Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của GS.TS.NGƯT Trần Minh Hưởng – Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân và PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên từ nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trên cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức và thực hành quyền con người. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn đã nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo dục quyền con người trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và một quốc gia hùng cường, đồng thời khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề này, được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp lý liên quan. Đặc biệt, Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 01/01/2025 của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định “Chương trình giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân”.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng khoa học với hơn 170 bài viết gửi về. Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe và thảo luận các tham luận sâu sắc, đa chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý. GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Khoa học giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, trình bày về “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển toàn diện con người - Cách tiếp cận mới về giáo dục quyền con người trong bối cảnh hiện nay”, trong đó nhấn mạnh: Mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người. Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không chỉ là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể… Quan niệm về việc học, về giáo dục cũng phải thay đổi dựa trên nền tảng tiến bộ, nhân văn mà trong di sản của Bác Hồ đã để lại. Từ đây, cần cách tiếp cận mới về giáo dục quyền con người trong xã hội mở, xã hội số. Về giáo dục quyền con người trong các nhà trường, tham luận đề cao việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ thông qua môn học đạo đức công dân, lồng ghép nguyên tắc và tiêu chuẩn cụ thể của luật nhân quyền quốc tế vào chương trình giáo dục của các nhà trường.
GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Khoa học giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên
Bàn về mối liên hệ giữa giáo dục nhân văn và quyền con người trong bối cảnh xã hội hiện đại, PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Giáo dục nhân văn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về quyền con người. Thông qua việc giảng dạy các giá trị nhân văn, học sinh được khuyến khích phát triển tư duy phê phán và khả năng nhận thức về quyền lợi của bản thân cũng như quyền lợi của người khác. Những công dân giàu lòng nhân ái sẽ đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Giá trị nhân văn được tích hợp trong các chính sách giáo dục là yếu tố cốt lõi giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ của quốc gia”. Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với một số thách thức như sự khác biệt về điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội giữa các vùng miền; hệ thống giáo dục đang nặng về lý thuyết; các tác động từ yếu tố bên ngoài;…
PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Ngoài các tham luận được trình bày tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 134 bài viết chất lượng để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo dày hơn 1400 trang, được biên tập thành ba phần chính, tập trung vào các nhóm chủ đề:
Phần thứ nhất: Lí luận về Quyền con người (39 bài, chiếm 29.2%).
Phần thứ hai: Thực trạng giáo dục Quyền con người trong nhà trường Việt Nam hiện nay (41 bài, chiếm 30.5%).
Phần thứ ba: Định hướng, giải pháp, nội dung giảng dạy Quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (54 bài, chiếm 40,3%).
Các tham luận đã tập trung phân tích sâu sắc về lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quyền con người trong các nhà trường, góp phần đào tạo ra những công dân có ý thức pháp luật, tinh thần nhân văn, kỹ năng bảo vệ quyền và trách nhiệm xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh.
Trong 2 phiên thảo luận tại Hội thảo, Ban tổ chức và các đại biểu đã thống nhất cao quan điểm: Giáo dục quyền con người không chỉ là một môn học mà là một quá trình thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ vào nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Việc đầu tư vào giáo dục quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước.
Giáo dục quyền con người không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân văn. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc giáo dục quyền con người cho học sinh càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Nội dung giáo dục quyền con người cho học sinh cần toàn diện, thực tiễn, linh hoạt và hội nhập, bao gồm: các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, các quyền đặc thù và các giá trị, kỹ năng cần thiết. Để triển khai hiệu quả giáo dục quyền con người cho học sinh cần lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người vào các môn học, tổ chức hoạt động ngoại khóa, sử dụng truyền thông, thúc đẩy sự tham gia của học sinh; đẩy mạnh giáo dục từ gia đình; đào tạo giáo viên và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan.
Hà Giang