Các trường học tiên phong thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số"

Nhằm cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời triển khai phong trào"Bình dân học vụ số" về học tập suốt đời do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, nhiều trường học hàng đầu trong ngành Giáo dục đã tiên phong triển khai, thực hiện.

Bình dân học vụ số là việc phổ cập tri thức công nghệ, kỹ năng số cho toàn dân, đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cấp bách trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp người dân khai thác tốt lợi ích của công nghệ, mà còn góp phần nâng cao hiệu suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

Từ phong trào “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”: Sự kế thừa, tiếp nối và phát triển

Kế thừa phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động 80 năm trước để xóa “giặc dốt”, nay Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát triển phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kỹ năng số cho toàn dân, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả. Tổng Bí thư Tô Lâm, nhấn mạnh: “Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ".

Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 của Bộ Chính trị cũng đã xác định vai trò của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số" đầu tháng 3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn/. Với các tính năng ưu việt, nền tảng "Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 01/4/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: "Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số".

Đến nay, Phong trào "Bình dân học vụ số" đã được triển khai trên 3 nền tảng gồm: Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch và nền tảng học trực tuyến mở đại trà MobiEdu (đã đào tạo cho hơn 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phổ cập kỹ năng số miễn phí cho hơn 40 triệu lượt người); và nền tảng "Bình dân học vụ số" đến nay đã đào tạo 200 nghìn lượt cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 26/3/2025 (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Các trường học tiên phong thực hiện phong trào

Là một trong các đơn vị tiên phong triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, Trường Đại học Bách khoa đã đồng hành, phối hợp với Bộ Công An, cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành nền tảng "Bình dân học vụ số". Đây là nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành.

Nhận thức rõ tính cách mạng, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, với phương châm "toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau", Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm như: Nhà trường đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao kỹ năng số cho giảng viên, sinh viên, góp phần vào công cuộc xoá mù số trên toàn quốc. Nhà trường cũng đặt mục tiêu hoàn thiện nền tảng eHUST, nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, qua đó thúc đẩy giáo dục số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nhà trường sẽ phát triển các trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược, đóng góp vào hệ sinh thái khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. "Chúng tôi tin rằng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới", Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định.

Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức Lễ phát động phong trào và Hội nghị về chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục của đơn vị. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã khánh thành mô hình quản trị thông minh tại Học viện. Theo báo cáo về công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy giai đoạn 2021-2025 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định trong 5 năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, được triển khai đồng bộ, thống nhất từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Học viện. Hệ thống công nghệ thông tin đã được quản lý thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung tâm Học viện đến các đơn vị trực thuộc, các trường chính trị. Công tác đầu tư, xây dựng, triển khai dự án công nghệ thông tin được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ nhu cầu thực tế của Học viện và người sử dụng trên toàn hệ thống. Đội ngũ cán bộ, viên chức của các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của toàn hệ thống Học viện đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trịnh Thu

 

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT:

1. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10406

2. Thư viện Pháp luật: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/nen-tang-binh-dan-hoc-vu-so-la-gi-huong-dan-dang-nhap-nen-tang-binh-dan-hoc-vu-so-nhu-the-nao-638186-207641.html

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: https://ajc.hcma.vn/le-phat-%C4%91ong-phong-trao-%E2%80%9Cbinh-dan-hoc-vu-so%E2%80%9D-va-hoi-nghi-ve-chuyen-%C4%91oi-so-trong-hoat-%C4%91ong-cua-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-va-cac-truong-chinh-tri-tinh,-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-13508.htm

 

Bạn đang đọc bài viết Các trường học tiên phong thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số" tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn