Sự thống trị của tiếng Anh trong khoa học - những ảnh hưởng và giải pháp

Nhiều người cho rằng sự độc tôn của tiếng Anh trong khoa học là nguyên nhân cản trở sự đa dạng, tuy nhiên cộng đồng có thể nỗ lực hướng tới những sự thay đổi tình trạng này.

Khi Valeria Ramírez Castañeda còn học thạc sĩ ngành Sinh học tại Đại học Los Andes ở Colombia, viết luận văn bằng tiếng Anh là một vấn đề khiến cô cảm thấy quan ngại. Mặc dù nếu cô ấy viết bằng tiếng Tây Ban Nha cũng sẽ đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp, song tiếng Anh lại đem đến cơ hội giúp Ramírez Castañeda có thể dễ dàng chuyển đổi luận văn thành một bài báo để xuất bản ngay sau đó. Cô ấy đã cố gắng rất nhiều với hy vọng có thể sử dụng tiếng Anh cho bài viết của mình, thế nhưng sau nhiều tuần, cô đã bỏ cuộc. “Điều đó là không thể", Castañeda nói. “Tôi có thể dùng toàn bộ khoảng thời gian mà tôi có cùng tất cả sự nỗ lực, đam mê để viết khoa học, nhưng điều tôi không thể chỉ là viết nó bằng tiếng Anh”.

Từ những kinh nghiệm đó, Ramírez Castañeda - hiện là nghiên cứu sinh ngành Sinh học tiến hoá tại Đại học California - đã quyết định tiến hành nghiên cứu về những rào cản và gánh nặng mà các tác giả phải đối mặt khi phải viết bài bằng một thứ ngôn ngữ không phải ngôn ngữ chính của họ. Một bài báo xuất bản vào tháng 9 vừa qua trên PLOS ONE nhận thấy rằng, những bất lợi đối với các nhà nghiên cứu này là rất lớn. 49 nhà sinh vật học người Colombia mà cô thực hiện khảo sát chia sẻ rằng việc chuẩn bị một bản thảo bằng tiếng Anh tốn trung bình thêm khoảng 12 ngày làm việc so với khi họ viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Gần một nửa số người được hỏi cho biết bản thảo của họ bị từ chối do trình độ sử dụng ngữ pháp tiếng Anh còn kém. Ngoài ra, khoảng 1/3 đã lựa chọn không tham gia các hội thảo khoa học vì lo lắng về việc phải trình bày báo cáo bằng tiếng Anh. Kết quả nghiên cứu của Ramírez Castañeda đã cung cấp thêm một bằng chứng trong số rất nhiều tài liệu khác cho thấy việc rào cản ngôn ngữ ảnh hưởng như thế nào đến những người không sử dụng tiếng Anh thông thạo và cản trở sự đa dạng trong khoa học.

Các cuộc khảo sát đối với các nhà khoa học Mexico, nói tiếng Tây Ban Nha và các nhà nghiên cứu Đài Loan, nói tiếng Quan Thoại đã chỉ rằng các tác giả này đều nhận thấy việc viết các bài báo khoa học bằng tiếng Anh khó hơn nhiều so với tiếng mẹ đẻ của họ. Ngoài ra, việc đó cũng làm gia tăng áp lực và lo lắng cho họ. David Hanauer, nhà ngôn ngữ học tại Đại học Pennsylvania và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Tiếng Anh gây ra gánh nặng như nhau cho cả hai nhóm".

Michael Gordin, nhà nghiên cứu sử học tại Đại học Princeton nhận định: “Trên toàn cầu, hầu như chắc chắn rằng phần lớn các nhà khoa học không phải là người nói tiếng Anh bản ngữ. Tuy nhiên, họ phải nói tiếng Anh để giao tiếp công việc của họ trên các tạp chí quốc tế, đó là chìa khoá để thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Mặc dù có một ngôn ngữ chung mang lại một số lợi thế, vấn đề công bằng và bình đẳng vẫn rất quan trọng”.

Đối với Ramírez Castañeda, những phản hồi của mọi người về nghiên cứu của cô đã càng củng cố thêm những lo ngại trước đó về vấn đề này. “Bạn bè nhắn cho tôi và bảo rằng, "Tôi sắp bỏ nghiên cứu khoa học vì vấn đề tiếng Anh đây’ hoặc ‘Tôi không thể tốt nghiệp được vì không đủ tiền tham gia các khóa học tiếng Anh",  cô cho biết. “Nghe vậy thực sự tôi thấy rất xúc động.”

Vậy, công đồng khoa học có thể làm gì để khắc phục sự bất công trong lĩnh vực ngôn ngữ như thế này? Theo Ramírez Castañeda và Hanauer, khi đọc bản thảo, những người phản biện nên tập trung vào hàm lượng khoa học của bài viết thay vì những lỗi ngữ pháp. Các biên tập viên cũng cần nhấn mạnh điều này khi gửi bài viết đi phản biện. Người phản biện có thể đề nghị cải thiện tiếng Anh của bài viết, nhưng đó không nên là lý do chính để từ chối đăng bài. Ramírez Castañeda cho rằng, nếu cần phải biên tập và sửa chữa tiếng Anh của bài báo, cần sử dụng kinh phí xuất bản bài báo hiện có để chi trả.

Do các trường đại học và cơ sở nghiên cứu cũng có được lợi ích khi có bài báo được công bố, Ramírez Castañeda lưu ý thêm rằng những cơ sở này cần tự cung cấp dịch vụ dịch thuật và biên tập bài viết cho các nhà nghiên cứu của mình. Các trường đại học ở những nước nói tiếng Anh có thể cung cấp các công cụ cần thiết để hỗ trợ sinh viên quốc tế công bố bài viết bằng tiếng Anh - điều mà Hanauer cũng đồng tình - đặc biệt là trong bối cảnh các sinh viên quốc tế phải trả học phí cao hơn so với các sinh viên trong nước. Ramírez Castañeda cũng đề xuất các trường đại học cần cung cấp các khóa học tiếng Anh miễn phí cho các sinh viên. Hiện nay, “trách nhiệm” học tiếng Anh là của từng cá nhân chứ không phải của tổ chức, và Ramírez cho rằng “nó không thể tiếp tục như vậy.”

Cộng đồng khoa học cũng cần ghi nhận và quan tâm tới các công trình được xuất bản bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, theo Tatsuya Amano, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Queensland, Australia. Điều này sẽ không chỉ giúp đa dạng hóa nền khoa học, mà còn làm giàu thêm tri thức nghiên cứu với sự sáng tạo và độ chính xác cao hơn, theo Hanauer. Chẳng hạn, các thống kê phân tích tổng hợp về những bài báo có chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học trước đây thường không tính những bài không được viết bằng tiếng Anh - vốn chiếm hơn một phần ba tổng số bài viết về chủ đề này, theo nghiên cứu của Amano và các đồng nghiệp. Amano, người nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Nhật, cho biết:

“Những người nói tiếng Anh đã trở thành những “người gác cổng” của nền khoa học, họ đã bỏ qua rất nhiều quan điểm [và] góc nhìn. Đây không chỉ là vấn đề đối với những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, mà [còn] ngay cả với những người nói tiếng Anh bản ngữ.”


Việc mở rộng số lượng ngôn ngữ được xuất bản bài báo cũng là điều rất quan trọng. Chẳng hạn, các cơ quan tài trợ có thể yêu cầu các công trình xuất bản từ nguồn quỹ hỗ trợ của họ cần được dịch sang ngôn ngữ bản địa của quốc gia nơi phần lớn nghiên cứu được tiến hành, theo Gordin. “Chỉ là các nhà làm luật, nhà chính sách có coi đó thực sự là một vấn đề hay không mà thôi.”

Tất cả những giải pháp này đều khả thi, nhưng những điều này đòi hỏi nhân lực có trình độ học vấn, thời gian, tiền bạc và ý chí. Gordin nói: “Lý do khiến [giải pháp này] không được triển khai là bởi những người có nhiều quyền lực và tiền bạc nhất - những ‘anglophone’ - đang được hưởng lợi từ hệ thống hiện tại mà không bị thiệt chút nào.”

Mặc dù vậy, những tiến bộ trong vấn đề cuối cùng sẽ mang lại cho chúng ta một nền tảng tri thức học thuật phong phú và đầy đủ hơn, nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng khoa học nói chung. “Một thay đổi nhỏ có thể đem lại sự khác biệt lớn,” Amano kết luận.

Vân An lược dịch

Nguồn

Rodrigo Pérez Ortega (2020). Science’s English dominance hinders diversity—but the community can work toward change. Science.

Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Sự thống trị của tiếng Anh trong khoa học - những ảnh hưởng và giải pháp tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19