Làn sóng các nghiên cứu về Covid đã làm thay đổi nền xuất bản học thuật như thế nào - số liệu từ 7 biểu đồ sau sẽ khiến bạn bất ngờ

Tạp chí Giáo Dục trân trọng dịch và giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết của tác giả Holly Else - “How a torrent of COVID science changed research publishing — in seven charts” (Tạm dịch: Làn sóng các nghiên cứu về Covid đã làm thay đổi nền xuất bản học thuật như thế nào - số liệu từ 7 biểu đồ).

Một loạt các nghiên cứu về virus corona đã phủ sóng các trang web và những tạp chí khoa học trong suốt năm nay. Một phân tích của Nature cho thấy, những nghiên cứu thuộc nhóm này đã có tác động to lớn trong việc làm thay đổi phương pháp tiếp cận và đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học.

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nền khoa học cũng như dẫn đến những thay đổi lớn trong lĩnh vực xuất bản học thuật, theo các dữ liệu được đối chiếu và phân tích bởi Nature.

Theo thông tin từ một cơ sở dữ liệu xuất bản, có khoảng 4% số lượng nghiên cứu của thế giới trong năm nay là về virus corona. Nhưng năm 2020 cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các bài báo được gửi đến các tạp chí khoa học thuộc tất cả các lĩnh vực - có lẽ bởi nhiều nhà nghiên cứu phải ở nhà và do đó tập trung vào việc viết lách hơn thay vì tiến hành các nghiên cứu trên thực địa.

Một phân tích cho thấy, chỉ riêng số lượt gửi bài đến các tạp chí thuộc hệ thống nhà xuất bản Elsevier đã tăng khoảng 270.000 bài - tương đương 58% - trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng thậm chí còn cao hơn đối với các bài viết về chủ đề y tế và sức khoẻ, với tỷ lệ tăng “khổng lồ” là 92%.

Đại dịch cũng thúc đẩy sự tăng mạnh mẽ việc chia sẻ kết quả nghiên cứu qua hình thức (ấn phẩm tiền xuất bản - các bài viết được đăng tải trực tuyến trước cả khi phản biện), góp phần làm tăng số lượng công trình được đăng tải của các tác giả nam lên cao hơn so với các đồng nghiệp nữ, đồng thời có ảnh hưởng tới thời gian phản biện - theo đó, thời gian phản biện một số lĩnh vực nghiên cứu nhất định có giảm đi, song ở một số lĩnh vực khác lại tăng lên.

Làn sóng Covid

Các nhà khoa học đã xuất bản hơn 100.000 bài báo về đại dịch do virus corona gây ra trong năm 2020. Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu Dimensions, tổng số bài thậm chí đã vượt qua con số 200.000 vào đầu tháng 12. (Các số liệu ước tính khác nhau phụ thuộc vào cụm từ tìm kiếm, phạm vi cơ sở dữ liệu và định nghĩa về bài báo khoa học của từng đơn vị thống kê). Hơn 4% bài báo được liệt kê trong cơ sở dữ liệu Dimensions trong năm nay có liên quan đến Covid và khoảng 6% trong đó được lập chỉ mục trong PubMed, chủ yếu bao gồm các bài thuộc lĩnh vực khoa học đời sống, nói về đề tài này.

 

Nguồn: Nature

Từ sự lây lan của dịch bệnh đến vấn đề sức khoẻ tinh thần

Theo một phân tích về chủ đề của các bài báo được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu PubMed của Primer, một công ty ở San Francisco, California - nơi phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - ban đầu, các bài báo về COVID-19 (và cả các bài preprint) chủ yếu tập trung vào sự lây lan của dịch bệnh, hậu quả mà những người nhiễm virus phải gánh chịu, cùng thông tin về kết quả chẩn đoán, xét nghiệm. Tuy nhiên những bài viết dạng này hầu như đã chấm dứt vào tháng 5, và ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến khía cạnh sức khoẻ tinh thần, Zein Tawil, một nhà nghiên cứu tại công ty cho biết.

 

Nguồn: Nature

“Cuộc chạy đua” để “preprint”

Hơn 30.000 bài báo về nghiên cứu COVID-19 được xuất bản vào năm 2020 là bài “tiền xuất bản” (preprint) - chiếm khoảng 17% đến 30% tổng số bài nghiên cứu về COVID-19 (tuỳ thuộc vào cơ sở dữ liệu). Theo Dimensions, 1/10 trong tổng số các bài preprint của năm nay là về đề tài COVID-19.

 

Nguồn: Dimensions

Hơn một nửa số bài preprint của năm nay được đăng tải trên một trong ba trang - medRxiv, SSRN và Research Square. Và hơn 2/3 trong tất cả các bản preprint được đăng tải trên medRxiv, nền tảng chỉ mới ra mắt vào tháng 6 năm ngoái, là về chủ đề COVID-19. Theo John Inglis, đồng sáng lập của medRxiv và bioRxiv, đồng thời là giám đốc điều hành của Cold Spring Harbour Laboratory Press có trụ sở New York, cho biết rằng vào đầu tháng 12, gần 1/4 số bài preprint về COVID-19 được đăng tải trên medRxiv đã được đăng tải chính thức trên các tạp chí khoa học.

“Đây là một năm đặc biệt của hình thức đăng bài dạng preprint", Inglis nói, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều bác sĩ lâm sàng đã biết đến nền tảng medRxiv. “Chúng tôi dự đoán sự gia tăng của preprint sẽ còn tiếp diễn vào năm 2021, do các nhà khoa học sẽ tiếp tục hào hứng với việc đẩy nhanh tốc độ chia sẻ kết quả nghiên cứu thông qua hình thức preprint này.”

 

Nguồn: Nature

Tăng tốc quá trình phản biện

Các tạp chí “chạy đua” để có được các nghiên cứu về COVID-19 thông qua việc nhận phản biện. Inglis cho biết các bài viết preprint về COVID-19 từng được đăng tải MedRxiv đã xuất hiện chính thức trên các tạp chí có yêu cầu phản biện sau thời gian phản biện trung bình là 72 ngày, nhanh gấp đôi so với các bài preprint về đề tài khác. Ông ghi nhận công sức của các biên tập viên và nhà xuất bản vì đã thúc đẩy quy trình phản biện của họ hoạt động nhanh hơn và các nhà khoa học đã đồng ý duyệt đăng nhiều bài nghiên cứu hơn so với bình thường.

Một nghiên cứu trên 11 tạp chí y khoa trong nửa đầu năm cho thấy các tạp chí xuất bản các bài nghiên cứu về virus corona nhanh hơn nhiều so với bình thường, nhưng đổi lại, các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác lại được duyệt đăng chậm hơn.

 

Nguồn: Nature

Inglis nói: “Nhu cầu về tốc độ đã gây áp lực đáng kể lên các hệ thống phản biện điển hình, do đó điều này sẽ khó có thể duy trì". Ông cũng nói thêm rằng các bài preprint có chủ đề về đại dịch được xuất bản trong quý đầu tiên của năm 2020 được duyệt đăng trên các tạp chí nhanh hơn so với các bài được gửi sau này - đây có thể là bằng chứng thể hiện sự căng thẳng đang gia tăng trong quy trình phản biện. Bên cạnh đó, các sự kiện của năm nay có lẽ sẽ tạo thêm động lực cho những phương thức phản biện mới dành cho những công trình đã được xuất bản dưới dạng preprint.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Theo phân tích của một số tạp chí, số lượng nghiên cứu của các nhà khoa học về COVID-19 đã “lần theo” đúng đường đi của con virus này trên khắp thế giới. Cụ thể, số lượng các bài nghiên cứu về COVID-19 của các học giả Trung Quốc đạt đỉnh vào đầu năm. Và khi virus này lây lan sang Ý, số lượng bài báo của các nhà khoa học ở quốc gia này cũng theo đó mà tăng lên.

 

Nguồn: Nature

Nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất

Một trong những bài báo đầu tiên về COVID-19 được công bố - một nghiên cứu đăng tải ngày 24/1 trên tạp chí The Lancet về 41 người nhập viện ở Vũ Hán, Trung Quốc - là bài viết được trích dẫn nhiều nhất. Còn bài preprint được trích dẫn nhiều nhất - một báo cáo từ các nhà nghiên cứu thiết lập mô hình đại dịch tại Đại học Hoàng gia London, vào ngày 16/3, dự đoán các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội có thể ngăn chặn hàng triệu ca tử vong - đã có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của Anh và được dẫn lại trên toàn thế giới.

Theo Altmetric, một công ty có trụ sở tại London chuyên theo dõi các chỉ số trích dẫn, bài preprint nói trên cũng là bài viết thu hút được nhiều sự quan tâm nhất trên các phương tiện mạng xã hội. (Đứng thứ hai là một bài báo đăng tải từ năm 2005 cho rằng thuốc chống sốt rét chloroquine có khả năng ức chế virus corona - virus gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) trong các thí nghiệm, và đứng thứ ba là một bài báo cho rằng virus corona SARS-CoV-2 không hề ra đời từ một phòng thí nghiệm).

Những trở ngại không công bằng

Trong bối cảnh những nghiên cứu về đại dịch được xuất bản gần như “điên cuồng”, sẽ luôn có cả người thắng và kẻ thua. Mặc dù các nhà nghiên cứu năm nay gửi nhiều bản thảo cho các tạp chí hơn so với năm ngoái, nhưng tính trung bình, sự gia tăng về số lượng bài nộp từ các tác giả nữ vẫn “đi sau” so với các tác giả nam trên tất cả các lĩnh vực, và đặc biệt, nhóm các tác giả nữ lớn tuổi là nhóm có tốc độ gia tăng số lượng công trình công bố thấp nhất, theo phân tích được tiến hành trên hàng trăm nghìn bài báo được gửi đến các tạp chí của nhà xuất bản Elsevier trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5.

 

Nguồn: Nature

Flaminio Squazzoni, một nhà khoa học xã hội tại Đại học Milan, Ý, đồng tác giả của nghiên cứu phân tích trên, cho biết hiện tượng này có thể bắt nguồn từ việc phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái - trẻ em phải học tại nhà trong thời gian cách ly. Tuy nhiên, quy trình phản biện - nơi các nhà nghiên cứu nam và nữ nhận và chấp nhận lời mời phản biện với tỷ lệ ngang nhau - không thấy có hiện tượng này.

“Đại dịch đã mang lại những cơ hội đáng kinh ngạc cho các nhà nghiên cứu, nhưng nó cũng là một cú sốc đối với hệ thống học thuật, với sự bùng nổ các công bố khoa học và các trích dẫn đối với các nghiên cứu về COVID-19. Điều này đang bóp méo nền khoa học. Chúng tôi cần đảm bảo những điều này được tính đến khi tiến hành quảng bá và tuyển dụng trong những năm tới”, Squazzoni nói.

Sự “rút lui” của COVID

Cũng có những vụ bê bối trong nghiên cứu-xuất bản các bài báo về đại dịch. Một số bài nghiên cứu nổi tiếng về COVID-19 đã bị rút lại, bao gồm các nghiên cứu dựa trên hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân khu vực Surgisphere ở Chicago, Illinois - những kết quả này đã bị nghi ngờ sau khi công ty tuyên bố họ không cho phép bất kỳ ai truy cập vào hệ thống dữ liệu sức khỏe của khách hàng. Tổng cộng, đã có 15 bản preprint và 24 bài báo về chủ đề COVID-19 đã bị thu hồi hoặc rút lại vào tháng 12, theo trang web Retraction Watch. (Ngoài ra, 5 bài báo khác đã được 'tạm thời rút lại'; cùng 5 bài khác cũng đang có những biểu hiện nghi vấn.) Với khối lượng nghiên cứu cực lớn về virus corona, tỷ lệ bài báo vướng “scandal” này cũng tương đương với tỷ lệ chung của các nghiên cứu khác.

Ivan Oransky, một nhà báo ở Thành phố New York, người đồng sáng lập Retraction Watch, cho biết còn quá sớm để nói liệu các công trình nghiên cứu COVID-19 có nhiều khả năng bị rút lại hơn những công trình khác hay không. Thông thường, trung bình sau 3 năm các biên tập viên mới rút lại một bài báo, nhưng trong thời gian đại dịch, quy trình này chỉ mất vài tháng - một phần vì những tạp chí khoa học này cũng đang chịu nhiều sự “soi” hơn so với bình thường. Oransky kết luận: “Việc rút lại một bài nghiên cứu là biểu hiện điển hình thu hút sự chú ý hơn bất cứ điều gì khác”.

Nguồn

Holly Else (2020). How a torrent of COVID science changed research publishing — in seven charts. Nature (558).

Vân An lược dịch

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19