Từ trải nghiệm đến tri thức: Tiềm năng của nghiên cứu tự sự đối với nghiên cứu giáo dục Việt Nam

Nghiên cứu giáo dục Việt Nam vẫn còn ít quan tâm đến trải nghiệm cá nhân và bối cảnh văn hóa trong việc tạo lập tri thức. Vì vậy, nghiên cứu tự sự không chỉ là một lựa chọn mới mẻ mà còn là hướng tiếp cận cần thiết để khai mở chiều sâu của thực tiễn giáo dục, mở ra cơ hội kết nối tri thức học thuật với đời sống con người một cách chân thực và giàu tính nhân văn.

Trong bối cảnh nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các phương pháp định tính truyền thống và chưa thực sự chú trọng đến trải nghiệm cá nhân dưới lăng kính văn hóa, nghiên cứu đưa ra một đề xuất mạnh mẽ về tiềm năng của phương pháp nghiên cứu tự sự (narrative inquiry). Phương pháp nghiên cứu tự sự không chỉ là một lựa chọn mới mẻ trong kho tàng phương pháp định tính, mà còn là một hướng tiếp cận phù hợp với triết lý sống và thế giới quan phương Đông, đặc biệt là trong nỗ lực hiểu sâu sắc hơn về đời sống giáo dục và con người Việt Nam trong bối cảnh xã hội cụ thể.

Đầu tiên, nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù nghiên cứu tự sự đã trở thành một phương pháp nghiên cứu phổ biến trong nhiều nền học thuật quốc tế, tại Việt Nam, phương pháp này vẫn còn tương đối xa lạ và đôi khi bị hiểu nhầm là không đủ tính khoa học. Nguyên nhân một phần xuất phát từ sự trùng lặp về đối tượng nghiên cứu giữa nghiên cứu tự sự và các phương pháp định tính khác như nghiên cứu tình huống, hiện tượng học hay lý thuyết nền tảng. Tuy nhiên, điểm khác biệt cốt lõi của nghiên cứu tự sự là việc đặt câu chuyện - không chỉ nội dung mà còn hình thức kể, bối cảnh và mối quan hệ giữa người kể và người nghe vào trung tâm quá trình tạo lập tri thức.

Về mặt triết học và phương pháp luận, nghiên cứu tự sự được xây dựng trên nền tảng rằng con người hiểu thế giới và chính bản thân mình thông qua các câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều mang tính thời gian, bối cảnh và tính quan hệ - ba trụ cột cấu thành “tư duy tự sự” (narrative thinking). Tư duy này không chỉ giúp làm sáng tỏ các sự kiện xảy ra trong đời sống giáo dục mà còn gợi mở cách chúng ta gắn kết, diễn giải và truyền đạt ý nghĩa từ trải nghiệm sống. Trong văn hóa Việt Nam, nơi mà các giá trị về quan hệ, vòng đời, đạo hiếu và cộng đồng luôn được đặt cao, nghiên cứu tự sự không chỉ hợp lý về mặt lý thuyết mà còn có tính phù hợp sâu sắc về mặt văn hóa.

Nguồn: Pixabay.com

Nghiên cứu chú trọng đến việc trình bày chi tiết cách thức triển khai nghiên cứu tự sự như một quy trình nghiên cứu định tính nghiêm túc. Trước hết, việc chọn mẫu thường được thực hiện theo phương pháp chọn lọc có chủ đích (purposive sampling), nhấn mạnh đến chất lượng hơn là số lượng người tham gia. Một nghiên cứu tự sự đôi khi chỉ cần một hoặc vài trường hợp điển hình nhưng giàu chiều sâu trải nghiệm, có khả năng làm nổi bật những khía cạnh cụ thể của vấn đề nghiên cứu.

Tiếp theo, trong quá trình thu thập dữ liệu, các nhà nghiên cứu thường sử dụng phỏng vấn mở hoặc bán cấu trúc, song điều quan trọng là phải tạo ra không gian để người tham gia có thể tự do kể lại câu chuyện của họ theo cách riêng. Điều này đòi hỏi người nghiên cứu không chỉ có kỹ năng lắng nghe mà còn phải biết xây dựng mối quan hệ tin cậy, hiểu được sắc thái ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa của người kể. Tại Việt Nam, nơi mà cách nói vòng vo, tránh trực tiếp hay ngại bày tỏ cảm xúc tiêu cực là phổ biến, nhà nghiên cứu càng cần phải tinh tế để “đọc giữa các dòng”, hiểu được cái chưa được nói cũng như cái đã được nói.

Một điểm đặc biệt trong nghiên cứu tự sự là cách phân tích dữ liệu. Không giống như các phương pháp định tính khác thiên về việc phân loại, mã hóa và trích xuất chủ đề, nghiên cứu tự sự đề cao việc giữ nguyên tính toàn vẹn và logic nội tại của câu chuyện. Nghiên cứu giới thiệu đến hai hướng tiếp cận phân tích chính: (1) Phân tích các câu chuyện - tìm kiếm các mẫu chủ đề hoặc mô hình giữa các câu chuyện khác nhau; (2) Phân tích theo tự sự - tập trung vào từng câu chuyện cụ thể với các yếu tố như cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, cảm xúc và kết cấu thời gian. Sự kết hợp giữa hai hướng này không chỉ đảm bảo tính khoa học mà còn giữ được chiều sâu của trải nghiệm cá nhân.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng đề cập đến vai trò của nhà nghiên cứu như một thực thể có ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình nghiên cứu. Bài viết nhấn mạnh tính phản tư (reflexivity) - việc nhà nghiên cứu luôn tự đặt câu hỏi về ảnh hưởng của chính mình lên việc lựa chọn đề tài, thu thập và phân tích dữ liệu. Điều này đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu tự sự, nơi mà mối quan hệ giữa người kể và người ghi lại câu chuyện có thể làm thay đổi bản chất câu chuyện được kể. Việc viết lại câu chuyện hay “tái kể” (restorying) không chỉ là một thao tác kỹ thuật, mà là một hành động đạo đức nhằm bảo toàn tính toàn vẹn và chiều sâu của trải nghiệm người tham gia, đồng thời kết nối nó với bối cảnh xã hội rộng lớn hơn.

Cuối cùng, nghiên cứu mở rộng vấn đề bằng cách nhấn mạnh tính cấp thiết của nghiên cứu tự sự trong nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam. Trong bối cảnh các phương pháp nghiên cứu hiện tại còn nặng về mô hình hóa, thiếu sự phản tư và thường bỏ qua tiếng nói của người trong cuộc như giáo viên, học sinh hay phụ huynh, nghiên cứu tự sự giúp đưa trở lại trọng tâm là con người - những người sống và tạo ra thực tiễn giáo dục hằng ngày. Qua đó, phương pháp này không chỉ góp phần làm phong phú thêm kho tàng phương pháp luận, mà còn có thể trở thành công cụ phản biện xã hội hữu hiệu, mở ra hướng đi phù hợp với tinh thần phi thực dân hóa (decolonization) trong nghiên cứu.

Tóm lại, nghiên cứu tự sự là một phương pháp định tính với nền tảng lý luận vững chắc, có tính phù hợp cao với bối cảnh giáo dục và văn hóa Việt Nam. Bằng việc “nghĩ cùng với câu chuyện”, thay vì chỉ phân tích chúng như dữ liệu, người nghiên cứu có thể mở ra những cách hiểu mới, nhân văn và sâu sắc hơn về thực tiễn giáo dục - không chỉ tại Việt Nam mà còn trong những không gian văn hóa tương tự.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Le, H. M. (2025). Thinking with Stories: The Potential of Narrative Inquiry for Vietnamese Education Research. Vietnam Journal of Education9(Special Issue), 146-155. https://doi.org/10.52296/vje.2025.445

Bạn đang đọc bài viết Từ trải nghiệm đến tri thức: Tiềm năng của nghiên cứu tự sự đối với nghiên cứu giáo dục Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn