Huy động nguồn lực nhằm nâng cao năng lực khoa học tại các nước Đông Nam Á

Malaysia là nước có số lượng công trình được đăng tải trên hệ thống Web of Science cao thứ ba trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á giai đoạn 2014-2018, theo công bố năm 2019 của Viện ISI (Clarivate). Báo cáo này cũng chỉ ra rằng số công trình công bố của các học giả Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua.

Một phần nguyên nhân của hiện tượng trên là do nhiều trường đại học ở Đông Nam Á đã thay đổi trọng tâm từ giảng dạy sang nghiên cứu, nhằm cải thiện thứ hạng quốc tế và thu hút thêm sinh viên  các nguồn tài trợ. Trong bối cảnh ngày càng nhiều chính phủ tin rằng nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể giúp một quốc gia nhanh chóng phát triển, các bộ, các tổ chức và những chính sách mới được đưa ra nhằm thúc đẩy nghiên cứu. Ví dụ, Việt Nam thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vào năm 2008; Malaysia công bố Kế hoạch Chiến lược Giáo dục Đại học Quốc gia 10 năm vào năm 2015; trong khi Thái Lan thành lập Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới vào năm 2019, hợp nhất các chức năng trước kia vốn được phân chia cho một số cơ quan chính phủ khác nhau của quốc gia này.

Biểu đồ nguồn lực nghiên cứu trên quy mô dân số (1 triệu dân), năm 2020. Nguồn: Nature Index, Liên hợp Quốc.

Các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia cũng đã đưa ra các quy định buộc các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu phải có bài báo được công bố để có thể nhận học vị Tiến sĩ hoặc trở thành Giáo sư. Kết quả là, số lượng nghiên cứu của những nước này đã tăng lên, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đi kèm với sự gia tăng về chất lượng. “Tôi có cảm giác như chúng ta đang bị ép buộc phải chạy theo số lượng hơn là chất lượng, và việc xuất bản bài báo là nhằm củng cố danh tiếng hơn là những mục tiêu khoa học,” Numpon Mahayotsanun, một trong những thành viên thường trực của Học viện Nhà khoa học Trẻ Thái Lan, cho hay.

Cập nhật chiến lược

Tỉ lệ đầu tư cho R&D của các quốc gia trên mỗi 1 tỷ USD GDP, năm 2017. Nguồn: Nature Index, OECD, Liên hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới

Sự hạn chế trong đầu tư cho R&D là một trong những nguyên nhân khả dĩ khác giải thích vì sao quốc gia lớn nhất tại Đông Nam Á này chưa gặt hái được những thành tựu khoa học đúng với tiềm năng. “Với dân số lớn và tài nguyên phong phú, nhưng nhìn vào dữ liệu đầu tư cho R&D trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, thì tỉ lệ là rất thấp,” Jonathan Adams, đồng tác giả báo cáo năm 2019 của Viện ISI, giải thích.

Hợp tác quốc tế cũng có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển vị thế khoa học của một quốc gia. Chẳng hạn, nghiên cứu của Viện ISI cho thấy, hệ số tác động trích dẫn tổng của Malaysia - tức số lần một bài báo khoa học được trích dẫn bởi những công trình đi sau - là 1,06, cao hơn trung bình thế giới. Nhưng nếu loại bỏ tất cả các công trình có đồng tác giả là người nước ngoài tại quốc gia này, thì số liệu giảm xuống chỉ là 0,76.

Điều này cho thấy “chính nhờ sự hợp tác quốc tế đã đưa các quốc gia này lên bản đồ thế giới”.  Các quốc gia tìm cách mở rộng quan hệ với nước ngoài một phần là do “những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế đòi hỏi đầu tư cao hơn rất nhiều so với khả năng của những quốc gia này.” Bốn quốc gia đề cập trong bài viết - Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan - đều có tỉ lệ bài báo khoa học có hợp tác với các học giả nước ngoài rất cao, chẩng hạn như Việt Nam - 90,1% và Malaysia - lên đến 98,5%. Tuy nhiên, những quốc gia này đều không có trường đại học nào nằm trong top 100 những trường có quan hệ hợp tác cao nhất trong khu vực (theo xếp hạng của Nature Index) - Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Australia là những quốc gia có nhiều trường góp mặt trong danh sách này nhất. Điều này cho thấy số lượng bài báo xuất bản của các quốc gia Đông Nam Á này còn thấp, cũng như mối quan hệ liên trường đại học ở những nước này vẫn còn lỏng lẻo.

Biểu đồ số nhà nghiên cứu trên 1000 dân, năm 2017. Nguồn: Liên hợp Quốc.

“Yếu tố quan trọng nhất góp phần gia tăng số lượng công bố quốc tế là nhờ sự hợp tác với các học giả nước ngoài,” Phạm Hùng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu chính sách giáo dục tại Đại học Phú Xuân (một trường đại học ở miền Trung Việt Nam), cho hay. Do từng là đồng minh của Liên Xô trong lịch sử, các nhà nghiên cứu tại Việt Nam thường không mặn mà với việc xuất bản công trình của họ trên các tạp chí phương Tây, ông cho biết. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2008, khi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) - tương tự như Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ - được thành lập. Kể từ đó, số lượng công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí quốc tế của Việt Nam tăng hơn năm lần, theo số liệu của Viện ISI (thuộc Clarivate) công bố.

Nghiên cứu của ông Hiệp đã chỉ ra một số yếu tố khác ảnh hưởng đến năng lực xuất bản quốc tế của các tác giả Việt Nam, bao gồm sự trợ giúp từ các trợ lý và người hướng dẫn khoa học, cũng như sự hợp tác với các học giả trong nước khác. “Khoa học không phải là thứ mà một người có thể ngồi làm một mình trong căn phòng kín của riêng họ. Khoa học phải là sự kết nối với mọi người, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu,” ông cho biết. Việc tăng cường hợp tác trong chính quốc gia của mình cũng là điều vô cùng quan trọng, theo Yvonne Lim, nhà nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới tại Đại học Malaya (Kuala Lumpur, Malaysia) nhận định. “Chúng ta cần có cách tiếp cận đề cao sự kết nối với cộng đồng, xã hội, trong đó các trường đại học hợp tác với nhau, cũng như hợp tác với các đối tác và cộng đồng dân cư của họ.”

Mahayotsanun cũng đồng tình với quan điểm này. Sự hợp tác trong nội bộ quốc gia và giữa các quốc gia với nhau là chìa khoá cho sự phát triển. “Tôi không tin rằng Thái Lan có thể trở thành một cường quốc [khoa học] nếu không có sự hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng, bởi chúng ta đều gắn kết với nhau. Tôi nghĩ rằng nếu muốn mạnh, chúng ta phải đi cùng nhau,” ông cho biết. “Mỗi quốc gia đều có bối cảnh xã hội riêng, có những chính sách và những vấn đề riêng, nhưng chỉ cần cùng nhau phát triển, chúng ta sẽ tìm ra chìa khoá.”

Vân An lược dịch

Nguồn

Sandy Ong (2021). Southeast Asian countries join forces for scientific strength. Nature.

Bạn đang đọc bài viết Huy động nguồn lực nhằm nâng cao năng lực khoa học tại các nước Đông Nam Á tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn