Kiểm tra công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Ninh Bình

Ngày 31/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tới tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) đối với lớp 1 và tình hình chuẩn bị chương trình cho lớp 2, lớp 6.

Đoàn công tác đã dự giờ, kiểm tra thực tế tại hai trường Tiểu học Gia Vân và THCS Gia Lập (huyện Gia Viễn); làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, UBND một số huyện trong tỉnh.

Phấn khởi với lớp 1, sẵn sàng cho lớp 2, lớp 6

Báo cáo đoàn công tác, Giám đốc Sở GDĐT Ninh Bình Phan Thành Công cho biết, kết quả kiểm tra đánh giá cuối học kỳ I của lứa học sinh đầu tiên thực hiện CT GDPT 2018 khá khả quan. Phần lớn các em đã hình thành và bước đầu phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.

Giám đốc Sở GDĐT Ninh Bình Phan Thanh Bình báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GDĐT

So sánh chất lượng học tập 2 môn Toán, Tiếng Việt ở cùng thời điểm học kết thúc học kỳ I của năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021, Sở GDĐT nhận thấy học sinh học theo CT GDPT 2018 có tiến bộ hơn. “Học sinh nắm chắc kiến thức, kĩ năng đọc, viết, nói, nghe, biết vận dụng kiến thức kĩ năng làm tính vào thực hiện các nội dung bài tập liên quan. Tỷ lệ các em được đánh giá mức chưa hoàn thành ở môn Tiếng Việt và Toán theo CT GDPT 2018 đều thấp hơn so với chương trình trước đây”, Giám đốc Phan Thành Công nói.

Kết quả này ngoài việc đến từ những ưu điểm mới của CT GDPT 2018, sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của Bộ GDĐT thì một trong những lý do quan trọng là sự chuẩn bị chủ động, chu đáo của ngành GDĐT tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo, quyết định đầu tư của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương.

Năm 2020, Sở GDĐT và UBND các huyện, thành phố đã mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiếu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 16,6 triệu đồng. Năm 2021 UBND tỉnh tiếp tục bố trí 30 tỷ đồng để mua sắm trang bị đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho 100% trường học trên địa bàn.

Toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 được tham gia các chương trình tập huấn về CT GDPT mới trước khi trực tiếp triển khai. Trong đó, từ năm 2018, phối hợp với trường đại học Sư phạm Hà Nội, tỉnh Ninh Bình đã chủ động tổ chức bồi dưỡng trực tiếp 7 chuyên đề về chương trình, sách giáo khoa mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, từng giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng, kế hoạch giáo dục nhà trường để phù hợp với học sinh, điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học.

“Không còn học sinh lớp 1 nào ở trường chúng tôi chưa biết đọc-viết, tính đến thời điểm này. Cơ bản các em đều đọc thông, viết thạo; nhiều em còn biết đọc diễn cảm cả đoạn văn dài”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Lập (huyện Gia Viễn) Phan Thị Hồng Phương chia sẻ làm rõ kết quả dạy học theo CT GDPT mới. Cô cho biết, đội ngũ giáo viên nhà trường ban đầu khá băn khoăn, lo lắng nhưng đến giờ đã tự tin, làm chủ được việc dạy học theo chương trình. Phụ huynh học sinh từ việc có ý kiến trái chiều, giờ khi chứng kiến sự tiến bộ rõ rệt của con em, đã yên tâm, phấn khởi, đồng thuận với hoạt động đổi mới giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra thực tế tại hai trường Tiểu học Gia Vân (huyện Gia Viễn)

Kết quả tích cực sau một học kỳ triển khai CT GDPT 2018 làm tăng động lực, sự sẵn sàng, vui vẻ, tự tin của giáo viên, học sinh, phụ huynh trong việc triển khai tiếp chương trình ở các lớp học sau.

Hiện nay, để chuẩn bị điều kiện triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6, Sở GDĐT Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các phòng GDĐT rà soát, quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu triển khai CT mới. Đội ngũ giáo viên dự kiến phân công dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 đã được lập danh sách và tổ chức bồi dưỡng cho cốt cán. Phối hợp với các nhà xuất bản, địa phương đã tổ chức giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tới cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học, THCS. Công tác lựa chọn sách giáo khoa đang được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc triển khai CT GDPT 2018 của Ninh Bình còn một số khó khăn, như thiếu giáo viên, nhất là ở môn Tin học và tiếng Anh. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày, phòng học, phòng chức năng còn thiếu. Sở GDĐT kiến nghị lãnh đạo địa phương và Bộ GDĐT quan tâm tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện tốt chương trình.

Tập huấn cán bộ, giáo viên - bài toán gốc để thực hiện hiệu quả chương trình mới

Kiểm tra thực tế và lắng nghe các báo cáo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực và kết quả tích cực bước đầu ngành giáo dục Ninh Bình đạt được trong triển khai CT GDPT 2018. Thứ trưởng nhấn mạnh, năm học 2020-2021 là năm đặc biệt của ngành Giáo dục khi lần đầu triển khai CT GDPT 2018. “Cuộc cách mạng” về giáo dục này góp phần chuyển từ giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang đánh thức tiềm năng, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. 6 năm qua chúng ta đã chuẩn bị để triển khai, cả Quốc hội, Chính phủ và người dân đều quan tâm, kỳ vọng, nên ngành Giáo dục phải nỗ lực, quyết tâm tạo ra kết quả tốt khi thực hiện chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục tỉnh Ninh Bình

“Mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức, nên đề nghị các cấp ngành, chính quyền địa phương, các nhà trường, giáo viên tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới GDPT. Từng giáo viên, cán bộ quản lý phải nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình môn học, những điểm mới về mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá của chương trình. Để làm được điều này, bài toán gốc là tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên - những người trực tiếp tạo ra các sản phẩm giáo dục”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, CT GDPT 2018 chú trọng tập huấn cho cả giáo viên và cán bộ quản lý, hiệu trưởng các nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, hiệu trưởng là người tạo điều kiện, môi trường, động lực để giáo viên thực hiện hoạt động đổi mới. Hiệu quả của hoạt động này là “tích của 3 chữ làm: biết làm, có điều kiện để làm và có động lực để làm. Nếu bất cứ thừa số nào trong tích đó bằng không thì kết quả cũng không đạt”. Do đó, cần tập huấn tốt để cán bộ quản lý, hiệu trưởng hiểu kỹ về đổi mới giáo dục phổ thông để không trở thành rào cản cho giáo viên.

Điều khác biệt lớn trong CT GDPT 2018 so với chương trình 2006 là việc các trường được xây dựng kế hoạch giáo dục riêng với thời khoá biểu, phân phối chương trình… phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, thay vì cả nước “đồng phục” thời khoá biểu, “bao cấp” phân phối chương trình. Công văn 4612 (năm 2017) và 5512 (năm 2020) đã hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch này. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các nhà trường, giáo viên, tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện hiện quả.

Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học triển khai CT GDPT mới đối với lớp 2, lớp 6 được Thứ trưởng đề nghị Ninh Bình tiếp tục quan tâm. Trong đó, giáo viên phải đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu, chất lượng; trang thiết bị đầu tư phải được sử dụng hiệu quả, “thiết bị về trường phải ra lớp”. Công tác quản lý từ nhân sự, tài chính, chuyên môn… trong các nhà trường cũng cần đổi mới để tạo động lực, môi trường cho giáo viên phát huy được năng lực, sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục nhà trường.

Cảm ơn sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ GDĐT đối với công tác đổi mới GDPT của địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định sẽ ưu tiên tối đa các điều kiện để ngành giáo dục tỉnh triển khai hiệu quả CT GDPT mới.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Kiểm tra công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Ninh Bình tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn