Trong bối cảnh áp lực nghề nghiệp đối với giáo viên ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các môi trường giáo dục cạnh tranh như Hong Kong, Trung Quốc hay Đài Loan, việc xây dựng một môi trường học đường tích cực không chỉ còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Các nghiên cứu mới đây đã làm rõ vai trò trung tâm của môi trường học đường, sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lí cơ bản, cũng như nguồn lực nội tại của giáo viên trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần, giảm thiểu stress, đồng thời thúc đẩy sự gắn kết nghề nghiệp bền vững.
Nghiên cứu do Harrison và cộng sự (2024) tại Hong Kong đã chỉ ra rằng, môi trường học đường có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của giáo viên thông qua việc thỏa mãn các nhu cầu tâm lí cơ bản như tự chủ, năng lực và kết nối xã hội. Khi môi trường học đường tạo điều kiện cho giáo viên cảm nhận sự tự do trong công việc, sự thành thạo trong giảng dạy và mối quan hệ tích cực với học sinh, họ không chỉ cảm thấy hạnh phúc hơn mà còn duy trì được sự nhiệt huyết, động lực và cam kết lâu dài với nghề. Đáng chú ý, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh được xác định là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần giáo viên, vượt lên trên cả các mối quan hệ với đồng nghiệp hay lãnh đạo nhà trường. Điều này cho thấy, việc xây dựng các mối quan hệ tích cực, nhân văn trong lớp học chính là nền tảng thiết yếu cho sự phát triển nghề nghiệp bền vững.
Bên cạnh những tác động tích cực, nghiên cứu của Ren và cộng sự (2025) tại Trung Quốc chỉ ra mặt trái đáng lo ngại: Khi môi trường học đường kém tích cực, giáo viên có nguy cơ cao gặp phải căng thẳng tâm lí và kéo theo tình trạng "presenteeism" - tiếp tục làm việc ngay cả khi đang trong trạng thái sức khỏe không đảm bảo. Kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường học đường và khả năng phục hồi cá nhân của giáo viên có mối liên hệ nghịch với tình trạng presenteeism, trong khi distress tâm lí lại có mối liên hệ thuận. Đặc biệt, distress tâm lí đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa môi trường học đường và hành vi làm việc trong tình trạng sức khỏe suy giảm. Điều này cho thấy rằng, không chỉ cá nhân giáo viên mà cả nhà trường cần chủ động quan tâm đến việc tạo dựng môi trường làm việc tích cực, đồng thời bồi dưỡng khả năng phục hồi tâm lí cho đội ngũ giáo viên nhằm giảm thiểu các hệ quả tiêu cực tới hiệu suất và chất lượng giáo dục.
Ở một hướng tiếp cận khác, nghiên cứu của Wu (2025) tại Đài Loan đã khai thác sâu hơn vai trò của "workplace spirituality" (tinh thần làm việc) và "psychological capital" (nguồn lực tâm lí tích cực) đối với sự gắn kết nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở. Tinh thần làm việc bao gồm cảm nhận ý nghĩa trong công việc, đời sống nội tâm và cảm giác cộng đồng cùng với nguồn lực tâm lí tích cực gồm hiệu quả bản thân, hy vọng, lạc quan và khả năng phục hồi - đều cho thấy mối tương quan chặt chẽ và là những yếu tố dự báo mạnh mẽ cho mức độ gắn kết công việc của giáo viên. Các giáo viên có mức độ tinh thần làm việc và nguồn lực tâm lí tích cực cao hơn thường thể hiện sự nhiệt tình, tận tụy và tập trung cao độ trong công việc. Điều này không chỉ giúp họ đối mặt hiệu quả hơn với áp lực nghề nghiệp mà còn tạo ra tác động tích cực lan tỏa tới học sinh và toàn bộ cộng đồng trường học.
(Nguồn ảnh: Pexels)
Các kết quả nghiên cứu đều khẳng định rằng, một môi trường học đường tích cực, chú trọng hài lòng nhu cầu tâm lí cơ bản và nuôi dưỡng nội lực tinh thần cho giáo viên, sẽ mang lại những lợi ích bền vững cho cả cá nhân giáo viên, nhà trường và toàn hệ thống giáo dục. Đối với giáo viên, môi trường này giúp họ cảm thấy được hỗ trợ, phát triển bản thân tốt hơn, giảm nguy cơ kiệt sức nghề nghiệp và duy trì động lực làm việc dài hạn. Ở cấp độ nhà trường, việc đầu tư vào sức khỏe tinh thần và sự gắn kết của giáo viên góp phần tăng cường chất lượng giảng dạy, ổn định đội ngũ, cải thiện kết quả học tập của học sinh và xây dựng uy tín trong cộng đồng. Về phía hệ thống giáo dục nói chung, đây chính là nền tảng để hướng tới một nền giáo dục bền vững, nơi người thầy thực sự trở thành trung tâm đổi mới và truyền cảm hứng.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, các nhà quản lí giáo dục cần chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc tăng cường các chương trình đào tạo kĩ năng phục hồi tâm lí cho giáo viên đóng vai trò thiết yếu, nhằm trang bị cho họ khả năng đối phó với áp lực nghề nghiệp ngày càng lớn. Bên cạnh đó, xây dựng một môi trường làm việc đề cao sự tôn trọng, kết nối và ý nghĩa công việc cũng là yếu tố quan trọng giúp nuôi dưỡng cảm giác thuộc về và động lực nội tại cho đội ngũ giáo viên. Các hoạt động gắn kết giữa giáo viên và học sinh được thiết kế trên nền tảng nhân văn, cần được khuyến khích và duy trì thường xuyên để củng cố mối quan hệ xã hội tích cực trong nhà trường. Đồng thời, việc khuyến khích mô hình lãnh đạo hỗ trợ, trao quyền và đồng hành thay vì áp dụng các hình thức quản lí hành chính cứng nhắc sẽ tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tối đa tiềm năng và sự sáng tạo của mình. Cuối cùng, các trường học cần thực hiện khảo sát định kì về sức khỏe tinh thần và nhu cầu hỗ trợ của giáo viên, từ đó có những điều chỉnh chính sách kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Những nỗ lực này, nếu được triển khai một cách có hệ thống và lâu dài, sẽ góp phần tạo dựng môi trường giáo dục nhân văn, bền vững và đầy cảm hứng cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Sức khỏe tinh thần và sự gắn kết nghề nghiệp của giáo viên được hình thành và duy trì thông qua nhiều yếu tố trong đó có môi trường học đường và những nguồn lực tâm lí nội tại. Việc đầu tư xây dựng một môi trường học đường tích cực, hỗ trợ toàn diện cho giáo viên từ bên ngoài đến bên trong, chính là chiến lược lâu dài để phát triển giáo dục bền vững.
Nguồn:
Harrison, M. G., Wang, Y., Cheng, A. S., Tam, C. K. Y., Pan, Y. L., & King, R. B. (2025). School climate and teacher wellbeing: The role of basic psychological need satisfaction in student-and school-related domains. Teaching and teacher education, 153, 104819. https://doi.org/10.1016/j.tate.2024.104819
Ren, Z., Li, W., Wang, M., Zhou, C., Liu, H., & Zhang, X. (2025). School climate, psychological distress, resilience and presenteeism among Chinese school teachers: An analysis based on a moderated mediation model. Teaching and Teacher Education, 157, 104946. https://doi.org/10.1016/j.tate.2025.104946
Wu, S. M. (2025). The Relationships of Workplace Spirituality and Psychological Capital with Work Engagement Among Junior High School Teachers. Behavioral Sciences, 15(1), 44. https://doi.org/ 10.3390/bs15010044
Khánh Linh lược dịch