Xu hướng và những tác động của trí tuệ nhân tạo tạo sinh đối với giáo dục

Những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đã mở ra những cơ hội tiềm năng cho sự phát triển giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc ứng dụng GenAI vào giảng dạy và học tập cũng tồn tại những thách thức.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), với khả năng tạo ra các nội dung học tập mới, tương tác và cá nhân hóa, đang trở thành một công cụ không thể thiếu trong giáo dục hiện đại, đặc biệt với sự phát triển của các công cụ như ChatGPT.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp tổng quan có hệ thống, tiến hành phân tích các bài viết được xuất bản trên nền tảng Scopus từ năm 2021 đến 2024. Bài viết dựa trên bốn câu hỏi nghiên cứu chính: (1) Xu hướng nghiên cứu về GenAI trong giáo dục trong giai đoạn 2021-2024 là gì? (2) Các quốc gia nào dẫn đầu trong nghiên cứu GenAI trong giáo dục? (3) Các tạp chí nào có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực này? (4) Các chủ đề nổi bật và xu hướng nghiên cứu có thể rút ra từ các nghiên cứu gần đây?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghiên cứu về GenAI trong giáo dục đã có sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ năm 2023, với sự phổ biến và ứng dụng rộng rãi của các công cụ AI như ChatGPT. Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện ở số lượng ấn phẩm mà còn ở sự mở rộng các ứng dụng của GenAI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm học tập cá nhân hóa, đánh giá tự động và hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy. Các công cụ AI giúp tăng cường khả năng tham gia của học sinh, tạo ra các phương thức học tập hiệu quả hơn, đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho giáo viên trong việc tạo tài liệu học tập và đánh giá.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu GenAI trong giáo dục bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Singapore. Những quốc gia này đóng góp lớn vào các nghiên cứu về ứng dụng GenAI, đặc biệt trong các lĩnh vực học tập cá nhân hóa và đánh giá tự động. Mỹ, với các cơ sở nghiên cứu mạnh mẽ như MIT, đã phát triển các nghiên cứu sâu rộng về cách GenAI có thể thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy phản biện ở trẻ em. Ở nước Anh cũng đóng góp đáng kể với các nghiên cứu về việc sử dụng AI trong việc đánh giá học sinh và cải thiện hiệu quả giảng dạy. Singapore, một quốc gia đi đầu trong việc áp dụng công nghệ vào giáo dục, cũng có những nghiên cứu tiên phong trong việc sử dụng GenAI để tối ưu hóa phương pháp đánh giá và nâng cao chất lượng giảng dạy. Sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia này đã giúp thúc đẩy sự phát triển của GenAI trong giáo dục. Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các cơ sở giáo dục phương Tây và các quốc gia châu Á, đã tạo ra nhiều cơ hội để triển khai GenAI ở quy mô toàn cầu, đồng thời giúp giải quyết các vấn đề chung như chênh lệch kỹ thuật số và sự thiếu hụt nguồn lực tại các quốc gia đang phát triển.

Nguồn: Pexels.com

Mặc dù GenAI mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục, nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng công nghệ này còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những vấn đề đạo đức. Một trong những vấn đề lớn nhất là thiên lệch thuật toán, khi dữ liệu được sử dụng để huấn luyện các hệ thống AI có thể chứa đựng sự thiên vị, dẫn đến việc AI tạo ra các quyết định không công bằng đối với một số nhóm học sinh, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Bên cạnh đó, bảo mật dữ liệu là một vấn đề quan trọng trong việc sử dụng GenAI, khi thông tin cá nhân của học sinh có thể bị xâm phạm nếu không được bảo vệ đúng cách. Đặc biệt, hệ thống AI cần được thiết kế để đảm bảo rằng quyền riêng tư của học sinh được tôn trọng và dữ liệu không bị lạm dụng. Một thách thức khác là khoảng cách số giữa các trường học và khu vực, khi việc áp dụng công nghệ AI còn bị ảnh hưởng bởi nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng của các trường học. Điều này có thể dẫn đến việc một bộ phận học sinh không được tiếp cận công nghệ học tập tiên tiến, làm gia tăng sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Để đảm bảo việc ứng dụng GenAI trong giáo dục mang lại hiệu quả tích cực và công bằng, cần có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, cùng với các khuôn khổ pháp lý và quy định chặt chẽ. Các nghiên cứu trong tương lai cần tập trung vào việc phát triển các công cụ AI không chỉ có tính cá nhân hóa cao mà còn phải đảm bảo tính công bằng, đạo đức trong việc sử dụng và xử lý dữ liệu. Hơn nữa, việc đào tạo giáo viên để sử dụng AI hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng giúp tận dụng tối đa tiềm năng của GenAI. Các chương trình đào tạo cần giúp giáo viên không chỉ hiểu cách sử dụng công cụ AI mà còn hiểu được những vấn đề đạo đức và xã hội liên quan đến công nghệ này.

Như vậy, GenAI đang mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển giáo dục, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là trong các vấn đề đạo đức và bình đẳng. Nghiên cứu  cung cấp cái nhìn tổng quan về các xu hướng nghiên cứu hiện tại trong việc ứng dụng GenAI, đồng thời chỉ ra rằng sự hợp tác quốc tế và các chính sách đạo đức là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc ứng dụng AI trong giáo dục diễn ra một cách công bằng và hiệu quả.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Nguyen, T. N., & Truong, H. T. (2025). Trends and emerging themes in the effects of generative artificial intelligence in education: A systematic review. Eurasia Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 21(4), em2613. https://doi.org/10.29333/ejmste/16124

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng và những tác động của trí tuệ nhân tạo tạo sinh đối với giáo dục tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn