SEA MTLM (Southeast Asian Mathematics Teaching and Learning Model) được thiết kế như một diễn đàn học thuật, trong đó các giáo viên được mời tham gia trình bày các sáng kiến giảng dạy nhằm giải quyết những thách thức cụ thể trong lớp học Toán học. Năm nay, sự kiện có sự tham gia của các giáo viên từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia, cùng với sự góp mặt của các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục từ các quốc gia trong khu vực, bao gồm:
- GS. Ariyadi Wijaya - Đại học Negeri Yogyakarta (Universitas Negeri Yogyakarta, Indonesia)
- PGS.TS Nguyễn Tiến Trung - Đại học Quốc gia Hà Nội (Vietnam National University, Hanoi, Vietnam)
- TS. Tan Liang Soon - Học viện Giáo viên Singapore (Academy of Singapore Teachers, Singapore )
Ảnh 1. Bà Puji Iryanti - Giám đốc SEAQiM phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện
Một trong những trọng tâm của hội thảo là nhấn mạnh vai trò của năng lực toán học ứng dụng – khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đời sống, công việc và xã hội. Tại nhiều quốc gia trong khu vực, học sinh vẫn gặp khó khăn trong việc kết nối giữa lý thuyết và thực hành, giữa Toán học và đời sống, khiến mức độ hứng thú và tự tin trong học tập chưa cao. Các mô hình giảng dạy được giới thiệu tại hội thảo đều hướng đến việc giải quyết thách thức này bằng các phương pháp sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với bối cảnh thực tế từng lớp học.
Hội thảo bao gồm các phiên chuyên đề, phản biện sư phạm và các hoạt động thảo luận chuyên môn, tạo điều kiện để giáo viên mở rộng tư duy nghề nghiệp, tự đánh giá thực tiễn giảng dạy và phát triển năng lực chuyên môn một cách bền vững. Đây là dịp để các giáo viên được tiếp cận phản hồi học thuật từ các chuyên gia và chia sẻ những thực tiễn sư phạm có khả năng áp dụng trong các bối cảnh lớp học đa dạng.
Trong khuôn khổ hội thảo, Giải thưởng Sam Ratulangi tiếp tục được triển khai nhằm vinh danh giáo viên có mô hình giảng dạy được đánh giá là nổi bật. Theo thông tin từ ban tổ chức, giải thưởng hướng đến những mô hình không chỉ thể hiện tính đổi mới trong phương pháp mà còn có khả năng tạo ảnh hưởng tích cực trong thực tiễn giảng dạy Toán học tại lớp học.
Ban đầu, SEA MTLM 2025 ghi nhận khoảng 90 hồ sơ đăng ký đến từ các giáo viên ở ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại các nước Đông Nam Á. Qua các vòng sơ loại, 9 hồ sơ xuất sắc đã được lựa chọn, chia thành ba nhóm tương ứng với ba cấp học, mỗi nhóm gồm 3 giáo viên. Việc lựa chọn dựa trên các tiêu chí như kế hoạch bài học (lesson plan), báo cáo chuyên môn và ý tưởng sư phạm thể hiện qua việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong dạy học Toán.
Theo ban tổ chức, các kế hoạch bài học được tuyển chọn đều thể hiện sự chuẩn bị công phu, có cơ sở lý thuyết rõ ràng cho từng hoạt động học tập, bao gồm kiểm tra – đánh giá, tích hợp công nghệ, giáo dục STEM và định hướng phát triển môi trường học tập tích cực, có ý nghĩa đối với học sinh. Thông qua các mô hình này, Toán học được thể hiện một cách sinh động, gần gũi, gắn kết với các vấn đề như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học và đời sống hàng ngày của người học.
Ảnh 2. Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên, đại biểu duy nhất tại Việt Nam tham dự giải thưởng (phần chung khảo)
Ảnh 3, 4. Các ứng viên tham dự giải thưởng (phần chung khảo)
Một số mô hình còn lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa một cách sáng tạo vào nội dung và phương pháp dạy học. Đơn cử, mô hình của Thạc sĩ Đào Thị Hồng Quyên (Việt Nam) đã khai thác các biểu tượng truyền thống như hoa ban, hoa văn trên trang phục dân tộc để kết nối kiến thức Toán học với giá trị văn hóa, giúp học sinh tiếp cận môn học qua lăng kính gần gũi và có chiều sâu bản sắc. Bên cạnh đó, khả năng sử dụng tiếng Anh trôi chảy là một lợi thế được ghi nhận ở nhiều giáo viên đến từ Indonesia và Philippines. Trong các báo cáo trình bày và tư liệu lớp học, các hình ảnh phản ánh sự sáng tạo trong thiết kế hoạt động, sự tham gia tích cực của học sinh và những nỗ lực chuyên môn của giáo viên. Đây cũng là cơ sở cho hội đồng chuyên gia đánh giá cao tinh thần đổi mới và tâm huyết của đội ngũ nhà giáo trong khu vực.
Với định hướng thúc đẩy cải tiến sư phạm từ cấp lớp học, SEA MTLM 2025 tái khẳng định vai trò then chốt của giáo viên trong tiến trình cải cách giáo dục khu vực, đồng thời làm nổi bật sự cần thiết của các diễn đàn học thuật chuyên sâu – nơi tri thức, kinh nghiệm và đổi mới được lan tỏa một cách có hệ thống và bền vững trong cộng đồng giáo dục Đông Nam Á.
Ảnh 5. Ban tổ chức, ban giám khảo và ứng viên tại vòng thi chung kết
Lương Ngọc, Vân An