Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: “Gỡ khó” cho giáo viên

Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức.
Theo chia sẻ của nhà giáo, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, tránh tạo áp lực cho nhà giáo. Ảnh: Q. NgữTheo chia sẻ của nhà giáo, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, tránh tạo áp lực cho nhà giáo. Ảnh: Q. Ngữ

Theo chia sẻ của các đại biểu, việc thực hiện chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện nay còn nhiều vướng mắc. 

Vướng mắc

Thời gian qua, nhiều giáo viên ở Tiền Giang tự đầu tư kinh phí đi học chứng chỉ nghề nghiệp nhưng do không nắm rõ tiêu chuẩn nên học rồi không được giữ hạng cho chuẩn chức danh nghề nghiệp mới; hay học nhầm chứng chỉ. Không ít đơn vị không đủ thẩm quyền cũng mở các lớp học và cấp chứng chỉ nhưng không sử dụng được, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của giáo viên…

Tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), có giáo viên Tin học dạy THCS hạng II xuống dạy tiểu học. Tuy nhiên, theo quy định bậc học này không có môn Tin học nên khó khăn trong việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp. Một số huyện của tỉnh Tiền Giang do thừa giáo viên THCS nên luân chuyển xuống dạy tiểu học nhưng đến nay chưa thể bố trí đúng vị trí việc làm…

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Trưởng phòng Quản lý viên chức, Sở Nội vụ (Tiền Giang): Chứng chỉ về chức danh nghề nghiệp không phải là yêu cầu riêng với ngành Giáo dục mà còn với các ngành khác. Người đứng đầu cơ sở giáo dục cần quán triệt nội dung các Thông tư để kịp thời giải thích cho giáo viên khi thắc mắc. Giáo viên xếp theo hạng trong Thông tư mới tuy bị tụt hạng nhưng không bị giảm lương.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, sở yêu cầu các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư mới.

Các cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng kế hoạch, sắp xếp, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng. Cần xác định trình độ đào tạo, hạng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đồng thời khuyến cáo giáo viên không tham gia khóa học tập, bồi dưỡng online do các đơn vị không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí.

GV thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) tham gia lớp học nâng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: CTV

Cần có lộ trình

Theo chia sẻ của nhiều nhà giáo, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần phải xuất phát từ thực tiễn. Cần có lộ trình, bảo đảm  theo yêu cầu Chương trình GDPT mới; tránh tạo áp lực trong việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo.

Ông Nguyễn Phương Toàn giải thích: Giáo viên muốn giữ hạng phải đáp ứng tất cả  tiêu chuẩn. Mỗi trường chỉ có 15% giáo viên hạng II, 5% hạng I, còn lại là hạng III, hạng IV (tùy bậc học). Trường hợp giáo viên dạy tiểu học có bằng ĐH, CĐ sư phạm 1 môn phải chuyển về đúng bậc được đào tạo hoặc gởi đào tạo lại.

Trước mắt, các cơ sở giáo dục tham mưu cho UBND cấp huyện, công bố hộp thư và đường dây nóng để giải đáp thắc mắc cho giáo viên. Hiệu trưởng các trường xây dựng đề án vị trí việc làm. Lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp báo cáo cơ quan thẩm quyền hoàn thành trước ngày 28/5; báo cáo kết quả bổ nhiệm trước ngày 15/6…

Tại TP Cần Thơ, triển khai yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên đã chủ động đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng. Đội ngũ giáo viên các trường cũng có phần lo lắng, gặp khó khăn khi vừa công tác chuyên môn, lại phải dành thời gian học chứng chỉ, chưa kể tham gia bồi dưỡng chuyên môn theo chương trình mới.

Theo ý kiến của cán bộ, giáo viên trên địa bàn TP Cần Thơ, việc bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần chậm mà chắc. Trước hết, cần hành lang pháp lý ổn định, quy định cụ thể và có lộ trình để nhà trường, giáo viên chuẩn bị, thực hiện. Tránh việc gây áp lực không đáng có, nhất là giáo viên không nên đổ xô đi học thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Các giáo viên đều cho rằng việc học, nâng cao trình độ với mỗi giáo viên là tất yếu. Từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, việc học lại những điều đã học, đã biết và tốn thời gian, ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), có thể thay thế bằng những nội dung cần cập nhật trong nghiệp vụ giáo viên vào việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên hàng năm. Vì để trở thành giáo viên họ đã được trải qua quá trình học tập và đào tạo sư phạm. Chương trình GDPT mới cũng yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn. Thông qua những mô - đun tập huấn rất cụ thể về chủ trương, đường lối, trang bị và cập nhật những phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực...

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chỉ nên áp dụng khi tuyển dụng những giáo viên mới hay thăng hạng. Những giáo viên đang giữ hạng và giáo viên sắp về hưu nên xem xét miễn xét chức danh nghề nghiệp. - Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ)
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại
Bạn đang đọc bài viết Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: “Gỡ khó” cho giáo viên tại chuyên mục Tiêu điểm của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn