Khi truy cập mở “lên ngôi”

Tạp chí Giáo dục xin trân trọng lược dịch và giới thiệu bài viết với tiêu đề “Open access takes flight” của Jeffrey Brainard, công bố trên tạp chí Science (thuộc nhà xuất bản AAAS, Q1 Scopus).

 

Nguồn: DAVIDE BONAZZI/SALZMAN ART

Năm 2018, một nhóm các nhà tài trợ, chủ yếu đến từ châu Âu, đã gây ra làn sóng chấn động khắp giới xuất bản khoa học, với việc đề xuất một quy định chưa từng có: Các nhà khoa học nhận tài trợ của họ sau khi xuất bản bài báo khoa học sẽ phải miễn phí truy cập vào các công trình đó.

Yêu cầu mới trên, bắt đầu có hiệu lực bắt đầu từ tháng này, được đưa ra nhằm chấm dứt truyền thống kéo dài hàng thập kỷ qua trong giới xuất bản khoa học: theo đó, các nhà khoa học được xuất bản các công trình của họ trên các tạp chí mà không mất khoản phí nào, và các nhà xuất bản sẽ thu lợi nhuận bằng cách tính phí đăng ký của các trường đại học và một số tổ chức khác muốn có quyền truy cập vào các công trình đó. Những người ủng hộ kế hoạch mới, được gọi là nhóm Plan S (chữ “S" viết tắt của từ “gây sốc") kỳ vọng sẽ có thể phá bỏ mô hình đăng ký trả phí và đẩy nhanh sự phát triển của nền khoa học bằng cách cho phép các công trình nghiên cứu được chia sẻ tự do hơn. Đây chính là một phần của sự thay đổi lớn trên khía cạnh truyền thông khoa học bắt đầu từ hơn 20 năm trước và gần đây đang ngày càng trở nên phổ biến.

Các nhà khoa học có một số cách để “chung sống" với các quy định của nhóm Plan S, trong đó có việc phải trả một khoản phí cho nhà xuất bản để đăng tải bài viết truy cập mở lên trang web của tạp chí, hoặc gửi bài báo khoa học đó vào một kho lưu trữ cộng đồng miễn phí, nơi mọi người có thể dễ dàng tải xuống. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của một liên minh tài trợ quốc tế, hiện bao gồm 17 cơ quan và 6 quỹ, trong đó có Wellcome Trust và Viện Y tế Howard Hughes, hai trong số những nhà tài trợ lớn nhất thế giới về nghiên cứu y sinh.

Liên minh trên - tự xưng là “Liên minh S”, đã không đạt được mục đích của họ là trở thành chất xúc tác cho một phong trào quốc tế thực sự. Các quan chức đến từ ba nền xuất bản khoa học hàng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với truy cập mở, nhưng không cam kết tham gia Plan S. Những tác giả chịu tác động từ quy định của Liên minh trên chỉ chiếm khoảng 6% tổng số bài báo công bố quốc trong năm 2017, theo ước tính của Clarivate Analytics, công ty đứng sau sở dữ liệu Web of Science.

Johan Rooryck, giám đốc điều hành của Liên minh S và là nhà ngôn ngữ học tại Đại học Leiden, cho biết vẫn có lý do để nghĩ rằng Liên minh S sẽ tạo ra tác động lớn. Năm 2017, 35% bài báo đăng trên tạp chí Nature và 31% bài báo trên tạp chí Science trích dẫn ít nhất một công trình của nhà nghiên cứu nhận tài trợ từ liên minh này. Rooryck cho rằng: “Những nhà khoa học nhận được tài trợ [của Liên minh S] là những nhà khoa học nổi tiếng, tác giả của những công trình khoa học rất phổ biến. Chúng tôi đã gặt hái được những kết quả cao hơn mong đợi." Một minh chứng ấn tượng cho nhận định này là các nhà xuất bản đứng sau những tạp chí uy tín và có tính chọn lọc cao, chẳng hạn như Nature, Cell Press đã tuyên bố sẽ cho phép các tác giả xuất bản các bài báo bên ngoài hệ thống thu phí, nhưng với mức giá không hề rẻ.

Dù vậy, bất chấp những diễn biến trên và cả các biểu hiện khác của phong trào, một số chuyên gia xuất bản cho biết Plan S, cùng với các biện pháp truy cập mở khác có thể gây nên những áp lực về tài chính và sau cùng sẽ khiến các nhà xuất bản, các tổ chức nghiên cứu cũng như tác giả chịu tác động của quy định này không thể “gánh" nổi các chi phí. Và khi cuộc tranh luận về phong trào này tiếp tục nổ ra, tạp chí Science đã gửi cho các tác giả bản hướng dẫn dưới đây.

Những công trình truy cập mở sẽ mang lại lợi ích nào cho các tác giả?

Những tác giả đồng ý với thỏa thuận cấp quyền truy cập mở cho bài báo của mình có thể gặt hái được nhiều lợi ích, tuy nhiên chúng còn phụ thuộc vào những “thước đo” lợi ích mà tác giả dùng để đánh giá.

Hệ số tác động của bài báo có thể được xem là một tiêu chuẩn đánh giá. Theo báo cáo từ một số nghiên cứu, số lượng trích dẫn trung bình cho các bài báo truy cập mở cao gấp ba lần so với các bài báo có tính phí. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các tác giả thường sẽ xuất bản những bài viết hay nhất của họ dưới dạng truy cập mở, khiến chúng được trích dẫn nhiều hơn. Một phân tích gần đây, sử dụng các phương pháp thống kê để tìm hiểu về xu hướng trên, cho thấy trên thực tế, lợi thế về lượng trích dẫn của các bài báo truy cập mở thực tế khiêm tốn hơn nhiều — chỉ 8% - và điều này chỉ áp dụng với một số ít bài báo “cực kỳ ấn tượng”.

Mark McCabe, chuyên gia đến từ Trường Kinh doanh SKEMA và Christopher Snyder, nhà nghiên cứu công tác tại Đại học Dartmouth (Mỹ) đã nghiên cứu sự thay đổi về số lượng trích dẫn của các bài viết khi các tạp chí chuyển từ mô hình thu phí sang truy cập mở hoàn toàn, đồng thời so sánh với số lượng trích dẫn của các bài báo tính phí. Đối với mỗi bài báo trong tổng số hơn 200.000 bài báo của họ về sinh thái học và các lĩnh vực khác, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu các yếu tố khác có tác động đến số lượt trích dẫn, chẳng hạn như thời gian xuất bản của bài báo: Các bài báo mới được xuất bản thường được trích dẫn nhiều, nhưng sau đó giảm dần. Theo báo cáo vào tháng 11 năm 2020 của hai nhà nghiên cứu McCabe và Snyder, lợi thế về trích dẫn đến từ việc công bố dưới dạng truy cập mở, không những không đáng kể, mà còn chỉ áp dụng với các bài báo chất lượng cao - thông thường, đó là những bài đã được trích dẫn ít nhất 11 lần trong khoảng thời gian 2 năm trước khi được chuyển sang dạng truy cập mở.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, các bài báo truy cập mở có số lượt tiếp cận lớn hơn nhiều trên nhiều thông qua nhiều hình thức khác nhau, tính cả tải xuống và xem trực tuyến. Những bài báo này cũng có lợi thế về điểm Altmetric, được tổng hợp từ dữ liệu về số lần bài báo được “nhắc đến" trên mạng xã hội, tin tức và các tài liệu chính sách.

Các báo cáo về số lượt “nhắc đến" bài báo trên các diễn đàn phi học thuật này đã chỉ ra rằng các bài viết truy cập mở mang đến cơ hội cho nhiều đối tượng độc giả ngoài cộng đồng khoa học tiếp cận hơn. Vào tháng 11 năm 2020, Springer Nature và các đối tác đã công bố kết quả từ cuộc khảo sát 6000 người truy cập vào các trang web thuộc hệ thống của họ. Họ báo cáo rằng thật "đáng kinh ngạc" khi có tới 28% số lượt truy cập là người dùng phổ thông, bao gồm bệnh nhân, giáo viên và luật sư, 15% số lượt đến từ những người công tác trong lĩnh vực công nghiệp hoặc y tế, những người buộc phải đọc các bài báo này vì công việc nhưng không phải là nhà nghiên cứu để mà phải công bố các công trình khoa học.

Ngay cả đối với các giảng viên tại các trường đại học hay cơ sở nghiên cứu, những người có quyền truy cập và đọc các tạp chí khoa học thông qua thư viện tại cơ quan của họ, việc mở truy cập các bài báo khoa học cũng giúp họ tìm đọc các bài báo đăng tải trên những tạp chí mà cơ quan của họ không đăng ký mua một cách nhanh chóng hơn. Khoảng 57% học giả được khảo sát cho biết họ “hầu như luôn luôn” hoặc “thường xuyên” gặp khó khăn khi truy cập toàn văn các bài báo của Springer Nature.

Những ai sẽ “e ngại" về việc mở truy cập các bài báo khoa học?

Mặc dù nhiều nhà khoa học, nhà xuất bản, nhân viên thư viện và các nhà hoạch định chính sách đã thừa nhận về những lợi ích tiềm năng của truy cập mở, nhiều người vẫn cho rằng họ không hoàn toàn thoải mái với sáng kiến này.

Ngay cả tại châu Âu, nơi phong trào truy cập mở diễn ra đặc biệt mạnh mẽ, việc triển khai Plan S vẫn chưa quá phổ biến. Theo một báo cáo được SPARC Europe - một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền truy cập mở - thuê thực hiện, trong số 60 nhà tài trợ nghiên cứu được khảo sát vào năm 2019, chỉ có 37 nhà tài trợ có chính sách riêng cho việc mở truy cập các công bố khoa học, và 23 nhà tài trợ tuân thủ các quy tắc của Plan S.

Thực tế, vẫn còn nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy do dự với vấn đề truy cập mở. Trong nhiều cuộc khảo sát, các tác giả đã đánh giá nhu cầu công bố nghiên cứu của họ dưới dạng truy cập mở ở mức thấp hơn so với việc xuất bản bài báo của họ trên các tạp uy tín, có hệ số tác động cao để nhằm thu được nhiều lợi ích cũng như sự thăng tiến. Và họ có thể không tin vào các nhận định cho rằng các tạp chí truy cập mở thường chỉ đăng những bài viết chất lượng kém (Theo các nhà nghiên cứu, quan điểm này phản ánh việc những tạp chí cho phép truy cập mở thường là những tạp chí còn mới, có hệ số tác động thấp).

Một nghiên cứu mới đây cũng nhắc đến yếu tố bất bình đẳng và nhấn mạnh rằng, các nhà nghiên cứu nhận được tài trợ bởi của các tổ chức uy tín thường sẽ là những người sẵn lòng trả phí để xuất bản các bài viết của họ dưới dạng truy cập mở. Cụ thể, Anthony Olejniczak và Molly Wilson, hai nhà nghiên cứu công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phân tích Học thuật, thuộc một công ty dữ liệu ở Columbus, Ohio, đã tiến hành điều tra các yếu tố nhân khẩu học và lựa chọn xuất bản học thuật của hơn 180.000 học giả Hoa Kỳ. Nhìn chung, có 84% các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học và 66% số nhà nghiên cứu trong các ngành khoa học vật lý và toán học đã là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất một bài báo đăng tải trên các tạp chí truy cập mở từ năm 2014 đến năm 2018. Những tác giả này thường có thứ hạng cao và làm việc tại một trong 65 trường đại học nghiên cứu hàng đầu thuộc Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ, theo dữ liệu của Olejniczak và Wilson trong một bài báo sắp xuất bản trên Tạp chí Quantitative Science Studies.

Olejniczak và Wilson đưa ra giả thuyết rằng các nhà khoa học chọn phương thức trả phí để công trình của họ được truy cập mở không chỉ cần nguồn tài chính mà còn cần cả cảm giác an toàn. “Đây có thể được xem là một tín hiệu vừa tích cực vừa tiêu cực,” Olejniczak nói. "Quyền truy cập mở đang phát triển mạnh và nó vẫn đang phát triển." Tuy nhiên, ông nói thêm, các nhà xuất bản thu phí nên xem xét các phương thức khác để phù hợp với nhiều đối tượng tác giả hơn.

Liệu truy cập mở có phải tương lai của xuất bản khoa học?

Nếu việc trả phí để xuất bản các công trình dưới dạng truy cập mở trở thành con đường mặc định đối với các nhà khoa học, và chi phí xuất bản sẽ tăng cao như dự đoán, nhiều nhà phân tích lo ngại xuất bản khoa học sẽ trở thành một thứ xa xỉ mà chỉ những nhà nghiên cứu nhận được nguồn tài trợ “mạnh" hơn mới có thể công bố công trình của mình. Điều đó có thể tạo ra một dạng “vòng lặp vô hạn", trong đó các nhà nghiên cứu được tài trợ tốt xuất bản nhiều hơn sẽ có cơ hội thu hút nhiều sự chú ý hơn và dành được nhiều nguồn tài trợ hơn và cứ như thế mãi.

Nếu điều này thực sự xảy ra, các nhà nghiên cứu và các tác giả trẻ, mới vào nghề ở các nước đang phát triển, hay những nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực có truyền thống ít nhận được sự tài trợ (như toán học) sẽ phải đối diện với một thực tế vô cùng khó khăn. Mặc dù nhiều nhà xuất bản thường có chính sách miễn giảm phí xuất bản cho một số đối tượng tác giả nhất định, tuy nhiên các nhà xuất bản không phải lúc nào cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí xuất bản hay tiết lộ tỉ lệ phần trăm chi phí mà họ hỗ trợ.

Các công ty xuất bản nhỏ, phi lợi nhuận hiện vẫn phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí đến từ những tổ chức, cá nhân đăng ký mua tạp chí của họ cũng có thể sẽ phải đối diện với nhiều bất lợi trong thế giới “truy cập mở”, bởi động lực của mô hình “trả phí để xuất bản” sẽ thường có xu hướng ưu tiên các nhà xuất bản và tạp chí có số lượng bài báo lớn, điều này mang lại những hiệu quả kinh tế trên quy mô rộng hơn

Sudip Parikh, Giám đốc điều hành của AAAS,  nhà xuất bản đứng sau những tạp chí uy tín trong tập san Science cho hay, “Tôi lo lắng rằng trong ‘sự sốt sắng để đi đến cuối con đường’ nhằm gia tăng số lượng các công trình truy cập mở’, cuối cùng chúng ta thực sự có thể làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học”. Một trong số đó, Science Advances, tính phí xuất bản với các bài báo truy cập mở là 4500 USD mỗi bài, trong khi những công ty khác vẫn hoạt động dựa trên mô hình trả phí đăng ký truyền thống. Parikh cho biết AAAS đang xem xét các lựa chọn khác để mở truy cập cho các bài báo khoa học, nhưng công ty chưa hề thảo luận về những phương án đó cho tới khi tập san Science bắt đầu hối thúc. “Tôi giả vờ như chưa biết câu trả lời,” anh nói. “Nhưng dường như vẫn có những lựa chọn khác” bên cạnh việc thu phí xuất bản.

Một mô hình để mở quyền truy cập các bài báo mà không cần phụ thuộc vào phí xuất bản đến từ khu vực Châu Mỹ Latinh. Brazil và các quốc gia trong khu vực đã tài trợ cho việc thành lập các tạp chí truy cập mở miễn phí và các kho lưu trữ công trình khoa học. Theo Curtin Open Knowledge Initiative, trong năm 2019 khu vực này có tỷ lệ các bài báo học thuật truy cập mở cao nhất thế giới, đạt 61%.

Nguồn

Jeffrey Brainard (2021). Open access takes flight. Science.

Vân An lượcdịch

*Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Khi truy cập mở “lên ngôi” tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19