Ảnh hưởng của COVID-19 lên các trường đại học hàng đầu thế giới

“Đây là vấn đề phức tạp nhất tôi từng phải đối mặt”, Carol Christ, người đứng đầu Đại học California, Berkeley cho biết. Sẽ không quá lời khi nói rằng 2020 là một năm đầy biến động cho giáo dục đại học toàn cầu, nhìn theo một số góc độ, tương lai của lĩnh vực này có vẻ tăm tối.

Nhiều trường đại học Hoa Kỳ đã đóng cửa vô thời hạn hoặc sát nhập với các cơ sở khác. Nghiên cứu được công bố vào tháng Bảy của Viện nghiên cứu Tài chính cũng dự đoán rằng, xét về lâu dài, khoảng hơn 10 trường đại học ở Anh sẽ phá sản do ảnh hưởng của đại dịch, cụ thể là do thiếu đi khoản thu nhập từ tiền học của sinh viên quốc tế. Một hiệu trưởng ở Anh cảnh báo rằng nhiều trường đại học trong nước sẽ phải sẵn sàng cho việc bị giảm 50% thu nhập từ nước ngoài trong năm học tới, và một nghiên cứu công bố vào tháng Năm kết luận rằng xấp xỉ 21000 công nhân viên toàn thời gian ở các trường đại học đang nằm trong nguy cơ bị mất việc trước cuối năm nay, trong đó có ít nhất 7000 nhà nghiên cứu.

Cùng lúc đó, công việc của các cơ sở giáo dục đại học lại trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết. Mặc dù đương nhiên rằng tên tuổi các trường đại học hàng đầu vốn đã quen thuộc, nhưng hiện giờ, cả thế giới đang dõi theo các nghiên cứu về vắc-xin và điều trị coronavirus của họ. 

Không trường đại học nào ‘miễn nhiễm’ trước những thử thách tài chính và vận hành gây ra bởi đại dịch. Liệu rằng sự chú ý tới những nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu có giúp làm giảm đi những thiệt hại mà họ đang phải đối mặt? Bên cạnh đó, ngoài những giá trị xã hội mà những nghiên cứu này đóng góp được, liệu chúng có thể mang về lợi ích nào cho chính cơ sở giáo dục hay không?

(Ảnh: Tranh: Dasha F./Behance | CC BY-NC-ND 4.0)

Những cơ hội và bài học

Maggie Dallman, phó chủ tịch (quốc tế), associate provost (đối tác học thuật) và giáo sư miễn dịch học ở Đại học Hoàng gia London (ngôi trường xếp thứ 11 trong BXH Đại học Thế giới của THE) cho biết rằng, hồ sơ quốc tế của cơ sở và sự chú ý về mặt truyền thông nó nhận được trong vài tháng vừa rồi là “vô cùng ấn tượng”. “Những tư vấn của Neil Ferguson (nhà dịch tễ học của Đại học Hoàng gia London) tới chính phủ Hoa Kỳ đã đem lại những tác động quốc tế to lớn và mong rằng những thứ như vắc-xin và test nhanh mà chúng tôi đang thực hiện bây giờ cũng sẽ sớm trở nên quan trọng trên toàn thế giới”.

Dallman cho rằng số lượng nghiên cứu vô cùng lớn và đa dạng về Covid-19 chính là thứ khiến Đại học Hoàng gia London khác biệt với những cơ sở giáo dục đại học khác. Bên cạnh việc nghiên cứu vắc-xin, các nhà nghiên cứu dịch tễ học, khoa học vật lý và các kỹ sư cũng đều tiến hành các nghiên cứu để gia tăng sự hiểu biết về đại dịch và những yếu tố liên quan. “Nó là một nỗ lực của toàn trường, và điều này mang đậm chất của ICL, khi mà chúng tôi đem các kỹ sư và các nhà nghiên cứu y học hợp lực với nhau để tìm ra giải pháp.”

Nhiều người trên khắp thế giới đều có những đánh giá cao về những nỗ lực của các nhà nghiên cứu tại đây. Việc này giúp nâng cấp hình ảnh của trường ở cả những đất nước mà trước đó nó chưa có nhiều ảnh hưởng. Dallman nói rằng điều này giúp trường của cô mang hình ảnh của một tổ chức hấp dẫn để làm việc cùng, giúp thu hút nhiều học giả chất lượng và xa hơn là đa dạng hóa nhóm sinh viên quốc tế.

Louise Richardson, hiệu phó của Đại học Oxford (ngôi trường 5 năm liên tiếp đứng đầu BXH của THE), cũng chia sẻ một góc nhìn tương tự. “Hồ sơ nghiên cứu của trường chúng tôi chưa bao giờ được đánh giá cao hơn. Điều này có nghĩa rằng sau khi khủng hoảng này qua đi, chúng tôi sẽ có thể tuyển dụng những học giả và sinh viên tốt nhất.” Christ nói rằng cô ấy cũng cảm thấy được “truyền cảm hứng” bởi việc các nhà khoa học ở trường đại học của cô đã “chuyển hướng nghiên cứu của họ sang tập trung vào Covid-19”. Đại học California, Berkeley đã thu được 21 triệu USD thông qua một quỹ tài trợ tư nhân để hỗ trợ cho các nghiên cứu liên quan tới Covid, Christ cũng nhận định rằng đại dịch đã “không chỉ cải thiện hồ sơ nghiên cứu của Berkeley mà còn làm cho mọi người nhận ra được tầm quan trọng của các trường đại học nghiên cứu”.

Đối mặt với các thách thức do dịch bệnh mang lại cũng khiến Christ có thêm các bài học về quản lý, đó là tầm quan trọng của giao tiếp thông tin nội bộ,  phối hợp và đưa ra quyết định kịp thời trước những tình huống khó khăn. “Đôi khi mọi người bị tê liệt bởi họ chưa có đủ thông tin để có thể đưa ra một quyết định hoàn hào, và tình trạng này đã liên tục cho tôi nhận thấy rằng việc đưa ra một quyết định kể cả khi bạn không có đầy đủ thông tin là vô cùng quan trọng” - Christ chia sẻ.

Thách thức về tài chính và chương trình học

Bên cạnh những điểm tích cực, đại dịch đã mang tới cho các cơ sở giáo dục đại học một thử thách vô cùng nghiêm trọng đó là áp lực tài chính. Cuộc khủng hoảng đã gây ra những “thất thu đột ngột” ở mảng dịch vụ nhà cửa, ăn uống cho sinh viên và các hoạt động thể thao, văn hoá. Nghiêm trọng hơn là những áp lực lên ngân sách chính của trường đại học. Đại học California, Berkeley đã phải chi 55 triệu USD cho các chi phí liên quan đến Covid như tăng cường diệt khuẩn, xét nghiệm Covid và phục vụ cho việc học từ xa; chắc chắn sẽ bị cắt giảm 10% ngân sách theo chính sách của bang California; và đứng trước khả năng cao là số lượng đăng ký nhập học sẽ suy giảm. “Giảng dạy từ xa chắc chắn sẽ trở thành một phần quan trọng trong danh mục đầu tư của chúng tôi sau khi đại dịch này qua đi” - Christ chia sẻ. 

Một xu hướng thậm chí còn khó để dự đoán hơn là liệu khi nào thị trường sinh viên du học mới có thể phục hồi. Chưa biết khi nào các hạn chế đi lại quốc tế sẽ được gỡ bỏ. Tình trạng này còn trầm trọng hơn ở Hoa Kỳ khi mà chính sách bài ngoại của nó như đang cố gắng làm nản lòng những nỗ lực toàn cầu hoá của các trường đại học.  Rachel Kyte, hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế Fletcher, Đại học Tufts, nơi có số sinh viên quốc tế chiếm 40%, đồng ý rằng sự không chắc chắn xung quanh chế độ thị thực cho sinh viên quốc tế ở Mỹ, bao gồm cả khả năng xin được thị thực làm việc sau tốt nghiệp, đã gây ảnh hưởng rất nặng nề tới số sinh viên quốc tế nhập học ở đây. 

Mặc dù Mỹ đã rút lại chính sách buộc các sinh viên quốc tế phải rời Mỹ nếu trường họ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn, các cơ sở giáo dục ở Mỹ vẫn cho rằng sẽ còn nhiều cú huých vào các sinh viên quốc tế và các chuyên gia dự đoán rằng Canada có thể sẽ tận dụng việc này để thu nhận các sinh viên rời Mỹ.

Trường Fletcher đã chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn trong kỳ thu để đảm bảo các sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập công bằng vào chương trình học, nhưng nó vẫn mong muốn có thể xây dựng được một mô hình hòa trộn trong kỳ xuân tới này. Thông thường, những sinh viên cao học ngành Nghiên cứu các vấn đề xuyên Đại Tây Dương của Fletcher sẽ được trải nghiệm nửa kỳ học ở Bỉ và nửa kỳ còn lại ở Boston. “Nếu bạn học một chuyên ngành nghiên cứu về mối quan hệ [giữa hai bờ Đại Tây Dương] này, bạn thực sự cần phải hoà nhập vào văn hoá của cả hai nơi.”

Địa điểm vẫn có một vị trí rất quan trọng trong giáo dục đại học. “Tôi rất kinh ngạc với sức mạnh và khả năng thích ứng của những công cụ ảo… nhưng mọi người vẫn khao khát những tương tác trực tiếp”, Christ chia sẻ.

Vấn đề không chỉ nằm ở dịch bệnh

Covid-19 không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất đang tấn công vào các trường đại học ở Hoa Kỳ. Từ quan điểm của Kyte, lĩnh vực này cũng đang cần phải nhận diện và giải quyết các vấn đề về khả năng chi trả và tính linh hoạt của giáo dục đại học, dù cho chương trình học sẽ là trực tuyến hay trực tiếp, cùng với một nhu cầu cao hơn các kỹ năng công nghệ trong lực lượng công nhân viên.

“Học phí phù hợp với mức chi trả, tính linh hoạt và kỹ năng đã thúc đẩy giáo dục theo một hướng khác. Thực tế rằng [Covid-19] có thể chỉ là cuộc khủng hoảng đầu tiên trong một chuỗi những nguy cơ khác mà sẽ gây ảnh hưởng đến thứ mà ta giảng dạy, những người mà ta giảng dạy và cách thức mà ta giảng dạy. Tất cả những điều này có nghĩa là chương trình giảng dạy của chúng ta cần phải phát triển; chính chúng ta và những người học của chúng ta cũng phải phát triển, và một điều nữa mà bạn có thể nhận thấy qua phong trào Black Lives Matter gần đây đó là chúng ta phải dạy theo một cách khác, linh hoạt hơn,” Kyte chia sẻ.

"Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng mà cần phải được xem như một cơ hội." 

Linh Chi lược dịch

Theo: EdLab Asia

Nguồn: Ellie Bothwell. (09/2020). How the world’s top universities have been impacted by Covid-19. Times Higher Education

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Ảnh hưởng của COVID-19 lên các trường đại học hàng đầu thế giới tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19