Tập trung học để hướng tới “mục tiêu kép”
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT và đề thi minh họa, em Trần Thị Ngọc Nhi, học sinh Trường THPT Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết cảm thấy rất yên tâm.
Nhi cho biết trước đó em có chút lo lắng vì học kỳ 2 năm lớp 11 bị dịch Covid-19 nên việc học bị ảnh hưởng. Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu địa phương lại tiếp tục bị dịch bệnh, nên phải tạm ngưng đến trường hơn 2 tuần.
Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi, cấu trúc đề nằm trong chương trình lớp 11 và không cho vào phần tinh giản học kỳ 2 năm lớp 11 nên em thở phào nhẹ nhõm.
“Em cùng các bạn đang tập trung hoàn thành học kỳ 2, thi học kỳ thật tốt để vào giai đoạn quan trọng là ôn thi. Vừa thi tốt nghiệp nhưng ‘mục tiêu kép’ hướng đến là xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên em và các bạn cố gắng hết sức. Vừa học, vừa ôn tập, vừa tìm hiểu cấu trúc đề minh họa và đề thi các năm trước để giải”, em Ngọc Nhi chia sẻ.
Tại TP Cần Thơ, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường vừa dạy học, vừa ôn tập kiến thức của học kỳ II năm học 2019 - 2020 do các em nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 dài ngày.
Các trường THPT trên địa bàn thành phố đã có sự chuẩn bị kế hoạch ôn tập, phân chia lớp, phân công giáo viên ôn thi và khung thời gian đã định sẵn. Theo chia sẻ của các giáo viên, trường đã xây dựng xong kế hoạch ôn thi và bố trí giáo viên có nhiều kinh nghiệm ôn thi cho học sinh. Tuy cấu trúc đề minh họa có tinh giản kiến thức, nội dung chủ yếu ở lớp 12 nhưng thầy cô luôn nhắc nhở học sinh không chủ quan.
Em Nhâm Huỳnh Ngân Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) chia sẻ: “Em rất tự tin mình đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT năm nay, mặc dù vậy em cũng không quá chủ quan trước kỳ thi. Ngoài thời gian ôn luyện chính khoá buổi sáng, em còn tham gia các lớp học tăng cường ôn buổi chiều tại trường. Dự định em thi vào ngành Sư phạm tiểu học, với 3 môn thi là Toán - Văn - Anh Văn. Trong đó riêng môn Toán em dành nhiều thời gian bổ sung kiến thức và làm bài tập”.
Biến áp lực thành hành động
Nhiều học sinh chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT không quá áp lực nhưng các em phải nỗ lực để đạt kết quả như ý. Có em đặt mục tiêu tốt nghiệp THPT; có em đặt mục tiêu hướng vào xét tuyển đại học, cao đẳng.
Chia sẻ về kế hoạch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, em Nguyễn Huỳnh Minh Tài, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) cho biết: “Em muốn ôn thi thật vững để đạt kết quả thật tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời lấy điểm của kỳ thi này để xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Đây là ngành nghề mà em đã định hướng từ năm lớp 10, nên em tập trung ôn luyện các môn học tự nhiên bằng việc học cuốn chiếu, vừa học kiến thức mới vừa ôn lại kiến thức cũ giúp em không bị quên kiến thức cũ và củng cố kiến thức tốt hơn…”.
Sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới, em Trần Thị Ngọc Nhi, học sinh Trường THPT Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết việc tổ chức ôn tập thường xuyên, có sự điều chỉnh cho phù hợp đã giúp em cùng các bạn chuẩn bị đầy đủ tâm lý, kiến thức, sẵn sàng cho kỳ thi. Các thầy cô tổ chức ôn tập, tuyên truyền đầy đủ về kỳ thi tốt nghiệp THPT và hướng nghiệp. Em tin rằng mình sẽ đạt được kết quả tốt nhất tại kỳ thi năm nay.
Bên cạnh học sinh, phụ huynh có con đang học lớp 12 cũng dành thời gian và sự quan tâm để con em ôn luyện, thi đạt kết quả tốt. Anh Phạm Tuấn Kiệt, phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) vẫn luôn theo sát lịch ôn tập của con.
Anh Kiệt cho biết: “Hằng ngày tôi luôn nhắc nhở và động viên con, không tạo áp lực nhưng cũng không để con chủ quan, lơ là trước kỳ thi sắp tới. Gia đình luôn nắm lịch ôn thi của con tại trường, ngoài việc hỗ trợ con, gia đình cũng luôn tạo tâm lý thoải mái, tránh gây áp lực cho con trong kỳ thi sắp tới”.
Đối với học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang có lời khuyên: “Có 3 việc quan trọng các em cần làm là tập trung cao độ cho việc ôn tập phục vụ kỳ thi tốt nghiệp sắp tới; nghiên cứu, viết hồ sơ thật kỹ cho việc dự tuyển ĐH, CĐ và giữ cho bản thân một tinh thần thật thoải mái, không áp lực”.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại