Một số bảng xếp hạng đại học thế giới
Theo Luật Giáo dục Đại học hiện hành, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế. Hiện nay, có một số bảng xếp hạng đại học thế giới uy tín như: Bảng Xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới - Academic Ranking of World Universities (ARWU); Bảng Xếp hạng các trường đại học thế giới của QS - QS World University Rankings (QS-Quacquarelli Symonds); Bảng Xếp hạng các trường đại học thế giới của THE - Times Higher Education World University Rankings. Các bảng xếp hạng có bộ tiêu chuẩn/tiêu chí, phương pháp đánh giá khác nhau nên kết quả sẽ không giống nhau.
Ví dụ, ARWU là bảng xếp hạng tự xây dựng dữ liệu đánh giá các đại học trên toàn thế giới căn cứ vào các chỉ số học thuật dựa trên 6 tiêu chí khách quan, bao gồm: số lượng cựu sinh viên và giảng viên đoạt giải Nobel và Huy chương Fields; số lượng nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất; số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí Nature và Science; số lượng bài báo được chỉ mục trong Science Citation Index-Expanded và Social Science Citation Index; và hiệu suất học thuật trên đầu người của một tổ chức. Trong khi đó, Bảng Xếp hạng các trường đại học thế giới (QS World University Rankings) lại đánh giá về chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường đại học, bao gồm các yếu tố truyền thống như uy tín học thuật, uy tín với nhà tuyển dụng, số lượng trích dẫn nghiên cứu, bên cạnh các tiêu chí mới như tính bền vững, tỷ lệ có việc làm của người học tốt nghiệp và xu hướng kết nối quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của THE đánh giá các trường đại học trên toàn cầu dựa trên nghiên cứu những nhiệm vụ cốt lõi của một trường đại học: Giảng dạy (Teaching), Môi trường nghiên cứu (Research Environment), Chất lượng nghiên cứu (Research Quality), Chuyển giao công nghệ (Industry), Mức độ quốc tế hóa (International Outlook). Mỗi nhóm tiêu chí chiếm 4-30% trọng số. Trong đó, trọng số cao nhất thuộc về chất lượng nghiên cứu (30%), phản ánh sức mạnh và tầm ảnh hưởng học thuật của các trường.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về độ tin cậy của các bảng xếp hạng, song sự ảnh hưởng tích cực của chúng ngày càng tăng. Cho đến nay, một số trường đại học ở Việt Nam có mặt trong bảo xếp hạng đại học uy tín như: Đai học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng… mở ra kỳ vọng về một nền giáo dục đại học ngày càng hội nhập và có uy tín trên trường quốc tế.
Xếp hạng đại học cần là công cụ để phát triển thực chất
Trước đó, Tạp chí Giáo dục đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về vấn đề xếp hạng đại học. Theo quan điểm của Giáo sư, việc tham gia các bảng xếp hạng quốc tế sẽ phản ánh mức độ hội nhập quốc tế, mức độ được công nhận của các công trình nghiên cứu, chất lượng giảng dạy cũng như mạng lưới hợp tác quốc tế của các trường. Tuy nhiên, Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng, xếp hạng đại học cần tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh, bởi đây không phải là mục tiêu cuối cùng, mà chỉ là một công cụ giúp các trường soi chiếu, từ đó nỗ lực vươn lên một cách bền vững và đúng hướng.
Thực tế cho thấy bức tranh xếp hạng đại học Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập. Có trường chưa đủ năng lực tham gia bảng xếp hạng vì thiếu nguồn lực, thiếu chiến lược bài bản hoặc còn nhiều lo lắng về ý nghĩa thực chất của xếp hạng. Trong khi đó, không ít trường lại coi xếp hạng là một “cuộc đua” hình thức, tập trung vào các chỉ số dễ đo đếm như số lượng bài báo quốc tế, số trích dẫn, mà xem nhẹ chất lượng đào tạo, môi trường học thuật và hiệu quả phục vụ xã hội.
Là một trong những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần có một cuộc cải cách toàn diện, cả về tư duy lẫn phương pháp tiếp cận xếp hạng đại học.
Theo Giáo sư, việc đẩy mạnh các công bố quốc tế để đảm bảo các tiêu chí trong việc nâng cao xếp hạng đại học là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là giá trị học thuật và tác động thực tế của các công trình nghiên cứu.
“Hiện nay, nhiều trường đặt việc có mặt trong bảng xếp hạng quốc tế là mục tiêu, chiến lược. Tuy nhiên, mục tiêu cần đi kèm với cam kết đầu tư tương xứng về: con người, cơ sở vật chất, thể chế… Quan trọng nhất, đó phải là quyết tâm nội tại của từng trường, không phải do thành tích hay chỉ tiêu áp xuống”, Giáo sư chia sẻ thêm.
Cần một tư duy xếp hạng đại học có chiều sâu
Có thể thấy, xếp hạng đại học hay đầu tư cho các nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu biến điều này thành chỉ tiêu thi đua, dùng làm căn cứ xếp hạng, khen thưởng, đưa vào quy hoạch phát triển… rất dễ làm mất đi bản chất thực sự của nghiên cứu khoa học và mục đích của xếp hạng đại học. Giáo dục đại học ngoài nghiên cứu khoa học, còn nằm ở chất lượng đào tạo, mức độ phục vụ cộng đồng, khả năng đổi mới sáng tạo, mức độ hài lòng của người học. Ngoài ra, việc quá tập trung vào thứ hạng có thể gây ra sự mất cân đối trong phân bổ nguồn lực, làm gia tăng khoảng cách giữa nhóm trường lớn và các trường nhỏ.
Xếp hạng đại học nếu được sử dụng đúng cách sẽ là công cụ phản ánh năng lực tổng thể và mức độ hội nhập quốc tế của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, rất cần một cái nhìn đa chiều và thận trọng hơn để xếp hạng đại học không làm sai lệch bản chất học thuật, tri thức và sứ mệnh phục vụ cộng đồng của các trường đại học. Việc các trường đại học tham gia bảng xếp hạng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, Việt Nam cần định hướng rõ ràng: xếp hạng là công cụ, không phải mục tiêu. Thành tích xếp hạng chỉ có ý nghĩa khi đi cùng với chất lượng thật, giá trị thật và sự phát triển bền vững.
Xây dựng một hệ sinh thái đại học lành mạnh - nơi mỗi trường hiểu rõ thế mạnh, định hướng riêng và tập trung vào các giá trị cốt lõi mới là con đường giúp giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng và phát triển nội lực bền vững trong tương lai.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết về xếp hạng đại học:
- Xếp hạng đại học cần tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/89783/211/xep-hang-dai-hoc-can-tao-ra-mot-cuoc-canh-tranh-lanh-manh/
- Chính sách xếp hạng đại học ở Việt Nam: hiệu quả chính sách và khuyến nghị về một “Bảng xếp hạng Việt Nam” https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88162/222/chinh-sach-xep-hang-dai-hoc-o-viet-nam-hieu-qua-chinh-sach-va-khuyen-nghi-ve-mot-bang-xep-hang-viet-nam/
- Xếp hạng đại học ở Trung Quốc: chính sách xếp hạng, đầu tư và kinh nghiệm nào cho Việt Nam? https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88025/225/xep-hang-dai-hoc-o-trung-quoc-chinh-sach-xep-hang-dau-tu-va-kinh-nghiem-nao-cho-viet-nam/
Hà Giang