Trên lý thuyết, đổi mới giáo dục được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản và bền vững trong dạy học, quản lý và tổ chức nhà trường. Tuy nhiên, thực tế quốc tế cho thấy, nhiều cuộc đổi mới thất bại hoặc chỉ đạt được những kết quả hạn chế do quá trình thực thi không đồng bộ, thiếu linh hoạt hoặc không tính đến sự đa dạng của các bối cảnh địa phương.
Tại Việt Nam, sau hơn một thập kỷ triển khai chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo (Fundamental and Comprehensive Education Reform - FCER), cần thiết phải nhìn lại quá trình thực thi đổi mới trong các trường học: cách các nhà trường và giáo viên diễn giải chính sách, những yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở thay đổi thực sự, và cách thức để quá trình đổi mới đi vào chiều sâu thay vì dừng lại ở hình thức. Xuất phát từ thực tiễn đó, một nghiên cứu gần đây đã tiếp cận quá trình đổi mới từ góc nhìn Hệ thống thích ứng phức hợp (Complex Adaptive System Theory - CAST), nhằm phân tích sâu sắc tính linh hoạt, đa dạng và phức tạp của việc thực thi chính sách tại ba trường tiểu học công lập ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Từ động lực ban đầu đến sự phân hóa trong thực thi
Nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn đầu, đa số giáo viên và cán bộ quản lý thể hiện sự đồng thuận và tuân thủ với các yêu cầu đổi mới. Động lực thay đổi ban đầu khá mạnh, nhờ sự cam kết của cấp quản lý và áp lực thực hiện chính sách. Một số thực hành mới như dạy học phát triển năng lực, nghiên cứu bài học, xây dựng hội đồng trường đã được triển khai tại các trường.
Tuy nhiên, theo thời gian, quá trình thực thi đổi mới bắt đầu phân hóa tùy theo từng bối cảnh nhà trường. Những trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ổn định, phụ huynh đồng hành thường triển khai đổi mới hiệu quả hơn. Ngược lại, các trường ở khu vực khó khăn, với lớp học đông, cơ sở hạ tầng hạn chế và sự ủng hộ từ cộng đồng thấp, gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện đổi mới.
Đáng chú ý, sự tuân thủ ban đầu không đủ để duy trì động lực đổi mới lâu dài. Khi động lực bên ngoài giảm dần, các trường học và giáo viên cần dựa vào khả năng thích ứng, sáng tạo và nội lực của mình để tiếp tục duy trì và làm sâu sắc các thay đổi.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, đổi mới giáo dục tại Việt Nam bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực như việc triển khai phương pháp dạy học phát triển năng lực, nghiên cứu bài học và xây dựng hội đồng trường. Một số giáo viên chủ động thích ứng, sáng tạo trong vận dụng chính sách đổi mới, đặc biệt tại những trường có điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn nhiều thách thức như sự khác biệt về điều kiện giữa các trường, hiện tượng đổi mới hình thức, thiếu thẩm thấu vào thực tiễn dạy học, và khoảng cách lớn giữa mục tiêu chính sách với thực tiễn lớp học. Kết quả này cho thấy đổi mới giáo dục không thể đạt thành công bền vững chỉ bằng sự đồng thuận ban đầu, mà cần những chiến lược thực hiện thích ứng, linh hoạt, dài hạn, và có cơ chế hỗ trợ liên tục từ hệ thống.
Nghiên cứu đã khẳng định rằng để đổi mới giáo dục thành công và bền vững, cần kết hợp cả ba yếu tố: năng lực thực thi của giáo viên và nhà trường, sự linh hoạt trong thực hiện và tầm nhìn dài hạn. Các chính sách đổi mới cần được hỗ trợ bằng các chiến lược triển khai thích ứng với từng bối cảnh, đồng thời đẩy mạnh đào tạo thực chất, xây dựng hệ thống hỗ trợ linh hoạt thay vì áp đặt mô hình đồng loạt. Đổi mới giáo dục là một quá trình lâu dài, đòi hỏi kiên trì, điều chỉnh liên tục và cam kết bền bỉ từ toàn hệ thống. Kinh nghiệm từ quá trình đổi mới tại Việt Nam có thể mang đến những gợi ý thiết thực cho các hệ thống giáo dục đang tìm kiếm hướng đi hiệu quả và bền vững.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Ho, L. H. (2024). Implementing education reforms: a multiple case study of Vietnamese primary schools (Doctoral dissertation, University of Glasgow).