Các cơ sở giáo dục phía Nam góp ý Dự thảo Luật Giáo dục

Chiều 16/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; thành viên Ban soạn thảo; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông khu vực phía Nam.

Đại biểu dự hội thảo

Cần sửa đổi Luật phù hợp với định hướng đổi mới

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Sau 5 năm thực hiện, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT chủ trì trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

“Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi Luật Giáo dục được xem là luật nền tảng trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc tổ chức thảo luận, góp ý để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học và bảo đảm phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Bổ sung trung học nghề là cấp học

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 (Hệ thống giáo dục quốc dântheo hướng xác định rõ các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học. Điểm mới trong quy định này là bổ sung trung học nghề là cấp học. Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau trung học cơ sở, tạo cơ hội học liên thông, học suốt đời, phù hợp với cách tiếp cận hệ thống của UNESCO.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đào Hồng Cường chia sẻ tại hội thảo

Dự thảo cũng giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng GDĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS; Giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho việc Giám đốc Sở GDĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, sửa đổi quy định về hoạt động khoa học, công nghệ của cơ sở giáo dục, bổ sung nội dung quy định về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa.

Dự thảo cũng bỏ Hội đồng trường trong trường mầm non, phổ thông công lập; Không thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, thay bằng quy định về đánh giá chất lượng đối với các cơ sở giáo dục này.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo Vụ Pháp chế và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM điều hành hội thảo

Bỏ hội đồng trường mầm non, phổ thông là phù hợp

Tại hội thảo, đồng thuận với việc bỏ Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ông Nguyễn Minh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (TP.HCM) cho biết, chính sách này không ảnh hưởng đến tính dân chủ trong nhà trường bởi quyền giám sát vẫn được đảm bảo thông qua các cơ chế như Đảng ủy/Chi bộ, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các cơ quan quản lý trực tiếp.

Theo ông Hoàng, việc bỏ quy định này sẽ giúp giảm áp lực nhân sự, tiết kiệm chi phí vận hành, tăng tính tập trung vào các hoạt động dạy và học. Điều này cũng phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Góp ý về chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí cho người học trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Thế Tài, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng, chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ học phí không chỉ là một biện pháp an sinh giáo dục, mà còn là minh chứng sinh động cho cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm công bằng xã hội và nuôi dưỡng ước mơ học tập của hàng triệu người trẻ.

Đại biểu trao đổi tại hội thảo

Ông Tài kiến nghị, cần mạnh dạn sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bổ sung những cơ chế mới, từ cấp bù học phí theo thực thu, xã hội hóa học bổng, đến phân quyền cho các trường và tích hợp dữ liệu quốc gia, để chính sách đến được đúng người, đúng lúc và đúng ý nghĩa.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Bạn đang đọc bài viết Các cơ sở giáo dục phía Nam góp ý Dự thảo Luật Giáo dục tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn