). Hồ sơ Impactstory có thể được đăng ký miễn phí qua tài khoản Twitter, sau đó liên kết các hồ sơ khác như ORCID và Google Scholar, PubmedID, DOIs, web URL, Slideshare và Github. Từ đó, Impactstory giúp học giả một cái nhìn tổng quan (overview) về sự quan tâm của cộng đồng đến bộ hồ sơ đã đồng bộ hoá của mình. Thông tin từ Impactstory có thể được xuất cho mục đích cá nhân.

4. Thư viện Khoa học Công cộng - Chỉ số Mức độ Bài viết (PLOS ALM)

Nếu nhà nghiên cứu xuất bản công trình của mình trong lĩnh vực khoa học sự sống, PLOS ALM giúp định hướng hiểu biết về ảnh hưởng và tác động của nghiên cứu trước khi tích lũy các trích dẫn học thuật:

Tất cả các bài báo trên tạp chí PLOS đều hiển thị PLOS ALM - các thước đo định lượng kết hợp cả các chỉ số học thuật và xã hội, ghi lại cách thức nhà khoa học và công chúng cùng tham gia tương tác với nghiên cứu đã xuất bản.

Chỉ số PLOS ALM hiển thị ở tab số liệu trên mỗi bài báo đã xuất bản. 

Các nhà nghiên cứu có thể dùng ALM Reports để được hỗ trợ trong việc tìm các công trình nghiên cứu quan trọng và có ảnh hưởng nhất đã xuất bản.

5. Những lưu ý trong quá trình sử dụng altmetrics:

Các chỉ số thay thế altmetrics có một số lợi thế so với hệ số trích dẫn truyền thống: altmetrics nhanh tích lũy hơn, ghi lại sự chú ý và ảnh hưởng phi học thuật và được sử dụng để theo dõi sự quan tâm tới các đầu ra nghiên cứu phi truyền thống. Tuy nhiên, altmetrics không đả động tới mặt ‘chất lượng’ của nghiên cứu. Mỗi nhà nghiên cứu cần cả hai loại chỉ số - truyền thống và thay thế - để có được bức tranh đầy đủ về tác động của nghiên cứu.

Vẫn cần có các thao tác thủ công để đánh giá dữ liệu định tính cơ bản tạo nên các chỉ số (ai đang nói gì về nghiên cứu). 

Mặc dù các chỉ số thay thế rất hữu ích trong việc xác định ‘xu hướng’ nghiên cứu, altmetrics vẫn chưa chứng minh được nó là công cụ chỉ báo cho sự tác động lâu dài và bền vững 

Altmetrics bị hạn chế nhiều trên các kết quả nghiên cứu không phải bằng tiếng Anh.

Bích Ngọc dịch

Theo: EdLab Asia

Nguồn

Georgina Binns & Fransie Naudé (November 13, 2017). Thing 23: Altmetrics. The University of Melbourne Library Blog.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

 

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số Altmetrics và những lợi ích trong nghiên cứu khoa học tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19