Ví điện tử Gpay chính thức ra mắt

(Mic.gov.vn) - Ví điện tử Gpay, được định giá 425 tỷ đồng, có hệ sinh thái hỗ trợ từ G-Group với gần 30 triệu người dùng trên các nền tảng tài chính, công nghệ tài chính và các nền tảng kết nối thông tin, hướng tới cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính cho 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2023.

Sáng ngày 19/1/2021, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghệ G-Group chính thức công bố khoản đầu tư series A vào ví điện tử Gpay và ra mắt liên doanh KB Fina giữa Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc và Tập đoàn Công nghệ G-Group. 

Theo đại diện Công ty cổ phần thanh toán G, khoản đầu tư sẽ được Gpay sử dụng vào việc tăng trưởng người dùng dựa trên hệ sinh thái sẵn có, phát triển các giải pháp công nghệ mang tính chiến lược và đầu tư phát triển con người với sứ mệnh mang lại sự tiện ích, an toàn và hạnh phúc hơn cho mọi người dân Việt Nam qua việc cung cấp các nền tảng về dịch vụ tài chính trên thiết bị di động.

20210119-pg1.jpg

Gpay được định giá 425 tỷ đồng trong vòng Series A

Gpay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo Văn bản số 37/GP-NHNN. Theo đó, các dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép là: Dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ Ví điện tử. 

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) nhận định, các doanh nghiệp công nghệ số hiện nay đang đóng vai trò định nghĩa lại tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Ngành tài chính, ngân hàng, lĩnh vực này đang được định nghĩa lại bởi các doanh nghiệp Fintech. 

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu phổ cập dịch vụ tài chính, đưa dịch vụ này tới gần hơn các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng thông qua các nền tảng số. Các doanh nghiệp Fintech đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này. 

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp Fintech được biết đến như  là mối đe dọa đối với sự tồn tại của các ngân hàng truyền thống. Nay sự kết hơp giữa ngân hang truyền thống và doanh nghiệp fintech theo một mô hình phù hợp có thể tạo nên đột phá: Mang lại tập khách hàng mới và tạo ra những giá trị mới cho tập khách hàng cũ. 

Cũng tại sự kiện, Liên doanh Fintech KB Fina giữa Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc (thông qua Công ty Chứng khoán KB Việt Nam) và Tập đoàn Công nghệ G-Group được công bố, nhận đầu tư 300 tỷ đồng trong giai đoạn 1. 

FB Fina là một nền tảng tài chính số toàn diện nhằm phục vụ người Việt Nam với các sản phẩm và nội dung tài chính đa dạng. Đặc biệt, Fintech này cũng sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng và tiện lợi hơn cho người tiêu dùng thuộc phân khúc chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được cung cấp dịch vụ ngân hang, theo ông Peter Park - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

“KB Fina sẽ hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Công nghệ G-Group tại Việt Nam và Tập đoàn Tài chính KB tại Hàn Quốc để đóng góp giá trị cho xã hội và người tiêu dùng Việt Nam thông qua các dịch vụ kể trên. Tại Hàn Quốc, KB là Tập đoàn Tài chính lớn nhất, có tài sản 520 tỷ USD (tính đến Quý 3/2020) và có hoạt động kinh doanh với công ty chứng khoán KBSV và Ngân hàng KB tại Việt Nam. Tương lai của KB Fina sẽ tươi sáng và đầy hứa hẹn.” - Ông Peter Park cho biết thêm.

G-Group là một trong những Tập đoàn Công nghệ hàng đầu của Việt Nam chú trọng ứng dụng & đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và con người nhằm tăng chất lượng trải nghiệm cuộc sống của người Việt. G-Group tập trung đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, hơn 1000 nhân sự, hoạt động với hệ sinh thái 8 công ty thành viên và đang tiếp tục mở rộng. Hệ sinh thái G-Group hiện phục vụ gần 30 triệu người dùng trên các nền tảng về dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính, trung gian thanh toán, ví điện tử, mạng xã hội, nền tảng giải trí game online, truyền thông digital, an ninh mạng, R&D công nghệ cao tại thị trường Việt Nam.

Nguồn: Giang Phạm

(https://mic.gov.v)n/mic_2020/Pages/TinTuc/146227/Vi-dien-tu-Gpay-chinh-thuc-ra-mat.html

 

 

Bạn đang đọc bài viết Ví điện tử Gpay chính thức ra mắt tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn