Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong giáo dục, việc trang bị cho đội ngũ giáo viên tương lai những kĩ năng và thái độ phù hợp với môi trường dạy học hiện đại là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, năng lực sử dụng các công cụ học tập tương tác từ trình chiếu đa phương tiện, bản đồ tư duy, lưu trữ trực tuyến đến khảo sát online đang ngày càng trở thành yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, tăng cường sự tham gia của học sinh và hỗ trợ quá trình học tập cá nhân hóa.
Mới đây, một nghiên cứu quy mô tại Kazakhstan của Uzunboylu và cộng sự (2025) đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt trong thái độ của sinh viên sư phạm sau khi được đào tạo bài bản về các công cụ học tập tương tác. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 242 sinh viên sư phạm đến từ nhiều trường đại học khác nhau trong năm học 2022-2023. Trước khi khảo sát thái độ, tất cả sinh viên sư phạm này đã tham gia một chương trình đào tạo kéo dài 5 tuần về công cụ Web 2.0 - những công cụ phổ biến và dễ ứng dụng trong dạy học trực tuyến và hỗn hợp. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng thực hành, tập trung vào các nhóm công cụ cụ thể theo từng tuần: từ hệ thống quản lí nội dung (như Edmodo, Wikispaces), công cụ trình chiếu (Prezi, SlideRocket), phần mềm tạo bản đồ tư duy, đến công cụ lưu trữ, chia sẻ tài liệu và đánh giá học tập trực tuyến. Sinh viên sư phạm được chia thành 4 nhóm nhỏ để đảm bảo chất lượng đào tạo và tương tác. Tổng thời lượng khóa học là 20 giờ.
Kết quả khảo sát sau khóa học cho thấy, sinh viên sư phạm thể hiện thái độ tích cực ở mức cao đối với việc sử dụng các công cụ học tập tương tác. Hầu hết đều cho rằng đây là những công cụ hữu ích, giúp bài giảng trở nên sinh động hơn, tăng khả năng tiếp cận nội dung và tạo cơ hội để học sinh tham gia tích cực vào quá trình học. Nhiều người bày tỏ mong muốn được tiếp tục học sâu hơn và áp dụng thực tế khi bước vào nghề. Đáng chú ý, nghiên cứu cũng chỉ ra một số sự khác biệt theo giới tính và chuyên ngành đào tạo. Cụ thể, sinh viên sư phạm nam có thái độ tích cực hơn so với sinh viên sư phạm nữ. Bên cạnh đó, các sinh viên sư phạm theo học ngành Toán và Vật lí (những lĩnh vực có tính logic và thường xuyên ứng dụng công nghệ) có mức độ chấp nhận công cụ học tập tương tác cao hơn so với các ngành như Giáo dục Mầm non hay Tiểu học. Trong khi đó, sự khác biệt về năm học (từ năm nhất đến năm tư) không ảnh hưởng đáng kể đến thái độ của người học.
(Nguồn ảnh: Pexels)
Những kết quả này đặt ra nhiều hàm ý quan trọng trong việc thiết kế chương trình đào tạo giáo viên. Thứ nhất, có thể thấy rằng việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề, ngắn hạn và thực hành có thể mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc thay đổi nhận thức và thái độ công nghệ của sinh viên sư phạm. Không cần đến các chương trình đào tạo dài hạn, chỉ trong 5 tuần, sinh viên sư phạm đã hình thành cách nhìn tích cực và sẵn sàng tiếp cận công cụ mới trong hoạt động giảng dạy. Thứ hai, cần quan tâm hơn đến yếu tố giới tính trong việc tổ chức các chương trình đào tạo. Những hỗ trợ kĩ thuật hoặc tâm lí phù hợp có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong việc tiếp cận công nghệ giáo dục. Đồng thời, đối với các ngành học vốn ít gắn với công nghệ như giáo dục mầm non, cần có phương pháp lồng ghép phù hợp để giúp sinh viên sư phạm thấy được vai trò thiết thực của công cụ tương tác trong hoạt động giảng dạy cho trẻ nhỏ.
Từ thành công bước đầu này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các trường sư phạm cần tích hợp nội dung đào tạo về công cụ học tập tương tác vào chương trình đào tạo chính khóa. Việc xây dựng các học phần riêng biệt hoặc tổ chức các mô-đun linh hoạt sẽ góp phần giúp sinh viên sư phạm chủ động hơn trong việc ứng dụng công nghệ và cập nhật các xu hướng giảng dạy hiện đại. Không chỉ sinh viên sư phạm, đội ngũ giáo viên đang công tác cũng cần được bồi dưỡng định kì để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đang chuyển dịch nhanh chóng sang các mô hình trực tuyến, hỗn hợp và cá nhân hóa.
Kết quả từ nghiên cứu tại Kazakhstan là một tín hiệu tích cực cho thấy rằng, nếu được đào tạo đúng cách, giáo viên tương lai hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và khai thác hiệu quả các công cụ học tập tương tác để nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam tham khảo và xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp cho đội ngũ nhà giáo trong thời đại số.
Nguồn: Uzunboylu, H., Belassarova, Z., Yermekbayev, M., Shadiyeva, N., Zhamashevа, Z., Uaidullakyzy, E., & Nurgali, S. (2025). Teacher Training for Interactive Learning Tools and Determining Their Attitudes. Revista de Educación a Distancia, 25(81), 1-17. http://dx.doi.org/10.6018/red.616831
Khánh Linh lược dịch