Thách thức và cơ hội mà các nhà lãnh đạo trường Đại học đang phải đối mặt

Báo cáo mới đây của Elsevier đã tiết lộ những cơ hội và thách thức mà các nhà lãnh đạo trường đại học phải đối mặt trong một môi trường ngày càng cạnh tranh.

Nhiều năm qua, các trường đại học đã luôn là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội và đào tạo các thế hệ nghiên cứu - những người sẽ tiếp tục hành trình này trong giới học thuật và hơn thế nữa.

Tuy nhiên ở thời đại kỹ thuật số, nhiều người đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của cách tiếp cận truyền thống. Về mặt giáo dục, có nhiều lo ngại về trọng tâm của việc giảng dạy, cách thức truyền tải các bài học và liệu những giá trị mà học sinh nhận được có xứng đáng với học phí của họ hay không? Bên cạnh đó, khi bàn luận đến khía cạnh nghiên cứu, các trường đại học đang phải vật lộn để tuyển dụng và phát triển nhân tài phù hợp và thích ứng với sự thay đổi lớn trong cách thức nghiên cứu được hình thành, tiến hành và truyền đạt. Nguồn tài trợ cũng trở thành mối quan tâm lớn đối với cả các trường đại học và các nhà tài trợ.

Để có cái nhìn sâu sắc nhất về cách các trường đại học đối mặt với những thay đổi này, Elsevier đã hợp tác với Ipsos MORI, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, để khảo sát và phỏng vấn các nhà lãnh đạo đại học từ khắp nơi trên thế giới. Dựa trên dữ liệu này, Elsevier đã đưa ra báo cáo Các nhà lãnh đạo trường đại học: những cơ hội và thách thức trình bày chi tiết về vai trò, trách nhiệm, và ưu tiên của các lãnh đạo cũng như cách họ mong đợi về sự thay đổi trong tương lai. 

Những hàm ý tới thế giới hậu đại dịch

Điều cần lưu ý là nghiên cứu này được hoàn thành trước khi COVID-19 bùng phát. Trước đó, Elsevier cũng đã tiến hành một nghiên cứu khác trong năm 2019 với tiêu đề Research futures: Drivers and scenarios for the next decade, cung cấp những ý kiến về cơ hội và thách thức đối với việc nghiên cứu. Nhiều câu hỏi được chú ý sau khi Covid-19 bùng phát vốn cũng đã được các nhà khoa học đặt lên hàng đầu từ trước đó.

Qua cả 2 công trình này, công nghệ được xác định đóng vai trò là một trong trong những động lực sáng tạo chính, thúc đẩy sự đổi mới trong hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống, và cả hai đều nhấn mạnh thông điệp rằng: chúng ta đã tiến tới thời điểm mà giáo dục đại học và cộng đồng nghiên cứu cần phải thích ứng nếu chúng ta muốn tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Đại dịch bùng nổ không làm nảy sinh mà nó chỉ làm tăng thêm tính cấp thiết của những yếu tố đó, và chúng ta - những người nhận ra chúng sẽ phải hợp lực để giải quyết những thách thức trước mắt.

Những phát hiện quan trọng 

Hiện nay, đa số các lãnh đạo thường phải làm việc trong môi trường có tính cạnh tranh cao vì họ đang phải tranh giành nhau về nguồn tài trợ, sinh viên và nhân tài. Áp lực mà họ phải đối mặt cũng thay đổi về bản chất: chưa bao giờ việc chứng minh khả năng đóng góp và bắt kịp thời đại của các cơ sở đào tạo lại quan trọng đến như vậy. Mặc dù những tác nhân này không phải là mới, nhưng nghiên cứu này nhằm làm nổi bật mức độ tác động của những thách thức này đến các nhà lãnh đạo của trường đại học và gây ra các áp lực trong các hoạt động cốt lõi của trường đại học.

Những phát hiện chính trong bài báo cáo của Elsevier gồm có:

Về vai trò của trường đại học

Một số lãnh đạo trường đại học hiện đang không có biện pháp để đối mặt với các thách thức tới từ chính phủ và xã hội. Áp lực này nằm ở trung tâm của câu chuyện đại học. Vai trò của các cơ sở đào tạo là một tổ chức độc lập giúp cải thiện xã hội bằng cách mở rộng kiến thức và giáo dục thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, các nhà phê bình - chẳng hạn như các chính trị gia - quả quyết rằng các trường đại học đang không mang lại những lợi ích cho xã hội như mục đích ban đầu, họ mong muốn các trường sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo cho lực lượng lao động tương lai. Bên cạnh đó, các chính trị gia ngày càng trở nên thẳng thắn, chỉ trích hoạt động của các trường đại học và đòi hỏi những cải thiện hiệu quả. Đây là những thách thức cấp bách không chỉ đặt ra câu hỏi về tự chủ đại học, mà còn gây áp lực lên các nhà lãnh đạo của các trường khi họ phải vật lộn để tìm ra các cơ chế phù hợp để chứng minh tác động của cơ sở đến xã hội.

Về nguồn tài trợ 

Nguồn tài trợ vẫn đang là vấn đề gây đau đầu. Do nhiều yếu tố khác nhau, mà số tiền trợ cấp các trường nhận được từ chính phủ ngày càng eo hẹp. Vì thế họ phải tìm cách thu hút nhiều sinh viên hơn để tăng tài chính từ học phí (trong nước và quốc tế).

Họ đang vận hành trong một môi trường đầy tính cạnh tranh. Sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học đang dần trở nên gay gắt, có thể vì nguồn tài trợ bên ngoài hoặc tiền học phí từ sinh viên, và chúng có thể lan rộng ra từ cục bộ (trong nước) tới quốc tế (toàn cầu hoặc trong một khu vực). Đồng thời, trường đại học cũng phải cạnh tranh với những cơ sở công nghệ, công nghiệp mới khác để chiêu mộ những chuyên gia giỏi nhất về làm việc cho mình.

Chính phủ muốn thấy các trường đại học xây dựng quan hệ đối tác với các bên thứ 3 nhiều hơn (ví dụ như các tổ chức phi lợi nhuận và công nghiệp) để để tăng kinh phí, nâng cao khả năng nghiên cứu và sức ảnh hưởng.

Tuy nhiên với nhiều lãnh đạo trường đại học, hợp tác làm việc với ngành công nghiệp và thương mại hóa nghiên cứu không phải là ưu tiên của họ.Dù họ biết việc này có thể sẽ giúp gia tăng thu nhập, họ không thấy chúng quá quan trọng và không coi chúng như là nguồn lực chính. Kể cả đối với những nhà lãnh đạo muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt với các công ty đối tác, khó khăn đến từ việc phân chia nguồn tài trợ, chứng minh lợi tức đầu tư đã là vấn đề, thì trong nhiều trường hợp họ cảm thấy nan giải để đối phó với gánh nặng pháp lý ngày một tăng.

Công nghệ

Công nghệ chứng minh chúng là bạn đồng hành lớn nhất trong tương lai. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những cơ hội mà nó mang lại để thực hiện nghiên cứu theo những cách mới và hiệu quả hơn và chứng minh giá trị của chúng, từ tác động đến xã hội đến việc chia sẻ kết quả rộng rãi và cởi mở hơn. Nó cũng có tiềm năng cung cấp dữ liệu và công cụ họ cần để hợp lý hóa các quy trình, cải thiện việc ra quyết định và giám sát hiệu suất để họ có thể cung cấp các chỉ số hấp dẫn rất quan trọng cho các cuộc đàm phán xin tài trợ. Quan trọng là, nó có thể hỗ trợ sự hợp tác trong và ngoài tổ chức. Họ cũng coi công nghệ là một phương tiện để giới thiệu bản thân hiệu quả hơn với nhân sự và sinh viên mà họ rất muốn thu hút và nó cũng hỗ trợ họ trong việc cung cấp nền giáo dục sáng tạo và linh hoạt mà sinh viên hiện đang tìm kiếm.

Công nghệ cũng đi kèm với những thách thức riêng. Một số đã thừa nhận rằng họ đang phải vật lộn để cập nhật với tốc độ thay đổi nhanh chóng của các công cụ, hệ thống và kênh giảng dạy, và thực tế là một số nơi vẫn đang phải làm việc với phần mềm thông tin và công cụ phân tích lỗi thời - vấn đề về việc tìm nguồn vốn để đầu tư vào những phát triển này. Bên cạnh đó cũng có một vấn đề về kỹ năng; để các hệ thống này phát huy hết tiềm năng của chúng, điều quan trọng là nhân viên phải có thể hỗ trợ và hiểu chúng. Vấn đề kỹ năng này còn vượt ra ngoài lực lượng lao động của họ - ngày càng có nhiều áp lực phải định hình lại chương trình giảng dạy để những sinh viên tốt nghiệp có thể sẵn sàng thích nghi với thị trường công nghệ ngày nay.

AI - Trí tuệ nhân tạo có tiềm năng để định hình lại hoàn toàn cách thức tiến hành nghiên cứu và giảng dạy, nhưng vẫn còn chưa chắn về cách thức thực hiện điều này và tác động của nó.

Về nghiên cứu và giảng dạy

Việc thực hiện các nghiên cứu chất lượng cao được coi là một năng lực cốt lõi. Đây là vấn đề nhất quán giữa các khu vực, các cấp ngành. Dù nhiều người bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nghiên cứu của họ, thế nhưng họ vẫn lo lắng và lưu tâm về việc duy trì và cải thiện vị trí, địa vị của mình.

Thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy là ưu tiên trong mọi khu vực đã được khảo sát. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo ở Châu Âu đánh giá thấp hiệu quả hoạt động này của họ nhiều hơn so với các tổ chức ở Châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.

Vì có cạnh tranh ngày càng tăng trong việc tìm nhà tài trợ, họ cần chứng minh năng lực trong việc nghiên cứu và giảng dạy, cũng như tác động tới xã hội. Dù đối với nhiều nhà lãnh đạo, việc xây dựng hình ảnh của trường là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, những người tham gia nghiên cứu này không coi tác động của họ đối với xã hội là quá quan trọng kể cả khi thực tế là các nhà tài trợ, các nhà hoạch định chính sách và thậm chí là công chúng đang ngày càng quan tâm đến chủ đề này.

Họ rất ý thức rằng cạnh tranh về khoản tài trợ cũng đang làm gia tăng áp lực lên các nhà nghiên cứu của họ về việc phải công bố. Điều này xảy ra cùng thời điểm khi các nhà nghiên cứu đang chật vật để đáp ứng những kỳ vọng phát triển của sinh viên; chẳng hạn như mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy thay cho cách tiếp cận dựa trên bài giảng truyền thống. Cũng có những áp lực từ ngành công nghiệp, đó là đào tạo được những sinh viên tốt nghiệp với đầy đủ những kỹ năng sẵn sàng cho thị trường việc làm bây giờ.

Niềm tin vào những cải tiến trong hệ thống và các công cụ giúp nghiên cứu sẽ giúp cải thiện tình hình. Nhưng những lợi ích mà họ mong đợi đạt được rất khác nhau, và bị ảnh hưởng bởi khu vực và nhận thức về cách vận hành của họ.

Hợp tác được coi là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện nghiên cứu hiệu quả cao, đặc biệt là hợp tác quốc tế. Điều này đúng ở hầu hết các khu vực, ngoại trừ Bắc Mỹ, nơi cộng tác không được coi là ưu tiên và bị coi là khu vực có năng suất nghiên cứu thấp. Sự hợp tác bên trong và bên ngoài giữa các nhà lãnh đạo được coi là cần thiết, nhưng lại đầy thách thức do môi trường cạnh tranh khốc liệt. Những người hợp tác cùng có khả năng cũng trở thành những đối thủ cạnh tranh, đặc biệt khi khoản tài trợ (phải chia ra) đang ngày càng eo hẹp. Tất cả các nhà lãnh đạo đều coi việc kết nối với các bên liên quan bên trong và bên ngoài và chia sẻ phương pháp hay nhất là quan trọng đối với vai trò của họ.

Những phát hiện quan trọng từ báo cáo theo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thế mạnh của khu vực là chiến lược hợp lý và quản lý tốt nguồn tài trợ nghiên cứu.

Các nhà lãnh đạo khu vực này tự tin với khả năng giao tiếp và tham gia cộng đồng, nhưng không đánh giá cao mức độ quan trọng của nó. Tuyển dụng, phát triển nhân tài và tiến hành những nghiên cứu chất lượng cao là mục tiêu chính và ưu tiên của họ.

Times Higher Education được coi là kênh tin tức quan trọng nhất, theo sau đó là sự truyền miệng và dữ liệu xếp hạng của các trường đại học.

Về mạng xã hội, Facebook là kênh phổ biến nhất, theo sau là WeChat.

Các khó khăn chính đối với khu vực này là cách thức thu hút những sinh viên tài năng, vốn đầu tư (mối lo ngắn hạn), thiếu hợp tác (mối lo dài hạn), nâng cao độ nhận diện và vị thế trong cộng đồng. 

Theo những người được hỏi, họ cảm thấy hệ thống thông tin có thể giúp đỡ về khoản tuyển dụng và đào tạo ra những nhân tài có năng lực cao, theo sau đó là khả năng tiến hành những nghiên cứu chất lượng cao.

Những bước tiếp theo?

Nhìn chung, nghiên cứu đã cho thấy các lãnh đạo trường đại học không chỉ nhận thức được về những thách thức mà họ phải đối mặt, mà còn rất cố gắng để biến chúng thành những cơ hội. Và những người được khảo sát cảm thấy hệ thống thông tin trợ giúp được cải tiến có thể giúp họ hiện thực hóa những điều đó.

Đối với tất cả những ai làm việc trong cộng đồng nghiên cứu và giáo dục, đều cơ hội khả năng cùng hợp lực để đảm bảo rằng các trường đại học nhận được sự hỗ trợ, có một hệ thống và dữ liệu họ cần để lập kế hoạch, thực hiện và truyền đạt tác động từ nghiên cứu của họ tốt hơn. Thật mừng vì hơn 50% những người được mời tham gia nghiên cứu đã đồng ý tham gia cuộc khảo sát, phỏng vấn và chia sẻ kiến ​​thức cũng như phương pháp tốt nhất để cùng nhau thực hiện các bước tiếp theo.

Nguồn

Elsevier & Ipsos MORI. (September 02, 2020). Challenges university leaders face in an ever-changing world — and strategies to tackle them. Elsevier.

Quốc Việtlược dịch

Nguồn: EdLab Asia

Bạn đang đọc bài viết Thách thức và cơ hội mà các nhà lãnh đạo trường Đại học đang phải đối mặt tại chuyên mục Thông tin khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19